Hải Vân Quan - từ "Đệ nhất hùng quan" trở thành nơi hoang phế

14/01/2022

Đèo Hải Vân nối Đà Nẵng với Huế, chắc có lẽ là một địa danh không xa lạ với đa số người Việt, kể cả những người chưa có dịp trực tiếp đi qua. Nhưng có một điều rất buồn cười là không ít người nhầm lẫn, gọi con đèo Hải Vân là… Đệ nhất hùng quan.

cửa ải xưa trên ngọn đèo hiểm

Đèo Hải Vân không phải con đèo dài nhất, không phải con đèo cao nhất, và cũng chưa chắc đã là con đèo hiểm trở nhất, nhưng nó có lẽ là con đèo thuộc loại đặc biệt nhất Việt Nam, vì nằm ở vào một vị trí rất hiểm trên con đường thiên lý Bắc Nam.

Một bên trập trùng núi biếc, một bên thăm thẳm biển xanh: giữa đỉnh đèo mây phủ, nhìn về phía Nam là vịnh Đà Nẵng với bờ cát cong cong vàng rực trong nắng, nhìn về phía Bắc là bãi Lăng Cô thẳng tắp một đường, mờ mờ trong lớp mù - một phong cảnh quá đỗi hùng vĩ.

Một góc Đà Nẵng rực lên trong nắng sớm

Một góc Đà Nẵng rực lên trong nắng sớm

Bãi Lăng Cô thẳng tắp về phía mũi Chân Mây

Bãi Lăng Cô thẳng tắp về phía mũi Chân Mây

Hải Vân Quan - cửa ải trên đỉnh đèo - có lẽ đã có từ thời Trần, bởi theo lưu truyền, cái mệnh danh “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” của cửa ải này do vua Lê Thánh Tông ban đặt khi vua thân chinh đánh Chiêm Thành hồi năm 1470-1471, nghĩa là cửa ải trên đỉnh đèo Hải Vân đã có từ giai đoạn trước đó rồi.

Đỉnh đèo Hải Vân

Đỉnh đèo Hải Vân

Phải đến thời Nguyễn, Hải Vân Quan mới được đặc biệt quan tâm, có thể vì thời Trần, Lê, kinh đô mãi tận Thăng Long xa xôi về phương Bắc, còn thời Nguyễn thì kinh đô Huế ở cách đó không xa.

Với triều Nguyễn, Hải Vân Quan có vị trí đặc biệt quan trọng ở cửa ngõ phía Nam kinh thành. Những di tích cửa ải xây bằng gạch vững chắc còn lại trên đỉnh đèo mà hiện nay chúng ta thấy, chính là một phần còn lại của “Lũy phòng thủ Hải Vân” - vành đai phòng thủ xa nhất về phía Nam của Kinh thành Huế - được triều Nguyễn xây dựng năm 1826.

Trở thành lũy phòng thủ phía Nam Kinh thành Huế

Đầu thế kỷ XX, đường qua đỉnh đèo chưa phải ở vị trí như hiện nay chúng ta thấy, mà nó từ phía Đà Nẵng chạy qua cổng phía Đà Nẵng (chữ X màu xanh trên họa đồ Lũy phòng thủ Hải Vân) vòng qua cổng phía Huế (chữ Y màu xanh) rồi xuôi về phía Huế.

Lũy phòng thủ Hải Vân đầu thế kỷ XX (vẽ lại bản họa đồ trong tập san Những người bạn cố đô Huế)

Lũy phòng thủ Hải Vân đầu thế kỷ XX (vẽ lại bản họa đồ trong tập san Những người bạn cố đô Huế)

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Năm 1921, một người Pháp là H.Cosserat miêu tả về “Lũy phòng thủ trên đèo Hải Vân” - trong tập san Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H) - gồm một chuỗi công trình chắn ngang con đường đèo, bao gồm:

- Cổng Đà Nẵng, Cổng Huế - đến nay còn di tích khá nguyên vẹn. (Tầng gạch bên trên 2 cổng này được xây dựng về sau trong chiến tranh, sử dụng như một lô cốt án ngữ đường đèo).

- Hai bức tường chắn ngang đường ABU và VL, mà ngày nay đoạn BL chính là mặt đường hiện hữu, đoạn VL và bức tường nối VL tới cổng Huế vẫn còn di tích.

