AI hoàn tất bản giao hưởng dang dở của Beethoven

15/10/2021

Sau gần 2 thế kỷ, "Bản giao hưởng số 10" viết dở của nhà soạn nhạc người Đức Beethoven đã được hoàn thiện với sự giúp đỡ của trí tuệ nhân tạo AI. Bản nhạc được phát hành trên nền tảng Youtube ngày 9/10.

Công trình được một nhóm nhà soạn nhạc, kỹ sư nghiên cứu trong hai năm, giới thiệu tới công chúng ngày 9/10 ở Bonn, Đức - quê hương của Beethoven.

Trên Youtube, đa số khán giả bày tỏ lời khen bản nhạc. Một tài khoản nhận xét: "Những gì tôi đang nghe đúng là âm nhạc của Beethoven", "Tôi thích cách sử dụng đàn organ ở phần liên khúc. Tôi đồng ý với nhiều người rằng Bản giao hưởng số 10 chứa đựng hoài niệm, sự kính trọng Beethoven dành cho Bach và Handel", một người để lại bình luận. Một số người khác khen sản phẩm thú vị nhưng thiếu sự kết nối tinh tế giữa các phần như những tác phẩm của Beethoven.

Trong bài viết trên tờ The Independent ngày 14/10, Giáo sư Ahmed Elgammal của Đại học Rutgers (Mỹ), người khởi xướng dự án, nói rằng ông biết sẽ có người không đồng tình bởi quan niệm nghệ thuật vượt qua các thuật toán. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng trí tuệ nhân tạo là công cụ mở ra cánh cửa để các nghệ sĩ thể hiện bản thân theo cách mới.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Tranh chân dung nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven

Tranh chân dung nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven

Ahmed Elgammal nảy ra ý định viết tiếp "Bản giao hưởng số 10" từ năm 2019. Ông đã liên hệ với Tiến sĩ Matthias Roeder, Giám đốc viện Karajan ở Áo, để trình bày ý tưởng. Ông Roeder tập hợp nhóm nghiên cứu, trong đó có nhà soạn nhạc người Áo Walter Werzowa - người phụ trách lên ý tưởng bố cục cho tác phẩm. Nhà soạn nhạc Mark Gotham làm nhiệm vụ sao chép các bản phác thảo của Beethoven, xử lý toàn bộ tác phẩm của ông để tạo nguồn dữ liệu đầu vào. Dự án cũng có sự tham gia của Robert Levin, một nghệ sĩ dương cầm, từng tham gia hoàn thiện một số bản nhạc của Mozart và Johann Sebastian Bach.

Giáo sư Ahmed Elgammal cho biết công việc gặp nhiều trở ngại do các AI ở thời điểm đó còn đơn giản, chưa thực hiện được nhiều thao tác phức tạp. Họ mất nhiều thời gian "huấn luyện" AI hiểu phong cách sáng tác của nhà soạn nhạc, cách ông phát triển các nốt thành những bản giao hưởng, tứ tấu và sonata sôi động. Chẳng hạn, AI tham khảo cách Beethoven xây dựng "Bản giao hưởng số 5" theo mô típ bốn nốt "ngắn-ngắn-ngắn-dài" lặp lại. Ngoài ra, AI cũng học kết nối, sắp xếp các phần, đồng thời chỉ định các nhạc cụ cho từng khúc khác nhau. Họ từng biểu diễn nhiều buổi thử nghiệm cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu trước khi công bố dự án.

Nhóm nhà soạn nhạc, nghiên cứu

Nhóm nhà soạn nhạc, nghiên cứu

Beethoven qua đời năm 1827, ba năm sau khi hoàn thành "Bản giao hưởng số 9". Ông đã viết phác thảo và một số ý tưởng cho "Bản giao hưởng số 10", nhưng sức khỏe ngày càng suy kiệt. Năm 1998, nhà nghiên cứu âm nhạc Barry Cooper đã nghiên cứu 250 bản phác thảo của Beethoven, từ đó tìm ra phong cách của ông để viết tiếp chương một và chương hai của "Bản giao hưởng số 10". Tuy nhiên, phiên bản này không phổ biến rộng rãi.

Khán giả có thể thưởng thức "Bản giao hưởng số 10" tại đây:

Huyền Châu - Ảnh: Internet - Nguồn: Tổng hợp
RELATED ARTICLES