Haruki Murakami và một năm của mì Ý

13/12/2021

“Năm 1971, tôi nấu mì Ý để sống, và sống để nấu mì. Hơi nước bốc lên từ nồi là niềm tự hào và nỗi vui sướng của tôi, sốt cà chua sủi lên trong nồi mang đến cho tôi hy vọng lớn lao trong cuộc sống” - trích Haruki Murakami.

Năm một nghìn chín trăm bảy mươi mốt là Năm của mì Ý.

Năm 1971, tôi nấu mì Ý để sống, và sống để nấu mì. Hơi nước bốc lên từ nồi là niềm tự hào và nỗi vui sướng của tôi, sốt cà chua sủi lên trong nồi mang đến cho tôi một niềm hy vọng lớn lao trong cuộc sống.

Tôi đến một cửa hàng chuyên về nấu ăn và mua một cái đồng hồ hẹn giờ nhà bếp, cùng một chiếc nồi nhôm khổng lồ, nó lớn đến mức đủ để một chú chó chăn cừu Đức nhảy vào ngồi tắm, rồi tôi lượn khắp các siêu thị dành cho người nước ngoài, gom góp đủ loại gia vị có những cái tên kỳ quặc. Tôi chọn một cuốn sách dạy nấu spaghetti ở hiệu sách, và mua một tá cà chua. Tôi ôm về tất cả nhãn hiệu mì ống mà mình tìm được, chế biến tất cả những loại nước sốt mà con người đã nghĩ ra. Hỗn hợp của hành, tỏi và dầu ô liu xoáy lên trong không khí, tạo thành một đám mây nhẹ tênh, nó bay xuyên qua mọi ngóc ngách trong căn hộ bé nhỏ của tôi, thấm qua sàn, trần nhà và tường, bám lên quần áo, sách vở, đĩa than, vợt tennis và những chồng thư cũ. Đó là một thứ mùi hương mà có lẽ, đứng ở trên cầu dẫn nước La Mã cũng có thể cảm nhận được.

Đây là câu chuyện về Năm của mì Ý, năm 1971 Công nguyên.

Đã thành thông lệ, tôi nấu spaghetti, và ăn, một mình. Tôi tin rằng mì Ý là một món ăn nên được thưởng thức một mình. Thực sự thì tôi cũng không thể giải thích lý do tại sao, chỉ biết là vậy thôi.

Tôi luôn ăn mì Ý kèm với trà và một suất salad xà lách trộn dưa chuột đơn giản. Phải đảm bảo mình không thiếu thứ nào. Tôi bày biện tất cả gọn gàng lên bàn và thưởng thức bữa ăn nhàn nhã, vừa ăn vừa liếc nhìn tờ báo giấy. Từ Chủ Nhật đến thứ Bảy, từng Ngày mì Ý nối tiếp nhau. Một ngày Chủ Nhật mới lại bắt đầu một Tuần mì Ý mới.

Cứ mỗi khi ngồi ăn một đĩa mì Ý - đặc biệt là vào một buổi chiều mưa - tôi luôn có cảm giác rằng ai đó sắp gõ cửa nhà mình. Mỗi lần, tôi lại tưởng tượng ra một người khác nhau. Đôi khi là một người lạ, đôi khi là ai đó tôi quen. Có lần, tôi nghĩ tới cô gái với đôi chân thon thả mà mình từng hẹn hò thời trung học, và có lần tôi còn tự tưởng tượng ra chính bản thân mình, của quá khứ vài năm trước, đến gõ cửa thăm tôi. Lần khác nữa thì lại là William Holden, đang tay trong tay với Jennifer Jones.

William Holden?

Tuy nhiên, không một ai trong số những người này thực sự đánh bạo bước vào căn phòng. Họ cứ do dự ngay bên ngoài, không gõ cửa, giống như những mảnh ký ức rời rạc, rồi chuồn mất.

e1255407b457d3f235ebea87c2ce8d99

Xuân, hè rồi thu, tôi nấu và lại nấu, như thể nấu mì Ý là một hành động trả thù. Giống như một cô gái cô đơn bị phụ bạc ném những bức thư tình cũ vào lò sưởi, tôi ném hết vốc mì Ý này đến vốc mì Ý khác vào nồi.