- Trên hai bức tường ABU và VL có đặt các ụ pháo ở vị trí C, D, E, F, G, H mà nay đã mất dấu.

- Bức tường đá cong cong, bao kín từ cổng Đà Nẵng sang cổng Huế, nay còn dấu tích nền móng.

- Các công trình P, R, Q, T, J đã hoàn toàn bị mất dấu.

Hai cổng Hải Vân Quan: cổng Huế và cổng Đà Nẵng

Hai cổng Hải Vân Quan: cổng Huế và cổng Đà Nẵng

Cổng Đà Nẵng, mặt hướng về phía Nam (nhìn về Đà Nẵng).

Cổng Đà Nẵng, mặt hướng về phía Nam (nhìn về Đà Nẵng). Tầng gạch bên trên được xây dựng trong chiến tranh ở giai đoạn về sau này.

Dấu tích một phần bức tường VL kéo từ hông Cổng Đà Nẵng về phía Đông

Dấu tích một phần bức tường VL kéo từ hông Cổng Đà Nẵng về phía Đông.

Tấm đá trên trán cổng Đà Nẵng. Hàng chữ lớn: “Hải Vân Quan”. Hàng chữ dọc: “Xây dựng vào ngày tốt năm thứ bảy Minh Mạng” (1826).

Tấm đá trên trán cổng Đà Nẵng. Hàng chữ lớn: “Hải Vân Quan”. Hàng chữ dọc: “Xây dựng vào ngày tốt năm thứ bảy Minh Mạng” (1826).

Cổng Huế mặt trong của cụm phòng thủ (hướng Tây)

Cổng Huế mặt trong của cụm phòng thủ (hướng Tây)

Tấm đá trên trán cổng Huế (phía Đông). Dòng chữ lớn: “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Tấm đá trên trán cổng Huế (phía Đông). Dòng chữ lớn: “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Dấu tích bức tường cong bằng đá, ôm bao từ cổng Đà Nẵng tới cổng Huế.

Dấu tích bức tường cong bằng đá, ôm bao từ cổng Đà Nẵng tới cổng Huế.

Trở thành hoang phế

Theo như H.Cosserat ghi lại, năm 1876, lũy phòng thủ Hải Vân được canh gác bởi một đội quân chừng 50 người dưới sự chỉ huy của một ông quan võ, nhưng đến đầu tháng 11 năm 1885, một du khách tên C.Paris ghi nhận tại Hải Vân Quan lúc đó chỉ có “một đội trưởng và 5 người lính An-nam canh gác", và đến ngày 15/12/1885, khi tướng Prudhomme đi qua Hải Vân Quan thì: “… lên đến đỉnh đèo lính kiệt sức, mệt nhọc, phải nghỉ ngơi trong công sự bằng đá, là công sự phòng vệ lối qua lại bỏ trống từ lâu…”.

Như vậy tức là trạm gác Hải Vân đã bị loại bỏ thực sự vào thời điểm trong khoảng từ 15/11/1885 đến 15/12/1885.

Thoáng chốc, đến nay đã hơn 136 năm, Hải Vân Quan trở thành hoang phế.

Cổng Đà Nẵng, nhìn về phía vịnh Đà Nẵng

Cổng Đà Nẵng, nhìn về phía vịnh Đà Nẵng

Cổng Huế và bãi Lăng Cô mờ mờ phía Bắc

Cổng Huế và bãi Lăng Cô mờ mờ phía Bắc

Cửa sổ lô cốt trên tầng 2 cổng Đà Nẵng (được xây thêm về sau này)

Cửa sổ lô cốt trên tầng 2 cổng Đà Nẵng (được xây thêm về sau này)

Thật tiếc vì suốt một thời gian rất dài di tích lịch sử này bị lãng quên và bỏ mặc cho xuống cấp, tận tháng 4/2017 Hải Vân Quan mới được công nhận là Di tích cấp quốc gia.

Ngày 19/12/2021, Sở VH-TT TP. Đà Nẵng phối hợp Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức khởi công dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan. Hy vọng từ đây, di tích lịch sử này sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa từ cơ quan chức năng cũng như du khách trong và ngoài nước.

Bài & ảnh: Nam Hoa
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES