Hành trình “bên kia đường chân trời” (Phần 1): Hoài cổ nơi miền cổ tích Lệ Giang thời 4.0

17/01/2022

Với tâm điểm là “Chân trời đã mất” Shangri-la, chúng tôi gọi chuyến “phượt” xuyên biên giới thời trước Covid-19 theo tuyến Lệ Giang - Shangri-la - hồ Lugu (Vân Nam, Trung Quốc) là “hành trình bên kia đường chân trời” để tự khám phá và cảm nhận những điều thú vị theo các góc nhìn khác lạ.

SẮC THU CAO NGUYÊN MÙA CAO ĐIỂM DU LỊCH

Tập hợp nhau chủ yếu qua online, nhóm phượt thủ nghiệp dư 12 người chúng tôi trước lúc xách ba lô lên đường còn chưa nhớ mặt và thuộc hết tên nhau. Tới lúc sắp lên xe mọi người mới “té ngửa” khi biết trình độ tiếng Trung của tôi với tư cách phiên dịch chính cho đoàn, chỉ ở mức “học 2 tháng từ 3 năm trước”.

Lệ Giang cổ trấn hấp dẫn du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi vẻ trầm mặc đậm chất hoài cổ. (Ảnh: globalheritagefund.org)

Lệ Giang cổ trấn hấp dẫn du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi vẻ trầm mặc đậm chất hoài cổ. (Ảnh: globalheritagefund.org)

Nhưng “liều ăn nhiều”, cả đoàn vẫn rộn rã lên xe thẳng tiến cửa khẩu Hữu Nghị Quan. Mở màn khá thuận lợi khi đoàn sớm gặp được "quý nhân phù trợ" là một bạn đồng hành có vợ chưa cưới ở Nam Ninh. Quý nhân gọi điện nhờ cô ấy giúp chúng tôi đặt trước vé tàu hỏa Nam Ninh - Côn Minh.

Vì thế tới Nam Ninh chúng tôi đỡ cập rập, còn kịp ăn tối trước khi lên tàu. May mắn là lại có quý nhân nữa xuất hiện. Anh Đông với tầm vóc cao lớn của cư dân vùng Đông Bắc Trung Quốc tình cờ ngồi ghế gần đội hình nhóm "phượt" Việt. Chớp thời cơ, tôi tranh thủ luyện thực hành tiếng Trung, nhưng lại khiến anh Đông tròn mắt khi biết đoàn khách Việt sẽ trải qua hành trình 9 ngày trên đất nước rất ít xài tiếng Anh này, mà chỉ với vốn tiếng Trung làng nhàng như thế.

Quý nhân Đông xởi lởi nhận luôn trách nhiệm giúp chúng tôi mua vé tàu chặng Côn Minh - Nam Ninh và cả vé xe bus đi tiếp tới Lệ Giang. Xuống ga Côn Minh, với sự hỗ trợ quý báu của anh Đông - “dịch” từ tiếng Trung “nhanh” sang tiếng Trung “chậm” dễ hiểu hơn - chúng tôi nhanh chóng mua được vé tàu và xe bus cho đoàn đi Lệ Giang. Chia tay anh Đông ai cũng xúc động cảm ơn tình cảm ấm áp của người bạn mới quen.

Xe bus “xịn xò”: 2 tầng, ghế ngồi thoải mái như đi máy bay, thiết bị hiện đại, đường cao tốc “chuẩn”, cảnh sắc lá vàng - lá đỏ tuyệt đẹp hai bên đường khiến cả nhóm quên hết mệt mỏi, thi nhau chụp choẹt.

Điểm khởi đầu Con đường Táo nổi tiếng Lệ Giang - Shangri-la. Xe du lịch thường dừng lại đây cho du khách xuống ngắm cảnh những vườn táo trĩu quả trài dài ven đường.

Điểm khởi đầu Con đường Táo nổi tiếng Lệ Giang - Shangri-la. Xe du lịch thường dừng lại đây cho du khách xuống ngắm cảnh những vườn táo trĩu quả trài dài ven đường.

Táo vừa hái trên cây được người dân địa phương bán ven đường rất tươi ngon. Táo đỏ giòn ngọt lịm, táo vàng ngọt mát và rất thơm.

Táo vừa hái trên cây được người dân địa phương bán ven đường rất tươi ngon. Táo đỏ giòn ngọt lịm, táo vàng ngọt mát và rất thơm.

