Thạch Long là một nhà báo trẻ, sinh năm 1983, hiện đang làm việc ở Nhật Bản. Trong hơn ba năm sinh sống tại đất nước mặt trời mọc, thiên nhiên, con người và nếp sống nơi này vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ ảnh ấn tượng của anh.
Với hơn 5.000 lượt theo dõi trên trang cá nhân, các tác phẩm nhiếp ảnh của Thạch Long luôn nhận được nhiều yêu thích từ cộng đồng mạng. Dưới đây là những ghi chép - chia sẻ mới nhất của anh: một người Hà Nội nói về hoàng hôn của Nhật Bản.
Tôi vốn là người hâm mộ của hoàng hôn, từ rất lâu rồi, nhưng không phải là hoàng hôn Hà Nội. Đơn giản vì, hoàng hôn Hà Nội buông xuống đúng vào thời khắc kinh hoàng nhất đối với người dân Thủ đô: giờ cao điểm.
Vậy nên dù hoàng hôn Hà Nội có lộng lẫy đến nhường nào cũng không thể nào xoa dịu nổi cơn giận dữ bị thiên hạ cướp đường, tạt đầu, cài người; không thể xua tan đi sự xấu hổ khi bạn - với một cái bàn phím trong tay - ra sức chỉ trích “xe ô tô xếp thành 5 hàng thì xe máy đi kiểu gì”, và rồi nhận ra bản thân đang xếp ở làn số 4.
Nhưng hoàng hôn Nhật đối với tối lại là thời khắc rất cảm xúc trong ngày. Thật sự cảm xúc.
Thông thường, tôi tan làm trước giờ mặt trời nhuộm vàng vạn vật. Tuy nhiên do làm thông từ sáng qua trưa nên tan làm xong là tôi phải đi ăn gì đó. Ăn xong, xỉa răng, súc miệng bằng cốc latte thần thánh của 7-11 (thứ hiện tại tôi đang nhớ nhất ở Nhật) là vừa đẹp lúc hoàng hôn buông xuống.
Lúc đó việc thì đã xong, bụng đã đỡ đói, nên tâm trạng rất phấn khởi. Trung bình với 10 lần hoàng hôn Nhật thì ba lần tôi mang theo máy ảnh, bảy lần còn lại tôi chỉ đơn giản tìm một chỗ để ngồi ngắm dòng người vội vàng bước qua.
Tôi thấy, người Nhật cười nhiều hơn vào lúc hoàng hôn. Điều này không phải ẩn dụ gì, là do tôi quan sát thực tế như vậy. Sáng đi làm, họ có vẻ vội vã và cáu kỉnh. Tôi từng chứng kiến một người đàn ông mặc vest quát nhân viên 7-11 vào 9h sáng, vì cô này (người Trung Quốc) liên tục lấy nhầm hiệu thuốc lá mà ông kia muốn mua. Chiều về, họ có vẻ thong thả hơn, đi thành từng nhóm nói chuyện rôm rả.
Nói về độ đẹp thì hoàng hôn ở Nhật có vài sự khác biệt so với Việt Nam. Hoàng hôn Nhật thường đỏ rực một vùng, không có mây. Trong khi đó, hoàng hôn Hà Nội thường sẽ vằn vện, lộng lẫy hơn vì từng khối mây che mặt trời. Nhờ thế mà hoàng hôn Hà Nội cũng thường có ray nắng. Tôi từng chụp được một ray hoàng hôn rất to ở Hà Nội. Nhật thì hiếm lắm.
Ở Nhật Bản thường sẽ chỉ có hai trạng thái: có hoàng hôn hoặc không. Trong khi đó, Hà Nội (vẫn theo tôi quan sát) thì có ba trạng thái. Một là trời trong, có hoàng hôn đỏ rực. Hai là trời âm u, không có hoàng hôn. Trạng thái thứ ba là “hoàng hôn thời ô nhiễm” - trời nhiều khói và bụi mịn nhưng vẫn chưa đến ngưỡng âm u, ta vẫn nhìn thấy mặt trời đỏ đỏ, nhưng ánh sáng của nó rất yếu ớt, trong quầng sáng mặt trời tạo ra thì mờ mờ đục đục thứ gì đó.
Nhật Bản ý thức rất rõ nhu cầu ngắm hoàng hôn của người dân nên gần như thành phố nào cũng sẽ có một vài điểm được dân đặt tên là nơi “ngắm hoàng hôn”. Ở Nhật có hẳn bảng xếp hạng các địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất. Còn tại
Ở Hà Nội, ai muốn ngắm hoàng hôn thì cứ đi ngắm theo kinh nghiệm cá nhân, chứ không có một địa điểm chính danh nào. Còn người Nhật lại ý thức rất rõ nhu cầu ngắm hoàng hôn của họ, nên gần như thành phố nào cũng sẽ có một vài điểm được người dân đặt tên là nơi “ngắm hoàng hôn”. Thậm chí, ở đất nước mặt trời mọc còn có bảng xếp hạng những điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất.