Hội An những ngày Dolce far Niente*

03/05/2016

Hạnh phúc của việc không làm gì, Dolce far Niente, đơn thuần chỉ là tận hưởng phút giây của hiện tại. Đến thăm Hội An lần này, tôi quyết định du lịch chậm lại, không lên bất kì kế hoạch nào, đi đâu làm gì thì cứ tùy vào tự nhiên thôi. Dolce far Niente!

Bài và ảnh: Trúc Phan

Dolce far Niente*: (tiếng Ý) Sự ngọt ngào của việc không làm gì cả

Bắt nguồn từ nước Ý, nơi đầu tiên xuất hiện những thành phố sống chậm (slow cities) trên thế giới như Greve, Orvieto, Positano…, phong cách sống chậm dần lan tỏa đến nhịp sống hằng ngày của cư dân các nước khác. Hội An cũng là một thành phố như thế, nơi người ta sẵn sàng gác lại bộn bề, ngả lưng tận hưởng giấc ngủ trưa đôi mươi phút, nơi những lữ khách buông bỏ chiếc balô nặng trịch, thảnh thơi ngồi bên tách café thơm, hưởng thụ những tia nắng ấm của ngày.

    

80 – là con số của những chiếc giếng cổ, báu vật bị lãng quên của Hội An. Nếu để ý, bạn sẽ thấy giếng nào cũng được xây gần hội quán, nhà thờ, đình, miếu… Người Hội An tin rằng, mỗi cái giếng đều có một vị thần bảo hộ, bởi vậy, nước trong các chiếc giếng cổ luôn mát ngọt, trong sạch bất chấp nắng mưa bụi bặm, và đặc biệt là chẳng bao giờ cạn.

Đến Hội An rất nhiều lần, mãi đến lần này tôi mới tình cờ biết đến giếng cổ Bá Lễ nhờ… đi hỏi đường đến hiệu vải. Bác chỉ đường bảo chúng tôi quay lại vào buổi sáng, bởi giờ này hiệu vải đóng cửa rồi, mà sáng đến đây thì “Con nhớ uống nước giếng Bá Lễ lấy may luôn nghen. Đi tầm 8, 9 giờ, lúc này có thể thấy được nhiều người đến gánh nước đem đi bán.”

Bạn đừng hình dung ra cảnh người đến người đi gánh nước tấp nập quanh giếng, hay chiếc giếng đầy hùng vĩ nhé. Giếng Bá Lễ trông đơn giản đến nỗi cô bạn của tôi suýt nữa đi lướt qua luôn. Đứng một hồi loay hoay tìm cách lấy nước thì tôi được một bác gánh nước tặng luôn một gánh. Bác bảo, uống nước giếng ngọt quen rồi, đi chỗ khác uống nước máy, bác chịu không được. Ở Hội An, chỗ nào làm chè ngon, hay bán cao lầu, bánh vạc đúng chất Hội An là đảm bảo chỗ đó dùng nước giếng để nấu ăn. Bạn của tôi tròn mắt khi biết bác bán một thùng nước giếng khoảng 20 lít giá chỉ 5.000 đồng.

Đi xuyên qua mấy cái ngóc ngách nhỏ trong hẻm, bạn sẽ thấy chiếc giếng có hình vuông theo cách thiết kế của người Champa xưa, phủ đầy lớp rêu phong xanh rì cổ kính.

Gần giếng có quán bán thịt xiên nướng, nem nướng giếng Bá Lễ. Đi ăn xiên nướng ở phố cổ, bạn cứ ghé quán Bá Lễ này, bởi quán bán cho ai cũng một giá 7.000 đồng/que xiên thịt chất lượng, chứ không phải dạng thịt vụn đầy mỡ trộn lại như những chỗ khác. Đi ra khúc đầu phố cổ, giá các gánh thịt trên lề đường dành cho du khách là 10.000 đồng/que xiên thịt.

300 (m)– độ dài con đường mang tên người con gái đầu tiên của Việt Nam định cư tại Nhật Bản: Công Nữ Ngọc Hoa. Con đường kéo dài từ kênh Chùa Câu đến ngã ba Hùng Vương – Trần Hưng Đạo. Khi tôi và những người bạn rải bước đến những ngôi nhà cổ ở Hội An, ít ai trong chúng tôi biết mình đang đi trên con đường kể về một giai thoại đẹp.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Đầu thế kỷ 17 ở Nhật Bản có một nhà hàng hải kiệt xuất thuộc dòng dõi samurai, ông Araki Sotaro - người lãnh đạo rất nhiều các thương nhân Nhật Bản đến Đông Nam Á (Việt Nam, Cambodia, Lào…) để mở rộng kinh doanh. Hội An vào thời đó là một trong những hải cảng hùng mạnh nhất Đại Việt, người Nhật thế kỷ này thậm chí từng tin rằng trái tim của châu Á nằm bên dưới đất Hội An. Dễ hiểu tại sao ông Araki Sotaro thường xuyên dừng chân tại đây và sau cùng kết hôn với Công Nữ Ngọc Hoa, công chúa xứ An Nam.

Năm 1620, Công Nữ Ngọc Hoa, còn được người Nhật biết đến dưới tên gọi công chúa Wakaku, theo chồng về Nhật Bản và trở thành một trong những người có công thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản với triều đình nhà Nguyễn, thậm chí ngay cả thời điểm nước Nhật bế quan tỏa cảng. Tới nay tại Nagasaki người Nhật vẫn kỷ niệm ngày bà về định cư qua lễ hội Okunchi hàng năm từ ngày 7 - 9/10. 

Hội An là một phố cổ đẹp đến lạ lùng, không chỉ bởi bờ tường phủ màu phong sương, các ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, mà còn bởi những giai thoại đẹp về tình yêu.

Faifo -  cái tên xưa của Hội An mà đến nay vẫn chưa ai thật sự biết rõ về nguồn gốc, chỉ biết rằng sau này trên bản đồ Đông Dương Cochinchine, người Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều sử dụng Faifo để chỉ Hội An. Năm 1535, nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha - thuyền trưởng Antonio de Faria - lần đầu tiên đến khu vực này để thành lập khu cảng biển. 1595, Hội An chính thức ghi tên trong bản đồ kinh doanh hàng hải nhờ công của chúa Nguyễn Hoàng - người tiên phong trong việc mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía Nam, và xây dựng nền tảng thành lập nên Đàng Trong – nơi trở thành hòn ngọc miền Viễn Đông Cochinchine sau này.

  

Vốn dĩ tôi cũng chẳng biết đến ý nghĩa cái tên Faifo này cho đến khi bắt đầu mỏi chân, muốn tìm nơi nghỉ ngơi, cô bạn bảo hay là vào đại chỗ này. Ngẩng đầu nhìn tên quán, tôi cười: “Ở Hội An nhiều nơi có tên Faifo thế nhỉ!”. Cô bạn địa phương nói ngay: “Thì đây là tên hồi xưa của Hội An mà!” Nếu để ý bạn sẽ thấy ở đây có hiệu vải Faifo, tiệm cơm Faifo, café Faifo,… Cái tên đậm màu thời gian kể lại một Hội An những ngày tấp nập thuyền tàu, thương lái khi xưa.

Đến Hội An thì đừng vội vàng, cứ thong thả ngồi nhấm nháp ly café trên tầng thượng của quán café Faifo. Có lẽ đây là quán café duy nhất trong phố cổ nơi bạn ngắm được toàn cảnh Hội An từ trên tầng thượng. Hội An có rất nhiều quán café dễ thương, có quán yên tĩnh nhẹ nhàng giữa căn gác lửng, có quán bình dị như ngôi nhà nhỏ với cái hiên đầy nắng, cũng có nơi thoáng mát thoải mái trên tầng thượng… Khoan lên mạng tìm kiếm những nơi thú vị để ăn uống ở Hội An, hãy đi và dừng lại một cách tùy hứng, để xem số phận đưa bạn đến đâu. Vì cuộc sống như một hộp chocolate, cứ thử xem viên chocolate của bạn có hương vị gì.

Khoan lên mạng tìm kiếm những nơi thú vị để ăn uống ở Hội An, hãy đi và dừng lại một cách tùy hứng, để xem số phận đưa bạn đến đâu.

Và rồi “Dolce far Niente” – thật sự chẳng cần làm gì cả, chỉ cần nằm trải dài bên bờ biển Cửa Đại, ngửi mùi gió, nghe tiếng sóng và tắm mình trong nắng là đủ để bạn tận hưởng trọn vẹn sự ngọt ngào của Hội An.

Từ trung tâm phố cổ đi xe đạp đến biển Cửa Đại khoảng 30 phút là bạn đã có thể ngắm nhìn khung cảnh ruộng lúa xanh rì, ngôi trường mộc mạc màu xanh biển, và bọn trẻ con í ới gọi nhau lúc tan trường. Nếu có cơ hội, hãy đến đây để tận hưởng khung cảnh thiên nhiên đẹp trong veo vào buổi hoàng hôn ở Cửa Đại - một trong những biển đẹp nhất Châu Á.

Chúng tôi chọn nghỉ chân ở Palm Garden Resort, một trong những nơi có vị thế đẹp, bãi biển vẫn chưa bị lấn nhiều, nơi bạn có thể cầm ổ bánh mì, và ly trà gừng ấm áp ra đón bình minh dưới bóng cây cọ. Nếu thích, bạn có thể chọn cưỡi ngựa đi dọc biển để hít thở không khí của ngày mới. Buổi sáng ở đây rất dễ thấy các tay nài ngựa thân thiện, sẵn lòng giới thiệu “người bạn” bốn chân hiền hòa cho bạn. Tôi thích những buổi trưa, ngồi ăn tô mì Quảng, kho quẹt và món thịt kho trứng “làm nhớ nhà quá chừng”, như lời người bạn đi cùng. Đừng bỏ qua buổi tối đầy giai điệu ở đây, nơi bạn thưởng thức giọng ca nồng ấm của người ca sĩ đến từ Philippines: 

“Hello, it's me

I was wondering if after all these years you'd like to meet…”

(Hello - Adele)
[T
m dch: Xin chào, là tôi đây. Tôi đã t hi lòng, sau bao nhiêu năm tháng y, bn có mun ta li gp nhau…]

--------

Thông tin thêm:

+ Giếng Bá Lễ tọa lạc trên con đường nhỏ Trần Hưng Đạo, gần đường vào phố cổ Hội An

Gần giếng có quán thịt xiên nướng ngay đầu hẻm: Bale Well, 45/51 Trần Hưng Đạo.

+ Café Faifo, 130 Trần Phú, Hội An

+Palm Garden Resort, Lạc Long Quân, Cửa Đại, Hội An.

Web: www.palmgardenresort.com.vn 

RELATED ARTICLES