HOÀI CỔ VỚI “VENICE PHƯƠNG ĐÔNG”

Xe đến Lệ Giang vào cuối giờ chiều, cả đoàn bắt taxi thẳng tiến Lệ Giang cổ trấn cách đó không xa. Cùng thuộc tỉnh Vân Nam nhưng mỗi điểm đến du lịch trong cái gọi là hành trình “bên đường chân trời” lại có những nét riêng cuốn hút khác nhau. Biểu tượng Bánh xe gỗ quay guồng nước lớn nổi tiếng của Lệ Giang cổ trấn kia rồi, nhưng mà… trời ơi, sao đông người thế!

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Thành phố Lệ Giang bao gồm: khu đô thị mới (New Town), Đại Nghiên (Dayan) cổ trấn - cũng là Lệ Giang cổ trấn (Lijiang Old Town), Thúc Hà (Shuhe) cổ trấn và Bạch Sa (Baisha) cổ trấn.

Những mái nhà phố cổ Lệ Giang rực sáng đẹp lung linh, huyền ảo trong đêm.

Những mái nhà phố cổ Lệ Giang rực sáng đẹp lung linh, huyền ảo trong đêm.

Biểu tượng Bánh xe gỗ quay guồng nước là một điểm check-in nổi tiếng thu hút du khách dạo chơi, tìm hiểu cuộc sống về đêm tại lối vào quảng trường trung tâm Lệ Giang cổ trấn.

Biểu tượng Bánh xe gỗ quay guồng nước là một điểm check-in nổi tiếng thu hút du khách dạo chơi, tìm hiểu cuộc sống về đêm tại lối vào quảng trường trung tâm Lệ Giang cổ trấn.

Lệ Giang cổ trấn vốn là cố đô của Vương quốc Nanxi, được xây dựng từ cuối đời Tống - đầu đời Nguyên, với diện tích 3,8 km2, nằm ở độ cao 2.400 m trên cao nguyên Vân Quý cách Côn Minh 500 km. Không chỉ hấp dẫn bởi phong cảnh đẹp như “bước ra từ truyện cổ tích”, Lệ Giang cổ trấn còn cuốn hút bởi bề dày lịch sử thể hiện qua những nét văn hóa truyền thống độc đáo. “Miền cổ tích” này nổi tiếng nhất về hệ thống đường thủy và 354 cây cầu vắt qua sông với mật độ 93 cầu/km2, nên còn được mệnh danh là “Venice phương Đông” và đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 1997.

Lệ Giang là cổ trấn với dân số khoảng 30.000 người, bao gồm chủ yếu là dân tộc Bạch, Naxi và người Tạng. 30% cư dân Lệ Giang vẫn giữ gìn các nghề thủ công truyền thống như đúc đồng, chạm bạc, dệt và thêu, thuộc da và lông thú; góp phần tạo thêm nét cuốn hút cho các điếm du lịch ở Lệ Giang.

Một màn trình diễn trước cửa quán, chào đón du khách khám phá cuộc sống về đêm và nét văn hóa ẩm thực của Lệ Giang cổ trấn.

Một màn trình diễn trước cửa quán, chào đón du khách khám phá cuộc sống về đêm và nét văn hóa ẩm thực của Lệ Giang cổ trấn.

Trang phục Naxi của phụ nữ Lệ Giang thời nay.

Trang phục Naxi của phụ nữ Lệ Giang thời nay.

Sự cố 1/3 Lệ Giang cổ trấn bị phá hủy trong trận động đất hồi tháng 2/1996 đã lùi xa, nay điểm du lịch nổi tiếng này vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Cao điểm nhất là dịp cuối thu - đầu đông với phong cảnh lá vàng - lá đỏ và tuyết trắng tinh khôi đẹp mê hồn như ở “xứ sở thần tiên” tại khu danh thắng Ngọc Long Tuyết Sơn.

Khác với tưởng tượng trước đây của tôi về sự yên bình, cổ kính, rêu phong… Lệ Giang tuy vẫn đậm vẻ hoài cổ nhưng đã pha nhiều nét hiện đại với bầu không khí sôi động giữa lung linh sắc màu; dòng du khách tràn ngập những con đường đi bộ lát đá nhỏ xinh; hai bên đường san sát cửa hàng, cửa hiệu, quán xá…

Du khách nào tới Lệ Giang cổ trấn cũng muốn ghi lại khoảnh khắc đắm mình trong bầu không khí trong lành, bên những hàng dương liễu duyên dáng thả từng chùm lá thướt tha, những cây cầu gỗ cong cong bé xíu bắc qua dòng kênh nhỏ nước rất trong, thấy rõ từng chùm rong rêu xanh dập dờn theo sóng nước lô xô… Tối tối, trước các hàng quán thường có những màn trình diễn đón khách của các nữ vũ công xinh đẹp.

Vẻ tĩnh lặng hiếm có lúc sáng sớm khi du khách còn chưa đổ tới phố cổ Lệ Giang.

Vẻ tĩnh lặng hiếm có lúc sáng sớm khi du khách còn chưa đổ tới phố cổ Lệ Giang.

Một phụ nữ dân tộc Nanxi tại Lệ Giang cổ trấn tạo dáng cho du khách chụp ảnh.

Một phụ nữ dân tộc Nanxi tại Lệ Giang cổ trấn tạo dáng cho du khách chụp ảnh.

Vẻ mê chơi lập tức bừng lên trên từng gương mặt nhóm phượt Việt chúng tôi, ai cũng mải mê bấm máy, tạo dáng check-in ghi dấu ấn đã chinh phục chặng đường tới cổ trấn được ca ngợi là đẹp nhất Trung Quốc này.

Tôi cũng vừa tranh thủ chụp vài kiểu ảnh, vừa alo cho chị Mạn chủ nhà trọ được nhóm “phượt” Việt đi trước giới thiệu, nhờ thu xếp phòng trọ và ra đón đoàn đang lọt thỏm giữa biển người nô nức như trẩy hội đêm Giao thừa.

Thưởng thức Gongcha (trà sữa) nóng hổi lúc sáng sớm, khi Lệ Giang cổ trấn còn chưa đông du khách.

Thưởng thức Gongcha (trà sữa) nóng hổi lúc sáng sớm, khi Lệ Giang cổ trấn còn chưa đông du khách.

Đi cáp treo lên ngắm cảnh “ngoài kia tuyết rơi rơi…” ở Ngọc Long Tuyết Sơn gần Lệ Giang cổ trấn. Ngay dưới chân núi là Thúc Hà (Shuhe) cổ trấn với vẻ đẹp kỳ ảo như  tiên cảnh.

Đi cáp treo lên ngắm cảnh “ngoài kia tuyết rơi rơi…” ở Ngọc Long Tuyết Sơn gần Lệ Giang cổ trấn. Ngay dưới chân núi là Thúc Hà (Shuhe) cổ trấn với vẻ đẹp kỳ ảo như tiên cảnh.

Vốn tiếng Trung của tôi đã trôi chảy hơn sau những cuộc “giao dịch” trên tàu xe theo kiểu “xoong thủng, chảo thủng… lỗ tại cũng thủng”. Bởi thế sau 3 phút trao đổi qua điện thoại, tôi mừng húm vì kịp đặt được 3 phòng cuối cùng vừa trống chỗ ở nhà trọ của chị Mạn, với giá 25 Tệ (khoảng 90.000 VNĐ)/ người.

Chất hành lý lên chiếc xe kiểu xe đạp lôi, chúng tôi về nhà trọ và lập tức bị cuốn hút ngay với căn nhà xinh xắn, được làm toàn bằng đá và gỗ, trước hiên nhà trồng liễu và có suối chảy qua - đúng đặc trưng nhà cửa vùng Lệ Giang. Cảm giác ấm áp và lãng mạn theo chúng tôi suốt chặng đầu của hành trình “bên đường chân trời” này. Quả là Lệ Giang rất xứng với danh hiệu một trong bảy “Thiên đường Trăng mật” hấp dẫn nhất thế giới.

Bữa tối đầu tiên ở Lệ Giang chúng tôi tự thưởng cho mình tại một nhà hàng gần trung tâm, là món lẩu thịt bò Yak + đậu phụ + nấm và rau tươi vùng núi trứ danh, với giá chưa đầy 300 tệ (khoảng 1,1 triệu VNĐ) cho cả đoàn.

Bữa tối đầu tiên ở Lệ Giang chúng tôi tự thưởng cho mình tại một nhà hàng gần trung tâm, là món lẩu thịt bò Yak + đậu phụ + nấm và rau tươi vùng núi trứ danh, với giá chưa đầy 300 tệ (khoảng 1,1 triệu VNĐ) cho cả đoàn.

Điểm đến tiếp theo trong lịch trình là Shangri-la, được mệnh danh là “Chân trời đã mất”, nhóm chúng tôi đẩy lên sớm 1 ngày vì giá vé rẻ hơn chỉ 600-700 Nhân dân tệ (khoảng 2,14 triệu - 2,5 triệu VNĐ). Nếu đi muộn hơn đúng dịp cuối tuần vé sẽ đắt hơn.

(còn tiếp)

Linh Giang (ảnh bìa: Internet)
RELATED ARTICLES