Quy định hạn chế được Bộ Phát triển Thành thị - Nông thôn và Nhà ở Trung Quốc công bố vào ngày 26/10. Theo Reuters, nếu không được cấp phép đặc biệt, các thành phố dưới 3 triệu dân sẽ không được xây tòa nhà cao hơn 150 m, cùng với đó, tất cả các thành phố có dân số trên 3 triệu cũng không được xây các tòa nhà hơn 250 m. Đồng thời, quốc gia này sẽ không xây một tòa nhà vượt quá chiều cao 500 m trong bất kỳ trường hợp nào. Theo đó, những ai cấp giấy phép cho các dự án vi phạm quy định mới sẽ phải "chịu trách nhiệm suốt đời".
Thông báo này vừa được đưa ra đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều người sử dụng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng những tòa nhà chọc trời là không cần thiết và chỉ mang tính phô trương.
Bắc Kinh thừa nhận các tòa nhà cao tầng giúp tận dụng tốt hơn nguồn tài nguyên đất đai, tuy nhiên, những năm trở lại đây, các tòa nhà như vậy xuất hiện ngày càng nhiều, gây ra nghi vấn về việc quan chức địa phương đang đua nhau xây dựng tòa nhà chọc trời để tạo hình ảnh, mà không quan tâm tới tính thực tiễn và độ an toàn của công trình.
Đầu năm 2021, một tòa nhà 71 tầng, cao 356 m ở Thâm Quyến đã liên tục rung lắc, gây lo ngại về mức độ an toàn của những công trình tương tự. Qua điều tra cho thấy nguyên nhân là do cây cột cao 50 m trên nóc tòa nhà bị gió thổi. Tòa nhà này mở cửa trở lại hồi tháng 9 sau khi dỡ bỏ chiếc cột trên. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xây dựng các tòa nhà trên 500 m sau sự cố nghiêm trọng này.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng sẽ thanh tra tất cả các tòa nhà cao tầng hiện tại như kiểm tra móng, kết cấu, nguồn cung cấp điện, nước và khí đốt, vật liệu xây dựng, sức chịu động đất, phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, các thành phố cũng cần phải kiểm soát nghiêm ngặt việc xây dựng tòa nhà chọc trời ở những khu vực có sinh thái mỏng manh và hành lang thông gió thành thị.