Đây là lần đầu tiên Trung Quốc lên kế hoạch thiết lập một hệ thống vườn quốc gia với quy mô trải dài vừa phía Bắc của Tây Tạng cho đến phía Nam đảo Hải Nam, khu vực rừng bảo vệ sẽ nằm trong các vườn quốc gia có tổng diện tích 230.000 km thuộc hệ thống.
Trước đó, Trung Quốc đã xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên vào năm 1956. Hiện nay, tại nước này đã có hơn 10.000 khu bảo tồn tương tự như vậy, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cân bằng đa dạng sinh học. Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc thừa nhận rằng, đã nảy sinh ra một số vấn đề khi quản lý các khu vực đó, cụ thể là việc ranh giới và trách nhiệm không rõ ràng giữa các địa phương khác nhau khi cùng quản lý một khu bảo tồn. Vì vậy việc đưa các vườn quốc gia vào cùng một hệ thống được coi là giải pháp tốt nhất của hiện tại.
Vườn Quốc gia Gấu trúc trong hệ thống mới này đã chính thức được công bố, đây sẽ là khu vực an toàn để gấu trúc tự do sinh sống, đồng thời nơi này cũng được kỳ vọng sẽ là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch đến Trung Quốc mỗi năm.
Theo báo cáo mới đây, Vườn Quốc gia Gấu trúc sẽ được mở rộng tại ba tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Cam Túc và trải dài qua các ngọn núi Mân Sơn, Cùng Lai, Đại Tương Lĩnh rồi đến dãy Tần Lĩnh. Khu vực này là môi trường sống tự nhiên của gấu trúc với hơn 75% trong số đó là gấu trúc hoang dã.
Trong khi đó, khu vực giao thoa giữa tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang sẽ có Vườn Quốc gia Hổ và Báo vùng Đông Bắc Trung Quốc, đây là khu vực duy nhất tại Trung Quốc có cả hổ và báo Siberia đang định cư. Các quan chức Trung Quốc đã thiết lập các “dự án sinh kế” cho người dân trong khu vực như xây dựng làng, tạo điều kiện để chăn nuôi gia súc và đào tạo ngành nông nghiệp thay thế.
Bên cạnh đó, đảo Hải Nam là nơi bảo tồn rừng nhiệt đới hàng đầu của Trung Quốc, cũng là nơi duy nhất trên thế giới tồn tại loài vượn đen Hải Nam. Vườn Quốc gia Rừng nhiệt đới Hải Nam được xây dựng để bảo vệ loài động vật này và môi trường sống của chúng.
Ngoài ra, một số vườn quốc gia khác lại tập trung vào nhiều loài động vật hơn là một loài cụ thể nào đó. Ví dụ như Vườn Quốc gia Vũ Di Sơn tại tỉnh Phúc Kiến được hợp nhất lại từ Khu bảo tồn núi Phúc Kiến, Khu thắng cảnh núi Vũ Di và Khu bảo vệ sông Cửu Tuyền, trở thành một vườn quốc gia dưới sự quản lý chung. Nơi này được coi là "ngân hàng gene" của nhiều loài động vật quý hiếm đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng tại Trung Quốc.
Tương tự như vậy, Vườn Quốc gia Tam Giang Nguyên trên cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng cũng là một trung tâm quan trọng về đa dạng sinh học, đặc biệt là khi vùng nội địa đang phải đối mặt với những thách thức từ biến đổi khí hậu. Khu vực này là đầu nguồn của ba con sông lớn và quan trọng nhất của Trung Quốc: sông Hoàng Hà, sông Dương Tử, sông Lan Thương (sông Mekong).
Theo Cơ quan Quản lý Lâm nghiệp Quốc gia Trung Quốc, Vườn Quốc gia Tam Giang Nguyên đã thuê 17.200 người chăn nuôi làm nhiệm vụ “quản lý sinh thái” hoặc kiểm lâm tại đây, mỗi người sẽ được đảm bảo thu nhập hàng năm lên tới 20.000 nhân dân tệ (hơn 70 triệu VND).
Hệ thống vườn quốc gia đã tạo ra môi trường sống thích hợp để bảo tồn các loài động vật hoang dã, đồng thời cũng tạo điều kiện để người dân địa phương thuận lợi sinh sống và làm việc. Không dừng lại ở đó, tại những vườn quốc gia lớn, du khách đến đây cũng sẽ có cơ hội tham gia các chương trình du lịch để được tận mắt nhìn thấy các loài động vật hoang dã và thưởng thức khung cảnh thiên nhiên phong phú nơi đây.