Đi để trải nghiệm
Những người thích “phượt” có thể là bất kỳ ai, song đa phần đều là những người trẻ tuổi, có lối sống hiện đại và thích chia sẻ. Trước kia nó chỉ dành cho người có điều kiện kinh tế, nhưng gần đây xuất hiện nhiều học sinh, sinh viên. Bởi chi phí cho mỗi chuyến phượt “ôm” thường rất rẻ. Chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng cũng có thể thỏa mãn một chuyến phượt.
Muốn được trải nghiệm, khám phá khiến ngày càng nhiều các bạn trẻ tìm đến những chuyến du lịch bụi
Bạn Đức Anh (Đại học Kiến trúc) chia sẻ: “Để phục vụ cho công việc học tập và cũng là để thỏa mãn niềm đam mê được khám phá, trải nghiệm, bọn em đã gia nhập nhóm phượt.
Cứ rảnh rỗi là sắp xếp thời gian để đi, có thể là vài ngày, thậm chí đi cả tuần, tùy thời gian nghỉ học. Đi nhiều cũng khá tốn kém, nên bọn em chọn hình thức phượt “ôm” để tiết kiệm chi phí.”
Những chuyến khám phá bằng xe máy thường hấp dẫn giới trẻ hơn vì sự tiện lợi và những ưu việt của nó. Đức Anh cho biết thêm: Mỗi chuyến phượt ôm đều mang đến cảm giác mới lạ, bạn có thể chạm vào từng cành cây ngọn cỏ ven đường, cảm nhận được sự chuyển mình của cảnh vật, ngắm nhìn trời mây, hít thở hương thơm của cây cỏ, khí trời; hòa mình vào thiên nhiên và cảm nhận bằng mọi giác quan.
Khi nhìn thấy một phong cảnh đẹp, dân phượt hoàn toàn có thể tự do dừng lại ngắm nhìn, chụp ảnh, nghỉ ngơi, thậm chí, tìm thấy một địa điểm thích hợp, còn có thể dừng lại dựng trại nghỉ luôn ở đó.
Điều quan trọng của dân “phượt” trước mỗi chuyến đi đều “đăng tuyển” các cặp “xế-ôm”: thường xế là nam và ôm là nữ ngồi cùng xe. Cá biệt cũng có những bóng hồng có cá tính mạnh sẵn sàng cầm lái trong các chuyến đi dài hàng ngàn kilômét.
Ngân An - Nữ sinh viên trường Đại học Kiến trúc - hào hứng kể về những chuyến đi: “Trước đây em rất nhát và hay sợ ma, sợ bóng tối nhưng từ khi tham gia hội phượt điều đó không còn lo ngại với em nữa.
Bọn em thích phượt ở vùng cao vì muốn chinh phục những vùng núi non hiểm trở, những địa danh kỳ thú mà chưa có người đặt chân tới, còn giữ được nét nguyên sơ của thiên nhiên luôn đích đến của nhóm phượt bọn em.”
“Sau mỗi chuyến đi đều để lại nhiều cảm xúc với quê hương đất nước. Và đặc biệt, đi phượt là để trải nghiệm cuộc sống, rèn luyện bản lĩnh, được giao lưu, kết bạn…” – Đức Anh chia sẻ.
Nguy hiểm rình rập
Lưu lại kỷ niệm tại những cung đường đi qua
Phượt “ôm” luôn có độ rủi ro lớn bởi không ai chắc chắn 100% độ an toàn cho bản thân, nhất là khi các bạn trẻ chọn vùng đồi núi hiểm trở treo leo làm đích đến.
Sự nguy hiểm cũng có thể đến từ chính dân phượt. Các bạn trẻ thường nghĩ đơn giản chỉ là “xách ba lô lên và đi” mà không tìm hiểu cung đường mình sẽ phải trải qua như thế nào. Có bạn còn coi đây là dịp để thể hiện “tay lái lụa”, ra sức phóng nhanh, vượt ẩu…tai nạn xảy ra là điều không tránh khỏi.
Nói về những hiểm nguy trong chuyến phượt đầu tiên của mình, Kiều Thanh vẫn còn rùng mình, xanh mặt. Khi được hỏi sẽ tiếp tục có mặt ở những chuyến phượt sắp tới cô bạn gái lập tức nói “không”.
“Đó là chuyến đi đầu tiên và cũng là cuối cùng trong cuộc đời mình bởi có quá nhiều ám ảnh kinh hoàng trong chuyến đi khiến mình không thể nào quên” – Kiều Thanh khẳng định.
Đã có rất nhiều tai nạn, thậm chí có cả trường hợp mất tích xảy ra trong những chuyến đi phượt. Gần đây nhất, dân phượt và cộng đồng mạng đau lòng trước thông tin nữ sinh viên Thu Hiền (ĐH Thương mại Hà Nội) đã qua đời vì một tai nạn giao thông tối 6/12 tại quốc lộ 6, đoạn gần đèo Thung Khe (Hòa Bình) khi đi xe máy cùng nhóm phượt gồm 60 người lên Mộc Châu.
Từng là thành viên lâu năm của diễn đàn phuot.vn, anh Nguyễn Quốc Cường nhận xét: “Đi phượt có rất nhiều mục đích tốt đẹp, giúp bạn trẻ học hỏi thêm nhiều điều, đương đầu với những thử thách trên hành trình. Thế nhưng, dù bất kỳ lý do gì thì mạo hiểm mạng sống của mình cũng quá dại dột”.
Theo Cường, "phượt" theo đúng nghĩa, dân phượt bao giờ cũng đặt an toàn tính mạng của bản thân cũng như người xung quanh lên hàng đầu bằng cách chuẩn bị chu đáo về công tác nhân sự, hậu cần cũng như kiến thức văn hóa, thông thạo địa hình... thì sẽ tạo nên những chuyến đi đầy trải nghiệm nhưng không mạo hiểm, giúp mỗi người làm mới lại mình, thay đổi không khí và nạp thêm năng lượng sống.
Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra trong những chuyến đi, mỗi nhóm phượt cũng phải tổ chức đội hình rất chặt chẽ để tránh không thất lạc và hỗ trợ được nhau. Thường đội hình chia thành 3 nhóm: Tiền đội là những người dày dạn kinh nghiệm, đi trước tiền trạm, quyết định hành trình và lo sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho cả nhóm. Trung đội là đội hay la cà, lang thang thích chụp ảnh, gồm những người chưa có kinh nghiệm. Nhóm này có thể rẽ ngang rẽ dọc thoải mái, miễn là không vượt trước tiền đội và tụt sau hậu đội. Hậu đội luôn phải đi sau cùng, giữ hết đồ sửa xe và khóa đuôi đoàn.