Khách sạn và resort tại Việt Nam - Xu hướng theo các thương hiệu quốc tế

30/10/2012

Trong ba năm vừa qua, hiện trạng ngành khách sạn của Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng khi có thêm nhiều khách sạn mang thương hiệu toàn cầu mở cửa đón du khách trong nước và quốc tế. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới. Dự tính đến cuối năm 2012, các khách sạn quốc tế lớn ở các phân đoạn thị trường hạng sang, cao cấp và trung bình sẽ đạt được con số đáng kinh ngạc với 8017 phòng, tăng gần 48% chỉ tính riêng trong 18 tháng tới.

Bài: Reno Mueller

Mức phát triển theo dự tính như trên là tin vui với các du khách trong nước và quốc tế, bởi vì họ sẽ có nhiều sự lựa chọn tốt hơn về chỗ ở chất lượng cao, dịch vụ nổi bật và khoản tiền bỏ ra cũng có giá trị hơn.

Những ưu thế vượt trội

Reno Mueller là giám đốc điều hành của công ty TNHH Pacific Land Services và là chuyên gia trong lĩnh vực và nghỉ dưỡng với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành. Reno học chuyên ngành quản lý khách sạn ở IHCR (CH) và lấy bằng MBA trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế tại đại học Birmingham (Anh). Ông cũng thường xuyên viết các bài báo về Du lịch và dịch vụ khách sạn. (Mobile +84 949 228 511)


Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Một khách sạn mang tầm vóc và được quản lý bởi các công ty quốc tế chuyên nghiệp có những ưu thế gì hơn các khách sạn hoạt động độc lập? Trước hết, khi các vị khách thường bị quá tải về thông tin thì các thương hiệu lớn đóng vai trò giữ điểm số về chất lượng, giúp khách dễ dàng đưa ra quyết định, đặc biệt là khi đặt phòng từ xa. Hơn nữa, các khách sạn danh tiếng đều được quản lý dựa trên những tiêu chí cao. Mỗi một khách sạn là đại diện cho toàn bộ chuỗi, vì vậy các nhà điều hành quốc tế luôn chú trọng đến chất lượng chuẩn mực cho cơ sở vật chất như phòng ngủ, nhà hàng, phương tiện giải trí… Mục đích cao nhất của quá trình điều hành theo tiêu chuẩn đó là nhằm đạt được sự đồng bộ, giúp các vị khách trở nên quen thuộc với môi trường và dịch vụ, dần dần họ sẽ có cảm giác tới một nơi có uy tín và không gặp bất cứ sự cố ngoài ý muốn. Điều này đặc biệt quan trọng để được giới doanh nhân đánh giá cao.

Nhưng sự tín nhiệm của khách hàng không thể đạt được chỉ bằng cách cung cấp các cơ sở vật chất nổi bật, mà còn đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao. Đặc biệt đối với cấp độ 4 và 5 sao, chúng ta không chỉ nhìn vào các dịch vụ cơ bản gắn liền với phòng nghỉ, mà còn mở rộng định nghĩa về dịch vụ, nhằm kết hợp mọi tiện nghi khác nhau để giữ chân khách. Các khách sạn tiếng tăm cũng tạo ra những phong cách sống nhất định, khiến các vị khách cảm thấy thuộc về nơi đó và luôn tận hưởng. Ở một khách sạn sang trọng, các vị khách có thể tin tưởng vào bất cứ dịch vụ nào khiến cho kì nghỉ trở nên đặc biệt và độc đáo, làm cho khách chìm đắm vào những trải nghiệm tuyệt vời vượt qua cả sự trông đợi, biến họ thành những khách hàng trung thành. Điều đó giúp hình thành hình ảnh một thương hiệu tốt trên thị trường và xây dựng thiện chí trong giới khách sạn, tạo nên lợi thế vượt trội so với loại hình kinh doanh khách sạn đơn lẻ.

Còn một điểm nhấn quan trọng nữa, đó là mỗi chuỗi khách sạn toàn cầu sẽ có hàng loạt các khách sạn chi nhánh. Đây là chiến lược quan trọng nhằm phát triển theo nhiều phân đoạn thị trường trong tương lai. Đối với các vị khách, điều này có nghĩa là họ có thể tận hưởng những quyền lợi của một thương hiệu lớn hơn thông qua rất nhiều khách sạn chi nhánh ở nhiều nơi khác nhau, chẳng hạn với tư cách hội viên trong một chương trình cho khách lâu năm.

Bức tranh hiện tại

Các thương hiệu quốc tế nổi bật dẫn đầu trong ngành du lịch hiện nay ở Việt Nam này là Accor, Hyatt, Intercontinental, Marriott và Starwood.

Accor Hotels & Resorts là một trong những chuỗi khách sạn quốc tế lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam, bao gồm 2083 phòng thuộc tổng số 11 khách sạn và 8 resort ở 8 nơi khác nhau. Các thương hiệu hàng đầu của Accord là Sofitel, Novotel, M-Gallery và Mercure. Thêm vào đó, có 2 khách sạn nằm dưới sự quản lý của Accord là La Residence Hue (122 phòng) and Hanoi Horison Hotel (247 phòng). IHG là chuỗi danh tiếng thứ hai, với tổng số 1024 phòng thuộc ba khách sạn hiện nay ở Việt Nam, đó là Intercontinental Hanoi Westlake, Intercontinental Asiana Saigon và Crowne Plaza West Hanoi. Tương tự như vậy, tập đoàn Starwood Hotel cũng có khoảng 1000 phòng với ba khách sạn là Sheraton Hanoi, Sheraton Saigon và Sheraton Nha Trang. Các thương hiệu nổi tiếng khác là Hyatt với khách sạn sang trọng Park Hyatt Saigon (252 phòng), Marriott International với Renaissance Riverside Hotel Saigon (336 phòng), Hilton International với Hilton Hanoi Opera (269 phòng), Movenpick Hotels với một khách sạn ở Hanoi (154 phòng) và một ở Sài Gòn (251 phòng).

Tính gộp lại, các tập đoàn này hoạt đông tại Việt Nam với 5417 phòng khách sạn hạng sang, trong đó chuỗi Accord chiếm khoảng 38%.

Triển vọng trong 24 tháng tới

Xét về vấn đề ngân sách, một lần nữa, Accord lại dẫn đầu với dự tính đầu tư vào 8 khách sạn Ibis dải khắp những điểm đến chính của Việt Nam trong vòng 3 năm tới.

Đối với các dự án vẫn đang trong quá trình triển khai ở phân đoạn thị trường hạng sang, có hai khách sạn đáng chú ý sẽ mở cửa trong vòng bốn tháng tới. Đó là Intercontinental Resort trên bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng, với 188 phòng và suite, 5 biệt thự riêng biệt bên bờ biển. Còn Intercontinental West Hanoi có 383 phòng, nằm trên tầng 60 tới tầng 70 tại tòa nhà chọc trời Keangnam Landmark Tower lớn nhất Việt Nam. Thêm vào đó, có 5 khách sạn hạng sang dự tính là sẽ mở cửa trong 9 đến 18 tháng tới với 1493 phòng. Đó là Le Meridien ở Sài Gòn (350 phòng), Westin Resort Cam Ranh Bay (250 phòng và 80 biệt thự), Pullman Olalani Danang (285 phòng và chung cư cao cấp, 3 biệt thự), JW Marriott tại Hà Nội (450 phòng), và Four Season trên Cù Lao Chàm Đà Nẵng, một khu nghỉ dưỡng sang trọng với 75 biệt thự có bể bơi.

Tại phân đoạn thị trường cao cấp và trung cấp trở lên, theo kế hoạch có ba khách sạn sẽ mở cửa trong 3 đến 9 tháng tới, với 1091 phòng. Đó là Hyatt Regency Đà Nẵng (374 phòng khách và chung cư, 27 biệt thư riêng biệt), Mercure Đà Nẵng (272 phòng) và Crowne Plaza Nha Trang (418 phòng).

Do tình hình kinh tế, chúng ta không thể chắc chắn rằng tất cả các khách sạn hiện nay đang trong quá trình xây dựng có thể hoàn thành đúng tiến độ, nhưng sớm hay muộn gì thì cũng sẽ khai trương. Lúc đó thị trường khách sạn của Việt Nam sẽ trở nên chuyên nghiệp và khởi sắc hơn nhiều, đồng thời cũng mang tính cạnh tranh cao hơn. Ngoài ra, chúng ta sẽ còn phải kể đến các nhà kinh doanh khách sạn lớn trên thế giới hiện chưa xuất hiện ở Việt Nam.

RELATED ARTICLES