Khi "cổ đại" gặp "đương đại"
Art D'Egypte là một công ty tư nhân đa ngành của Ai Cập, được thành lập để thúc đẩy nền văn hóa và nghệ thuật Ai Cập. “Forever is Now” (tạm dịch: Mãi mãi là ngay bây giờ) là triển lãm thường niên lần thứ 4 của tổ chức này, được diễn ra ở một nơi vô cùng đặc biệt, đó là khu vực ngay bên cạnh một trong Bảy kỳ quan thế giới cổ đại - Kim tự tháp Giza và vùng cao nguyên xung quanh.
Để thực hiện được dự án này, Art D'Egypte đã phải đối mặt với rất nhiều thử thách, trong đó việc thuyết phục các nhà chức trách Ai Cập là vấn đề vô cùng khó khăn khi họ vẫn luôn coi trọng việc gìn giữ và bảo vệ Kim tự tháp, đồng thời không hề quan tâm đến nghệ thuật đương đại. Nhưng đến cuối cùng, triển lãm vẫn diễn ra thành công với sự bảo trợ của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, Bộ Ngoại giao Ai Cập và UNESCO.
Rất nhiều nghệ sĩ đến từ Ai Cập và nhiều quốc gia trên thế giới đã đến tham gia “Forever Is Now”. Điều khiến cho triển lãm nghệ thuật này thu hút được đông đảo sự quan tâm của mọi người chính là sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật đương đại với di sản cổ đại lâu đời nhất thế giới, cũng là kỳ quan cuối cùng còn sót lại trong Bảy kỳ quan thế giới cổ đại, đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Nadine Abdel Ghaffar, người sáng lập Art D'Égypte, cho biết: “Các Kim tự tháp có một lịch sử lâu đời, vẻ vang và là một công trình kiến trúc phi thường của nhân loại, từ trước tới nay, nơi đây vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Tôi rất vui khi có thể tạo ra một cuộc gặp gỡ khó quên dành cho họ, một cuộc gặp gỡ với sự kết hợp của cả nghệ thuật, lịch sử và di sản văn hóa”.
"Mãi mãi là ngay bây giờ"
Buổi triển lãm này càng thêm hấp dẫn khi có sự xuất hiện của một nghệ sĩ đặc biệt, đó chính là Ai-da - nghệ sĩ robot siêu thực AI đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, cô đã gặp phải một thử thách lớn trong cuộc hành trình từ Anh đến Ai Cập, khi lực lượng an ninh Ai Cập đã giam giữ cô và tác phẩm nghệ thuật của mình tại hải quan trong 10 ngày, do những lo ngại về các vấn đề liên quan đến máy quay trong đôi mắt của cô. Tuy nhiên, cuối cùng Ai-da vẫn có thể tham gia buổi triển lãm vào ngày 21/10 cùng với tác phẩm của mình.
Tác phẩm điêu khắc của Ai-da được lấy cảm hứng từ câu đố nổi tiếng của Nhân sư - con thú đầu người, mình sư tử trong thần thoại Hy Lạp, từng giữ nhiệm vụ gác cửa vào thành phố Thebes. Nó thường đưa ra những câu đố bí hiểm cho những ai muốn vào thành và chỉ cho phép họ vào nếu đưa ra câu trả lời đúng. “Sinh vật nào đi bằng bốn chân vào buổi sáng, hai chân vào buổi trưa và ba chân vào buổi chiều?” - và đáp án chính xác là “con người”. Câu đố này mô tả một vòng đời của của con người từ lúc sinh ra, đến lúc trưởng thành và cho đến khi về già phải chống gậy.
Tác phẩm điêu khắc của Ai-da đề cập đến quan niệm của người Ai Cập cổ đại về thế giới bên kia cùng với nỗi ám ảnh về việc đạt được sự bất tử bằng cách sử dụng công nghệ sinh học trong thế kỷ 21. Nói về tác phẩm này, Aidan Meller - một nhà buôn nghệ thuật người Anh và là người tạo ra Ai-da, cho biết: “Ai-da đã tạo ra một phiên bản khổng lồ của mình với ba chân. Ngày nay, với công nghệ Crispr mới và công nghệ chỉnh sửa gene, việc kéo dài tuổi thọ của con người hoàn toàn có thể xảy ra. Người Ai Cập cổ đại cũng đã làm điều tương tự như việc ướp xác. Trên thực tế, con người vẫn luôn khát vọng được sống mãi mãi”.
Triển lãm sẽ được diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 7/11/2021. Nadine Abdel Ghaffar cho biết triển lãm nghệ thuật ngoài trời ở Ai Cập là một trải nghiệm mới mẻ, bà cũng chia sẻ thêm rằng: "Triển lãm là một thông điệp về hy vọng cho nhân loại, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi nhiều quốc gia phải thực hiện các biện pháp hạn chế trong nước và đóng cửa với bên ngoài".