Ban đầu, tác phẩm "Phong cảnh Phnom Penh" ước tính đạt mức từ 200.000 đến 300.000 euro. Khi phiên đấu giá bắt đầu, giá khởi điểm của tác phẩm là 150.000 euro rồi cứ thế nâng dần đến mức cao nhất là 940.000 euro, cuối cùng bức tranh được bán đấu giá thành công với mức 1,21 triệu euro sau khi tính thêm thuế.
Trước đó, tác phẩm này thuộc bộ sưu tập của gia đình ông Henry Kraemer. Năm 1943, khi đang sống tại Hà Nội, vợ chồng Henry đã mua bức bình phong tám tấm của Lê Quốc Lộc - khi ấy chỉ là một họa sĩ mới ra trường, chưa có tên tuổi và đang gặp khó khăn về kinh tế. Năm 1953, gia đình Henry Kraemer đã mang theo tác phẩm về Pháp sinh sống.
Theo Asium, "Phong cảnh Phnom Penh" mang vẻ đẹp tinh xảo và nhẹ nhàng, trong đó được chia làm ba phối cảnh: nhà sư đang cầu nguyện, một số người đang ban phước lành cho phụ nữ và những người đang dạo chơi. Các loại cây đặc trưng của Phnom Penh như thốt nốt, cọ, dừa, chuối... cũng được xuất hiện trong tác phẩm.
Sự hòa trộn màu vô cũng tinh tế đã làm nổi bật lên hai sắc thái riêng nhưng vẫn hài hòa trong cùng một tổng thể, nếu màu vàng vốn là biểu tượng cho sự tâm linh và niềm hạnh phúc thì màu đỏ lại tượng trưng cho sự sống và điều tốt lành. Không chỉ vậy, việc sử dụng các chất liệu để làm nên tác phẩm sơn mài như gỗ, nhựa cây sơn, vàng lá hay vỏ trứng, cũng mang đến cho người xem cảm giác ấm áp, bình yên.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi đã được nhà đấu giá liên hệ nhờ viết bài giới thiệu về tác phẩm bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Họ cũng cung cấp cho ông những tài liệu liên quan đến xuất xứ của bức bình phong.
Ông Khôi chia sẻ: "Ngoài nét đẹp và sự hùng vĩ của tranh, xuất xứ rõ ràng của tác phẩm cũng là yếu tố quyết định. Đây là tín hiệu vui mừng cho thị trường Mỹ thuật Việt Nam khi có thêm tranh cán mốc triệu đô. Chúng ta không đánh giá nghệ thuật qua vật chất, nhưng cũng không thể chối bỏ điều này".
Ngoài bức tranh "Phong cảnh Phnom Penh", hoạt động sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam tại quốc tế cũng ngày càng có dấu hiệu khởi sắc. Trong khi nhiều sự kiện và hoạt động vẫn đang bị hạn chế do ảnh hưởng của đại dịch thì gần đây, nhiều tác phẩm Việt Nam đã được mang đi bán đấu giá quốc tế với mức giá lên tới hàng chục tỷ đồng.