Tôi gom hết những bóng hình thời gian bị chà đạp, nhào nặn chúng thành hình một chú chó chăn cừu Đức, ném chúng vào nồi nước sôi và rắc muối lên đó. Rồi tôi đứng canh chừng cái nồi, với đôi đũa cả trong tay, đến khi chiếc đồng hồ bấm giờ kêu lên một tiếng ai oán.

Những sợi mì Ý rặt một đám xảo quyệt, không đời nào tôi rời mắt khỏi chúng được. Nếu tôi quay lưng lại, rất có thể chúng sẽ trượt khỏi mép nồi và biến mất vào màn đêm. Đêm tối im lìm, đang chờ thời cơ để phục kích những sợi mì chạy trốn.

Mì Ý cà tím nướng phô mai

Mì Ý sốt Napoli

Mì Ý hải sản

Mì Ý tỏi ướp dầu

Mì Ý trứng thịt xông khói

Mì Ý nấu sò

Và những phần mì Ý còn thừa vô danh, đáng thương khác nữa, bị ném bừa vào tủ lạnh.

Sinh ra từ nồi nước sôi, những sợi mì Ý trôi xuống dòng sông năm 1971 và tan biến.

Tôi thương tiếc tất cả bọn chúng - tất cả số mì Ý năm 1971.

2682b776216237.5c631ce910964

Khi điện thoại reo lúc 3:20 chiều, tôi đang nằm dài trên tấm chiếu tatami, nhìn chằm chằm lên trần nhà. Một vũng ánh nắng mùa đông đắp xuống chỗ tôi nằm. Tôi nằm đó như một con ruồi chết, trống rỗng, trong ánh nắng tháng Mười Hai.

Lúc đầu, tôi không nhận ra đó là tiếng chuông điện thoại. Nó giống như một phần kí ức xa lạ đang dè dặt len lỏi vào trong từng tầng không khí. Nhưng, cuối cùng, nó cũng thành hình, và trở thành tiếng chuông điện thoại không lẫn đâu được. Trăm phần trăm là một cái điện thoại đang đổ chuông giữa không gian có thật trăm phần trăm. Vẫn nằm dài ở đó, tôi với tay và nhấc ống nghe lên.

Đầu dây bên kia là một cô gái, một cô gái mơ hồ đến mức, tới lúc bốn giờ ba mươi phút, có lẽ cô ấy sẽ biến mất hoàn toàn. Cô ấy là bạn gái cũ của một người bạn của tôi. Điều gì đó đã đưa họ đến với nhau, anh chàng này và cô gái mơ hồ này, và cũng điều gì đó đã khiến họ chia tay. Tôi thừa nhận rằng, mình đã miễn cưỡng đóng một vai trò khiến họ quen biết nhau thuở ban đầu.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

"Xin lỗi đã làm phiền anh" - cô ấy nói, "Nhưng anh có biết hiện giờ anh ta đang ở đâu không?".

Tôi nhìn lên chiếc điện thoại, đưa mắt chạy dọc theo chiều dài sợi dây. Chắc chắn là sợi dây vẫn đang được nối với điện thoại. Tôi cố đưa ra một câu trả lời lập lờ. Giọng nói của cô ấy có vẻ bất thường, và tôi biết là mình không muốn dính vào vụ rắc rối này, dù nó có là gì đi nữa.

"Chẳng ai cho tôi biết anh ta đang ở đâu" - cô lạnh lùng nói tiếp, "Mọi người đều giả vờ rằng họ không biết gì. Nhưng có điều quan trọng tôi cần nói với anh ta, vậy nên làm hơn - hãy cho tôi biết anh ta đang ở đâu. Tôi hứa sẽ không kéo anh vào chuyện này. Anh ta đâu rồi?".

"Thực lòng thì tôi không biết" - tôi trả lời, "Lâu lắm rồi tôi không gặp cậu ta". Nghe cứ như không phải giọng của tôi. Tôi đã nói thật về việc đã lâu chưa gặp hắn, nhưng phần còn lại thì không - đúng là tôi có biết địa chỉ và số điện thoại của anh chàng. Cứ lúc nào nói dối là giọng tôi lại trở nên kỳ quặc.

Cô ấy không đáp lại.

Chiếc điện thoại lạnh toát như tảng băng.

Rồi mọi thứ xung quanh tôi biến thành những tảng băng, như thể tôi đang ở trong một câu chuyện khoa học viễn tưởng của J. G. Ballard.

"Tôi thực sự không biết" - tôi nhắc lại, "Cậu ta rời đi lâu rồi, không nói một lời".

Cô gái bật cười. "Thôi xin. Anh ta có thông minh đến thế đâu. Chúng ta đang nói về một gã mà làm gì cũng ồn ào đến mức ầm ĩ được đấy".

Cô ấy nói đúng. Cậu bạn tôi đúng là hơi ngớ ngẩn.

Nhưng tôi không định nói cho cô ấy biết anh chàng đang ở đâu. Làm thế, và rồi hắn sẽ gọi điện cho tôi than vãn đủ điều. Tôi không muốn bị cuốn vào mớ rắc rối của người khác nữa. Tôi đã đào sẵn một cái hố ở sân sau và chôn vùi mọi thứ cần bị chôn vùi. Không ai có thể xới chúng lên được nữa.

"Tôi xin lỗi" - tôi nói.

"Anh không thích tôi, phải không?" - đột nhiên cô ấy nói vậy.

Tôi không biết phải trả lời ra sao nữa. Không phải là tôi không thích cô ấy. Tôi không có ấn tượng thực sự nào về cô ấy cả. Làm sao mà có ấn tượng xấu về một người chẳng mang lại ấn tượng gì cho bạn được.

"Tôi xin lỗi" - tôi nhắc lại, "Nhưng bây giờ tôi đang nấu spaghetti".

"Sao cơ?".

"Tôi bảo là tôi đang nấu mì Ý" - tôi nói dối. Tôi không biết vì sao mình lại nói vậy. Nhưng lời nói dối ấy đã trở thành một phần con người tôi - đến mức, trong khoảnh khắc đó, nó chẳng có vẻ gì là một lời nói dối.

Tôi đổ đầy nước tưởng tượng vào chiếc nồi tưởng tượng, bật một cái bếp tưởng tượng bằng một que diêm tưởng tượng.

"Thì sao?" - cô ấy hỏi.

Tôi rắc muối tưởng tượng vào làn nước sôi, nhẹ nhàng thả một vốc mì Ý tưởng tượng vào cái nồi tưởng tượng, hẹn tám phút cho chiếc đồng hồ nhà bếp tưởng tượng.

"Thì tôi không nói chuyện được. Món mì Ý sẽ hỏng mất".

Cô ấy không nói gì cả.

"Tôi thực sự xin lỗi, nhưng nấu mì Ý cần phải tập trung".

Cô gái vẫn im lặng. Chiếc điện thoại trong tay tôi lại bắt đầu đóng băng.

"Vậy cô gọi lại cho tôi sau được không?" - tôi vội vàng nói thêm.

"Bởi vì anh đang bận làm dở món mì Ý à?" - cô ấy hỏi.

"Ừ".

"Anh nấu cho ai vậy, hay chỉ ăn một mình?".

"Tôi ăn một mình thôi" - tôi trả lời.

Cô ấy nín lặng hồi lâu, rồi từ từ thở ra. "Anh không biết đâu, nhưng thật sự tôi đang rất khó khăn. Tôi không biết mình phải làm gì nữa".

"Xin lỗi tôi không giúp được gì" - tôi nói.

"Liên quan đến cả chuyện tiền nong".

"Tôi hiểu".

"Anh ta nợ tôi tiền" - cô ấy nói, "Tôi cho anh ta mượn một khoản tiền. Đáng lẽ không nên làm thế, nhưng cũng hết cách rồi".

Tôi im lặng đến một phút đồng hồ, tâm trí tôi đang trôi về phía mì Ý. "Tôi xin lỗi" - tôi nói, "Nhưng tôi vẫn đang nấu dở mì Ý, vậy...".

Cô ấy cười chán chường. "Tạm biệt" - cô nói, "Gửi lời chào đến món mì Ý giúp tôi nhé. Mong là nó sẽ OK".

"Tạm biệt" - tôi đáp lại.

Khi tôi cúp máy, khoảng nắng trên sàn nhà đã dịch đi vài centimet. Tôi lại nằm xuống trong vũng ánh sáng đó và tiếp tục nhìn chằm chằm lên trần nhà.

Nghĩ về nồi mì Ý cứ sôi mãi mà không bao giờ chín thật sự rất, rất buồn.

Giờ thì tôi có chút hối hận mình đã không nói gì cho cô gái. Có lẽ tôi nên tiết lộ gì đó. Ý tôi là, anh bạn trai cũ của cô ấy cũng chẳng có gì đáng nói - một gã tính nghệ sĩ với vỏ ngoài rỗng tuếch, một kẻ dẻo miệng chẳng ai tin tưởng. Nghe có vẻ như cô ấy đang thiếu tiền, và, dù có chuyện gì đi nữa, thì mượn bao nhiêu vẫn phải trả lại bấy nhiêu.

Đôi khi tôi tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với cô gái - suy nghĩ ấy thường xuất hiện trong đầu tôi khi tôi ngồi trước một đĩa mì Ý nóng hổi. Sau khi cúp máy, liệu cô ấy có biến mất mãi mãi không, tan vào cái bóng lúc 4:30 chiều? Và phải chăng tôi cũng phần nào có lỗi?

Nhưng bạn hãy hiểu cho tình thế của tôi. Lúc ấy, tôi không muốn dính líu đến bất kỳ ai. Đó là lý do vì sao tôi cứ mãi nấu mì, chỉ một mình. Trong cái nồi khổng lồ, đủ để một chú chó chăn cừu Đức nhảy vào ngồi tắm.

Empty

Những cây lúa mì phất phơ trên cánh đồng nước Ý.

Bạn có tưởng tượng được người Ý sẽ kinh ngạc như thế nào không, nếu họ biết thứ mà họ xuất khẩu vào năm 1971, lại chính là nỗi cô đơn?

Thông tin thêm

Trong một buổi phỏng vấn Haruki Murakami vào năm 2002, các nhân vật của ông trong tập sách này được miêu tả là những người tìm kiếm một cách thức để hiểu về cuộc sống, với những hình ảnh hiện thực thậm phồn có chút khó hiểu. Murakami khám phá sự rối loạn, cô lập và nỗi cô đơn mà nhận thức về thực tại của một con người có thể tạo ra.

Khái niệm "hiện thực thậm phồn" được lý thuyết gia người Pháp, Jean Baudrillard, đề ra, nó gợi tả về một "điều gì đó" khi mà cái thực và cái ảo hoàn toàn đan lẫn vào nhau, không còn một sự phân cách rõ ràng, và con người thấy mình hòa hợp với cái ảo và xa cách cái thực hơn.

"Trong truyện ngắn 'Năm của mì Ý', hành động nấu mì thể hiện cái cách ý thức nhận vật tiếp nhận thông tin từ thực tại (mua mì Ý), diễn giải nó theo tâm lý cá nhân (nấu mì Ý), và kết hợp nó với hiện thực thậm phồn của anh ta (ăn mì Ý). Kết quả cuối cùng (mì Ý nấu chín) được coi như một hành động tự thuật" - Theo Jordan Eash.

*Bài dịch từ The Year With Spaghetti - truyện ngắn thứ 14 trong tuyển tập truyện ngắn Blind Willow • Sleeping Woman của nhà văn Haruki Murakami, bản dịch tiếng Anh của Philip Gabriel.

An (The New Yorker)
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES