Thảm họa diệt chủng người Do Thái (Holocaust) đã kết thúc cách đây 77 năm nhưng những mất mát mà nó để lại vẫn chưa khi nào thôi day dứt và ám ảnh người ở lại. Tại Berlin - trung tâm của cơn ác mộng lịch sử năm nào, một khu tưởng niệm đặc biệt mang tên The Memorial to the Murdered Jews of Europe (Holocaust Memorial) đã được xây dựng, thấm đẫm cái nặng nề, tịch mịch của quá khứ đen tối một thế kỉ về trước.
Những phiến đá câm lặng
Trên một diện tích rộng hơn 19.000 m2 giữa trung tâm Thủ đô của Đức, 2.711 phiến đá xám được dựng lên, tạo thành một công trình đặc biệt để tưởng niệm những nạn nhân Do Thái do Đức Quốc xã gây nên 80 năm trước. Được thiết kế bởi kiến trúc sư Peter Eisenman, đây trở thành địa điểm để những người quan tâm đến lịch sử tìm về, chiêm nghiệm những nỗi đau và hậu quả mà tội ác lớn nhất lịch sử loài người để lại.
Có lẽ, với hình dung về một khu tưởng niệm, ai nấy cũng sẽ kì vọng được thấy những hàng dài bia mộ đều tăm tắp, khắc những cái tên, năm sinh, năm mất cùng câu chuyện và vài lời tiếc thương, nhưng đó lại không hẳn là những gì bạn tìm thấy ở Holocaust Memorial.
Đập vào mắt người đến tham quan là hàng nghìn những phiến đá chữ nhật với độ cao khác nhau, uốn lượn như những đợt sóng theo mặt đất nhấp nhô. Hình dáng của chúng - cùng với màu sắc xám lạnh - không thể không gợi đến những chiếc quan tài lạnh lẽo. Chẳng có cái tên nào trên đó, những phiến đá đứng im lìm, vô danh, mặc cho thời gian và vạn vật chảy trôi. Đó là sự câm lặng của hơn 6 triệu người Do Thái đã ngã xuống mà nhiều người còn không rõ tên tuổi. Họ là những cụ già, những đứa trẻ, những chàng trai cô gái với đầy ước mơ, khát vọng chưa kịp thực hiện. Mỗi người đều mang một hình hài khác biệt nhưng chịu chung một số phận là nạn nhân của tội ác diệt chủng.
Giữa các phiến đá ngăn ngắn thẳng hàng là những con đường lát đá chật hẹp. Bước vào đây như thể bước vào một mê cung đầy những mảng màu lạnh ngắt, trong đó, mỗi khối đá đại diện cho một số phận đã từng căng tràn nguồn sống, từng mang những câu chuyện cuộc đời - trước khi bị vùi dập bởi chính sách chủng tộc độc hại.
Kiến trúc sư Eisenman giải thích rằng, bằng việc để những con đường nhỏ này lọt thỏm giữa những phiến đá cao thấp, ông muốn người ta cảm nhận được phần nào sự mất phương hướng, nỗi hoang mang và cảm giác sợ hãi mà những nạn nhân Do Thái phải hứng chịu trong suốt thời kỳ Holocaust. Đó cũng là điểm đặc biệt của khu tưởng niệm này, khi nó cho con người không gian riêng để tự mình chiêm nghiệm và cảm nhận gánh nặng mà lịch sử để lại, thay vì dựa vào sự hướng dẫn của những bảng biển chỉ dẫn.
Lịch sử không thể quên
Thế Chiến II là một trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất của lịch sử loài người, không chỉ bởi nỗi đau từ cuộc chiến giữa các quốc gia mà còn kéo theo cuộc tàn sát chủng tộc hơn 6 triệu người Do Thái. Những khu tưởng niệm như Holocaust Memorial được dựng lên để thế giới mãi ghi nhớ những người vô tội đã ngã xuống, và cũng để lưu lại một bài học đầy máu và nước mắt cho những thế hệ sau này.
Vào những năm 1930, tư tưởng người Đức thượng đẳng lan rộng trong xã hội nước này, đồng nghĩa với việc coi người Do Thái và Gypsy là dân tộc hạ đẳng và cần phải loại trừ khỏi xã hội. Các cuộc đàn áp, bắt bớ và đỉnh điểm là tàn sát hàng loạt người Do Thái một cách dã man được thực hiện công khai: từ xử bắn đến sử dụng chất nổ, đầu độc và cuối cùng là giam trong những phòng hơi ngạt.
Ngay cả khi Holocaust kết thúc và người Do Thái sống sót được giải thoát khỏi những trại tập trung, cuộc sống của họ cũng đã vĩnh viễn thay đổi. Để minh họa rõ hơn cho nỗi kinh hoàng của cuộc diệt chủng và những gì nó để lại, một hầm thông tin rộng 800 m2 được đặt ngay dưới khu tưởng niệm tại Berlin.
Thoát ra khỏi sự vô danh, ở đây, những số phận, những câu chuyện được bước ra từ lá thư, tấm ảnh, hồi kí và tiểu sử của hàng triệu nạn nhân Do Thái. Tất cả được trưng bày trong bốn căn phòng chủ đề: Room of Dimensions, Room of Families, Room of Names và Room of Sites.
Tại Room of Families, du khách được chứng kiến số phận của 15 gia đình Do Thái với mối gắn kết khăng khít và truyền thống tôn giáo được vun đắp qua nhiều thế hệ. Sự đàn áp khủng khiếp đã xé tan cả gia đình, xóa sổ gần như hoàn toàn những mối liên hệ, để rồi những người sống sót bước ra khỏi cơn ác mộng mà chẳng bao giờ gặp lại người thân.
Room of Names lại là nơi liên tục tổng hợp hàng triệu những cái tên và tiểu sử ngắn về những thế hệ đã hy sinh trong giai đoạn tàn khốc này. Đa số trường hợp, hài cốt của họ chẳng bao giờ được tìm thấy, thông tin phải được xác định qua lời kể của những nhân chứng ít ỏi còn sống sau cuộc đại diệt chủng. 6 năm, 7 tháng và 27 ngày là thời gian ước tính để người ta có thể đọc hết những câu chuyện được kể lại tại đây. Cùng với đó, tội ác của Phát xít Đức được tái hiện lại trong các phim tài liệu ngắn và tư liệu ảnh, chiếu lặp đi lặp lại trên một màn hình lớn trong phòng Room of Sites. Chúng bao gồm những vụ xả súng hàng loạt, hoạt động đàn áp, bạo lực và tàn sát trong các trại tập trung…
Quá khứ đã lùi dần về phía xa, những thế hệ người Do Thái đã dần ổn định với cuộc sống mới, tại những vùng đất mới. Tuy nhiên, đó không phải lý do nhân loại cho phép mình được lãng quên nỗi đau lớn trong lịch sử. Những câu chuyện sẽ vẫn còn được kể, hàng triệu người vẫn đến thăm những ngôi mộ không tên, và hy vọng rằng, bài học từ thảm họa diệt chủng sẽ còn mãi giá trị đến sau này.
- Địa chỉ: Cora-Berliner-Straße 1, Berlin, Đức
- Giờ mở cửa: 10h - 18h các ngày trong tuần (trừ thứ 2 hàng tuần)