Haruki Murakami và chuyện bỏ rơi một con mèo

19/06/2022

"Ngay lúc này, tôi vẫn có thể hồi tưởng lại sự bối rối của hai cha con vào ngày hè đó, khi chúng tôi cùng nhau đạp xe đến bãi biển ở Koroen để bỏ lại một con mèo mướp. Tôi có thể nhớ lại tiếng sóng biển, hương gió thoảng qua hàng thông. Chính sự góp nhặt của những điều vụn vặt như thế đã làm tôi trở thành con người như bây giờ" - trích Haruki Murakami

Bài lược dịch từ truyện ngắn "Bỏ lại một con mèo" của nhà văn Haruki Murakami nhân kỷ niệm Ngày của cha 2022, bản dịch tiếng Anh của Philip Gabriel trên tạp chí The New Yorker.

Tất nhiên là tôi có rất nhiều kỷ niệm về cha. Tự nhiên là thế, vì chúng tôi đã sống chung dưới một mái nhà không rộng rãi lắm từ lúc tôi sinh ra đến khi tôi rời đi vào năm mười tám tuổi. Và, cũng như hầu hết trẻ em và các bậc cha mẹ, tôi cứ ngỡ có những kỷ niệm của tôi về cha rất vui vẻ, số khác thì không vui cho lắm. Nhưng hoá ra những mảnh ký ức còn hiện rõ nhất trong tâm trí tôi thì lại không rơi vào trường hợp nào trong hai điều trên cả; chúng chứa đựng những sự kiện bình thường hơn.

Ví dụ thế này:

Lúc chúng tôi còn sống ở Shukugawa (một địa phận của thành phố Nishinomiya, tỉnh Hyogo), một ngày nọ chúng tôi đến bãi biển để bỏ lại một con mèo. Lý do tại sao phải bỏ lại nó thì tôi không nhớ nổi. Không phải một con mèo con mà là một con mèo cái trưởng thành. Ngôi nhà của chúng tôi lúc ấy là loại nhà đơn dành cho gia đình với một khu vườn và rất nhiều chỗ để nuôi mèo. Có lẽ đó là một con mèo hoang chúng tôi nhặt về rồi sau đó nó có thai, và cha mẹ tôi thấy là họ không thể chăm sóc nó nữa. Tôi không nhớ rõ lắm. Hồi ấy, bỏ rơi mèo là chuyện bình thường, không ai chỉ trích điều ấy cả. Chẳng có người nào nghĩ đến việc triệt sản cho mèo. Thời điểm đó tôi mới vừa vào trường tiểu học, hẳn là vậy, thế thì là vào khoảng năm 1955, hoặc hơn một chút.

Cha và tôi lên đường vào một buổi chiều hè để bỏ lại con mèo bên bờ biển. Ông đạp xe, tôi ngồi đằng sau ôm một chiếc hộp đựng con mèo. Chúng tôi đi dọc theo sông Shukugawa, đến bãi biển ở Koroen, đặt chiếc hộp xuống giữa những lùm cây, và trở về nhà mà không hề nhìn lại. Bờ biển đó ắt hẳn cách nhà tôi khoảng hai kilomet.

Về nhà, hai cha con xuống xe - trò chuyện về việc chúng tôi cảm thấy có lỗi với con mèo ra sao, nhưng chúng tôi có thể làm gì khác được? - và mở cửa ra. Con mèo chúng tôi vừa bỏ lại bãi biển đang ngồi đó, kêu một tiếng “meo” đầy thân thiện, cái đuôi dựng thẳng. Nó về nhà trước cả chúng tôi. Tôi không tài nào nghĩ ra sao nó làm được thế. Chúng tôi đi xe đạp cơ mà. Cha tôi cũng bối rối. Hai cha con đứng đó một lúc, không biết nói gì cho phải. Dần dần, ánh mắt rất đỗi kinh ngạc của cha chuyển thành sự ngưỡng mộ và cuối cùng, trở nên nhẹ nhõm. Và chúng tôi lại nhận nuôi con mèo lần nữa.

3

Một kỷ niệm khác về cha tôi

Mỗi ngày, trước bữa sáng, cha thường ngồi rất lâu trước bàn thờ Phật trong nhà, chăm chú đọc kinh, mắt nhắm nghiền. Nói chính xác, đó không phải một bàn thờ Phật thông thường, mà là một tủ kính nhỏ hình trụ có bức tượng Bồ Tát được chạm khắc tinh xảo bên trong.

Rõ ràng, đây là một nghi thức quan trọng đối với cha, một nghi thức đánh dấu sự bắt đầu ngày mới. Theo những gì tôi được biết thì cha không bao giờ quên thực hiện việc mà ông gọi là "bổn phận" đó, và không một ai được phép quấy rầy ông. Nó không chỉ đơn giản là một "thói quen hàng ngày".

Một lần, khi tôi còn nhỏ, tôi có hỏi cha rằng ông đang cầu nguyện cho ai. Và ông trả lời là ông cầu nguyện cho những người đã mất trong chiến tranh. Những người lính Nhật Bản và cả những người Trung Quốc từng là kẻ thù của họ. Cha không nói rõ, và tôi cũng không ép ông. Tôi nghĩ rằng nếu tôi gặng hỏi, có lẽ ông sẽ mở lòng hơn. Nhưng tôi không làm thế. Chắc hẳn phải có điều gì đó đã ngăn cản tôi tiếp tục đề tài này.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Khi cha còn là một cậu bé, ông từng được gửi đi học việc tại một ngôi chùa đâu đó ở Nara. Với sự hiểu biết của mình, đáng lẽ cha sẽ được nhận nuôi trong gia đình tu sĩ vùng Nara. Tuy nhiên, hết thời gian học việc, ông trở về nhà tại Kyoto. Lý do được đưa ra là cái lạnh đã ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của ông, nhưng nguyên nhân chính có lẽ là vì ông không thể hoà nhập được với môi trường mới. Sau khi về nhà, cha vẫn - như lúc trước - sống như một người con trai của ông bà. Nhưng tôi có cảm giác rằng trải nghiệm đó không hề nguôi ngoai trong ông, nó trở thành một vết sẹo tinh thần sâu sắc. Tôi không thể chỉ ra bằng chứng cụ thể nào cho kết luận này, nhưng có điều gì đó về cha khiến tôi cảm thấy như vậy.

Giờ tôi nhớ lại biểu cảm trên khuôn mặt của cha tôi - ban đầu là kinh ngạc, rồi ngưỡng mộ, và nhẹ nhõm - khi con mèo mà chúng tôi bỏ lại bãi biển đã về nhà trước cả chúng tôi.

Tôi chưa bao giờ trải nghiệm bất cứ điều gì tương tự. Phải nói là tôi được nuôi dạy một cách rất trìu mến, là con một trong một gia đình phổ thông. Vì vậy tôi không thể hiểu được, dù ở góc độ thực tế hay tình cảm, rằng bị cha mẹ bỏ rơi sẽ để lại vết sẹo tinh thần đến mức nào cho đứa trẻ. Tôi chỉ có thể mường tượng một cách mang máng.

Cha tôi sinh ngày 1 tháng 12 năm 1917 tại Awata-guchi, Sakyo-ku, Kyoto. Khi cha còn bé, thời kỳ Đại Chính dân chủ yên bình đã đi đến hồi kết, sau đó là cuộc Đại khủng hoảng u ám, tiếp theo là vũng lầy chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai, và cuối cùng là thảm kịch chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tiếp đến là sự rối bời và nghèo đói của thời kỳ đầu giai đoạn hậu chiến, khi thế hệ của cha tôi phải vật lộn để tồn tại.

Ngay sau khi cha tôi giải ngũ, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ tại Thái Bình Dương. Nếu khi ấy cha không được trả tự do, nếu ông được điều binh đi cùng đơn vị cũ, thì gần như chắc chắn là ông đã chết trên chiến trường, và tất nhiên, cũng không có tôi bây giờ. Bạn có thể gọi đó là may mắn, nhưng việc sống sót trong khi những đồng đội cũ đều hi sinh hết trở thành căn nguyên cho nỗi đau đớn và thống khổ vô biên của cha. Giờ đây, tôi càng hiểu hơn vì sao cha nhắm mắt và chú tâm niệm kinh mỗi buổi sáng trong suốt cả cuộc đời mình.

Empty

Cha tôi luôn yêu thích văn chương, và sau khi trở thành giáo viên, ông dành nhiều thời gian để đọc sách. Ngôi nhà của chúng tôi chứa đầy những sách. Điều này có lẽ đã ảnh hưởng đến tôi thuở thiếu thời, khi niềm đam mê đọc sách lớn dần trong tôi. Mẹ vẫn thường nói với tôi, "Cha con rất thông minh". Cha thông minh ra sao thì tôi không rõ. Thú thực, đó không phải câu hỏi khiến tôi quan tâm nhiều. Trong lĩnh vực văn chương của tôi, trí thông mình không quan trọng bằng một trực giác nhạy bén. Tuy có thể là thế, nhưng sự thật là cha vẫn luôn đạt điểm xuất sắc ở trường.

So với ông, tôi chưa bao giờ có hứng thú với việc học. Điểm số của tôi mờ nhạt từ đầu đến cuối. Tôi là kiểu người luôn háo hức theo đuổi những điều mình quan tâm và không buồn bận tâm đến gì khác nữa. Khi còn là sinh viên đã vậy, và đến giờ tôi vẫn thế.

Điều này khiến cha tôi thất vọng, tôi chắc rằng cha đã so sánh tôi với bản thân ông khi cùng tuổi. "Con được sinh vào thời bình" - hẳn là ông đã nghĩ vậy. "Con có thể học bao nhiêu tuỳ thích, không có gì cản trở con. Vậy sao con không thể nỗ lực hơn nữa?".

Tôi nghĩ cha muốn tôi đi theo con đường mà ông đã không thể đi vì chiến tranh. Nhưng tôi không thể sống theo kỳ vọng của cha. Tôi không bao giờ có thể ép mình học như cách ông mong muốn. Tôi thấy hầu hết các lớp học ở trường đều khiến đầu óc tê liệt, hệ thống trường học quá rập khuôn và hà khắc. Điều đó khiến cha thất vọng sâu sắc, còn tôi chịu nỗi đau khổ bám chặt (và những cơn tức giận trong vô thức). Khi tôi trở thành một nhà văn ở tuổi ba mươi, cha rất hài lòng, nhưng lúc đó mối quan hệ của chúng tôi đã sớm trở nên xa cách và nguội lạnh.

Khi tôi lớn lên và hình thành tính cách của riêng mình, tâm lý bất hoà giữa tôi và cha trở nên rõ ràng hơn. Cả hai chúng tôi đều không chịu nhường nhịn, đến khi không còn trực tiếp giãi bày suy nghĩ với nhau được nữa, chúng tôi hoàn toàn trở thành hai kiểu người khác nhau. Dù tốt hay xấu thì cũng vậy.

Sau khi tôi kết hôn và bắt đầu đi làm, cha và tôi ngày càng xa cách hơn. Đến khi tôi dành toàn thời gian cho sự nghiệp viết lách, mối quan hệ giữa chúng tôi đã trở nên rối rắm đến mức chúng tôi gần như cắt đứt mọi liên lạc. Hai cha con không gặp nhau trong suốt hơn hai mươi năm và chỉ nói chuyện khi thực sự cần thiết.

Cha và tôi được sinh ra ở hai thời đại và hai môi trường khác nhau, cách suy nghĩ và nhìn nhận thế giới của chúng tôi quá khác biệt. Nếu ở một thời điểm nào đó, tôi cố gắng hàn gắn mối quan hệ, mọi thứ có thể đã đi theo một hướng khác. Nhưng tôi đã quá chú tâm vào những gì mình muốn thay vì cố gắng làm điều đó.

Cha và tôi cuối cùng cũng nói chuyện trực tiếp với nhau, không lâu trước khi ông qua đời. Lúc ấy tôi gần sáu mươi tuổi, còn cha đã chín mươi. Ông nằm trong một bệnh viện ở Nishijin, tại Kyoto. Ông mắc bệnh tiểu đường nghiêm trọng, và căn bệnh ung thư đang tàn phá gần như toàn bộ cơ thể ông. Trước đây, cơ thể ông luôn đẫy đà, nhưng giờ người ông hốc hác cả đi. Suýt thì tôi không nhận ra cha. Và ở đó, trong những ngày cuối cùng của cuộc đời ông - mấy ngày cuối cùng theo nghĩa đen, cha và tôi đã thành công xoay sở một cuộc trò chuyện gượng gạo và đạt được một trạng thái giảng hoà. Bất chấp sự khác biệt giữa chúng tôi, tôi vẫn cảm nhận được một mối liên hệ, một sự gắn bó khi nhìn cha tiều tuỵ.

Ngay lúc này, tôi vẫn có thể hồi tưởng lại sự bối rối của hai cha con vào ngày hè đó, khi chúng tôi cùng nhau đạp xe đến bãi biển ở Koroen để bỏ lại một con mèo mướp. Tôi có thể nhớ lại tiếng sóng biển, hương gió thoảng qua hàng thông. Chính sự góp nhặt của những điều vụn vặt như thế đã làm tôi trở thành con người như bây giờ.

Empty

Dù sao đi nữa, chỉ có một điều mà tôi muốn trình bày ở đây. Một sự thật hiển nhiên, duy nhất:

Tôi là một người con trai bình thường của một người đàn ông bình thường. Rõ ràng là vậy, tôi biết. Nhưng, khi mới bắt đầu khám phá ra sự thật đó, tôi nhận thấy rõ rằng mọi thứ xảy ra trong cuộc đời của cha tôi và của tôi đều là tình cờ. Chúng ta sống cuộc sống của mình theo cách này: coi những thứ xảy ra một cách tình cờ và ngẫu nhiên là thực tại duy nhất.

Nói theo cách khác, hãy tưởng tượng những hạt mưa rơi trên một dải đất rộng. Mỗi chúng ta là một hạt mưa không tên giữa muôn vàn giọt mưa. Đương nhiên là một giọt riêng lẻ, độc lập, nhưng hoàn toàn có thể thay thế được. Dẫu vậy, hạt mưa đơn độc ấy vẫn có những cảm xúc riêng, lịch sử riêng, và nhiệm vụ gánh vác lịch sử ấy. Ngay cả khi nó mất đi tính toàn vẹn của cá nhân và bị cuốn vào một cái gì đó mang tính tập thể. Hoặc có lẽ chính xác hơn là bởi vì nó bị hấp thụ vào một thực thể lớn hơn, bao quát hơn.

An (The New Yorker)
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES