Trần Đặng Đăng Khoa mang theo gì trong hành trình khám phá thế giới bằng xe máy?

25/09/2019

Bước sang năm thứ 3 trong hành trình vòng quanh thế giới bằng xe máy, mới đây travel blogger Trần Đặng Đăng Khoa bất ngờ tiết lộ toàn bộ hành trang của mình trong chuyến đi khắp năm châu. Anh Khoa cho biết, chiếc balo như một ngôi nhà thu nhỏ nằm trên lưng của mình, vậy hãy cùng xem có gì trong chiếc balo "siêu to khổng lồ" này.

Trần Đặng Đăng Khoa không còn là cái tên xa lạ trong cộng đồng những người yêu thích du lịch bụi. Anh ghi dấu ấn với hành trình chinh phục thế giới trên chiếc xe máy mang biển số 63 của mình. Bắt đầu từ 1/6/2017, anh đi qua hơn 33.000 km với 30 quốc gia thuộc 3 châu lục khác nhau. Thời điểm hiện tại, hành trình của anh vẫn đang tiếp tục với nhiều vùng đất mới.

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, Trần Đặng Đăng Khoa chia sẻ trên hình ảnh chụp lại toàn bộ hành trang của một chuyến đi vòng quanh thế giới bằng xe máy. Nhìn tưởng nhiều hóa ra lại ít, nhìn tưởng ít hóa ra lại đầy đủ. Không có tiêu chuẩn nào cho việc chuẩn bị hành trang đi du lịch nhưng hãy cùng xem, chàng trai 8x của chúng ra luôn mang gì bên mình khi ở nơi đất khách.

Chàng trai 8x Trần Đặng Đăng Khoa bên cạnh toàn bộ hành trang trong hành trình vòng quanh thế giới bằng xe máy của mình

Chàng trai 8x Trần Đặng Đăng Khoa bên cạnh toàn bộ hành trang trong hành trình vòng quanh thế giới bằng xe máy của mình

Xe Máy

Hành trang đầu tiên không thể không nhắc tới chính là chiếc xe máy - người bạn đồng hành cùng Khoa trên khắp mọi cung đường trên thế giới.

Chân dung chàng trai 8x Trần Đặng Đăng Khoa và chiếc xe máy của mình tại Picton New Zealand hồi đầu tháng 9 vừa qua

Chân dung chàng trai 8x Trần Đặng Đăng Khoa và chiếc xe máy của mình tại Picton New Zealand hồi đầu tháng 9 vừa qua

Chiếc xe Khoa sử dụng trong chuyến đi này là chiếc Wave đời 2008. Nhiều người khuyên đổi xe mới nhưng anh không chịu. "Đây là chiếc xe đầu tiên tôi mua, cùng tôi đi qua bao thăng trầm và dù có chuyện xảy ra thì nó vẫn đưa tôi về an toàn". Chàng trai sinh năm 1987 cho biết, anh đã bỏ ra hơn 11 triệu đồng để nâng cấp phụ tùng và sửa chữa máy móc.

Giấy tờ tùy thân

Hộ chiếu, visa, dấu xuất nhập cảnh, bằng lái, bảo hiểm du lịch, giấy tờ xe… là vật tối quan trọng trong mỗi chuyến xuất ngoại nên luôn được ưu tiên trong việc cất giữ. Kinh nghiệm của Khoa là photo ra nhiều bản để trong balo và cốp xe, riêng bản gốc thì để trong túi nhỏ và nhét vào lớp áo trong cùng.

Ảnh: Facebook Trần Đặng Đăng Khoa

Ảnh: Facebook Trần Đặng Đăng Khoa

Tất cả giấy tờ đều được bao bọc trong các túi nylon chống nước cẩn thận. Thói quen này giúp anh rất nhiều, đặc biệt là trong chuyến đi Hy Lạp, đang chạy trên cao tốc trên đường rời khỏi Athen thì trời đổ mưa đột ngột. Vì đang ở giữa cao tốc nên anh không thể dừng lại. Nhờ chuẩn bị từ trước, giấy tờ cất kỹ vào các túi chống nước và balo luôn được trùm áo mưa nên chỉ mỗi người bị ướt, giấy tờ vẫn khô ráo.

Tiền mặt và thẻ ATM

Tiền bạc là hành trang đặc biệt quan trọng, nhất là khi đi đến những vùng đất lạ. Trong chuyến đi của mình, Khoa mang theo hai thẻ của ngân hàng Việt Nam, một thẻ ngân hàng nước ngoài. Nhờ vậy khi ở Ấn Độ, anh vẫn rút được tiền dù bị khóa mất một thẻ (máy ATM ở Ấn chỉ cho nhập 4 số, trong khi thẻ quốc tế ở Việt Nam số PIN lại có 6 số).

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Thẻ ATM và tiền mặt cũng được Khoa chia ra cất nhiều nơi trong người, trong balo, giấu trong xe phòng khi bị trộm cướp vẫn có tiền phòng thân.

Đồ dùng cá nhân và đồ nghề đa năng

Đây là nhóm vật dụng chiếm vị trí nhiều nhất trong balo của Khoa. Vì đi một mình và đi chặng đường rất xa bằng xe máy, nên anh trang bị rất nhiều những vật dụng phòng khi gặp sự cố có thể tự mình khắc phục nhanh các vấn đề.

Đồ dùng cá nhân anh mang theo gồm: quần áo đủ loại (để chạy xe, mặc ngủ, leo núi, tắm biển); giày dép; găng tay (găng mùa hè, mùa đông, găng sửa xe); khăn các loại; mắt kính; mũ (mũ len, mũ kết, mũ hiking, mũ bảo hiểm)... Ngoài ra có các đồ dùng cơ bản như: bàn chải đánh răng, kim chỉ, bình nước, lược, bông ngoái tai, chỉ nha khoa,...

Chiếc xe máy cùng toàn đồ nghề cùng anh Khoa rong ruổi vòng quanh thế giới

Chiếc xe máy cùng toàn đồ nghề cùng anh Khoa rong ruổi vòng quanh thế giới

Đồ nghề đa năng gồm: lều, túi ngủ, bạt trải, đồ nghề sửa xe, phụ tùng và ruột xe sơ cua, ống bơm, bình xăng dự trữ, la bàn, còi cứu hộ, đèn pin các kiểu, chìa khóa sơ cua, ổ khóa, dây nhợ, lưỡi câu, cưa mini, ống lọc nước, đủ loại dao... Tất cả như một siêu thị thu nhỏ được nhét gọn gàng trong balo của Khoa.

Bên cạnh đó, trong balo của anh luôn thủ sẵn thuốc men, đồ sơ cứu khẩn cấp. “Tủ thuốc di động” này được Khoa để ở chỗ lấy ra nhanh nhất. Đặc biệt, anh còn để trong đó kết quả khám sức khỏe tổng quát của mình, phòng trường hợp bất tỉnh, nhân viên y tế hoặc cứu hộ sở tại biết rõ anh nhóm máu gì, tiền sử bệnh, kháng thuốc gì, các thông số sức khỏe cá nhân khác…

Ngoài ra còn có đồ nấu nướng, nồi niêu xoong chảo, muỗng đũa, cồn nấu ăn, và một số loại thực phẩm như: snack, trà, cafe, nước uống...

Khoa kiêm luôn cả công việc của một người sửa xe với bộ đồ nghề mang theo từ quê nhà

Khoa kiêm luôn cả công việc của một người sửa xe với bộ đồ nghề mang theo từ quê nhà

Thiết bị công nghệ

Khoa mang đến tận ba chiếc điện thoại, trong đó một chiếc smartphone dùng để liên lạc, chụp ảnh, một chiếc “cùi bắp” để làm GPS dẫn đường treo trước xe. Bên cạnh đó, anh cũng mang theo một chiếc pin “khỏe”, tắt nguồn bỏ trong balo để phòng hờ khi mất cả hai cái kia.

Bí quyết của Khoa là lưu sẵn số hỗ trợ khẩn cấp của cảnh sát, cứu hộ ở các nước, hotline hỗ trợ người Việt ở nước ngoài, hotline bảo hiểm du lịch (1800 599998) và ISOS cứu hộ quốc tế (84838 247123). Anh cũng cài đặt mục Emergency Call ở màn hình khóa, trong trường hợp bị tai nạn bất tỉnh, không cần mở khóa vẫn có thể gọi được cho các hotline này.

Nam phượt thủ cũng cài đặt các ứng dụng về sơ cứu y tế, bản đồ offline, sử dụng tính năng chia sẻ vị trí mới của Google Maps để người mà anh chia sẻ luôn biết vị trí hiện tại hay lần cuối thấy Khoa là khi nào.

Những thiết bị công nghệ mang theo giúp anh ghi lại những hình ảnh đẹp nơi mình từng đi qua

Những thiết bị công nghệ mang theo giúp anh ghi lại những hình ảnh đẹp nơi mình từng đi qua

Bản đồ offline cực kỳ hữu ích và thực tế đã cứu nguy Khoa nhiều lần khi hỏng xe trên đường. Anh dùng nó để tìm vị trí đến ngôi làng gần nhất, tìm chỗ ngủ tạm hoặc tìm chỗ sửa xe hay tìm người giúp đỡ. Cũng nhờ app này, anh có thể lưu vị trí nhà nghỉ, khách sạn, chỗ đỗ xe để lang thang tham quan đây đó ở một thành phố xa lạ mà vẫn biết quay lại đúng chỗ.

Ngoài điện thoại, laptop, máy ảnh, tripod, thẻ nhớ, USB, các loại pin khác nhau cũng là những thiết bị không thể thiếu trong chuyến du lịch vòng quanh thế giới của Khoa. Những thiết bị công nghệ này vừa để lưu giữ những kỉ niệm bằng hình ảnh, video vừa pà phương tiện liên lạc, kết nối anh với mọi người, để những người quan tâm, theo dõi anh biết anh đang ở đâu và vẫn được an toàn.

Tường Minh - Nguồn: Trần Đặng Đăng Khoa
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES