Cẩn trọng với “bẫy” đặt phòng của các page homestay, khách sạn giả mạo

02/07/2025

Lợi dụng cơn sốt du lịch và tâm lý chuộng trải nghiệm giá rẻ, nhiều fanpage mạo danh homestay, khách sạn đã giăng bẫy tinh vi bằng hình ảnh đẹp, giá rẻ giật mình và lượng tương tác dày đặc khiến không ít du khách nhẹ dạ sập bẫy.

Nở rộ chiêu trò tinh vi trên mạng xã hội

Gõ cụm từ “homestay Đà Lạt đẹp giá rẻ” hay “khách sạn Mộc Châu view đồi chè”, người dùng dễ dàng thấy hàng chục trang fanpage với hình ảnh bắt mắt, nội dung chỉn chu và cam kết dịch vụ hấp dẫn. Tuy nhiên, không ít trong số đó là những cái “bẫy” được dựng lên với mục đích lừa đảo.

Trên nhiều hội nhóm Facebook về du lịch liên tiếp xuất hiện bài viết cảnh báo về việc bị lừa tiền đặt cọc, chuyển khoản giữ phòng nhưng sau đó không thể liên lạc được với fanpage hoặc đến nơi mới phát hiện không hề tồn tại homestay nào như quảng cáo.

Bài viết chia sẻ trải nghiệm bị lừa đặt phòng của du khách liên tục xuất hiện trong các hội, nhóm trên mạng xã hội

Bài viết chia sẻ trải nghiệm bị lừa đặt phòng của du khách liên tục xuất hiện trong các hội, nhóm trên mạng xã hội

Bài liên quan

Trên website của công an các tỉnh, thành cũng đã lên bài cảnh báo tình trạng nhiều nạn nhân mất tiền đặt cọc khi đặt phòng tại các resort, khách sạn, homestay qua fanpage hoặc website không rõ nguồn gốc.

Thủ đoạn của đối tượng như sau: tạo fanpage có tên, hình ảnh và nội dung giống với các cơ sở lưu trú uy tín. Đăng tải hình ảnh hấp dẫn, đưa ra mức giá thấp hơn thị trường để thu hút. Một số còn sử dụng chatbot trả lời tự động, booking giả mạo có logo thương hiệu tạo cảm giác chuyên nghiệp khiến nhiều người chủ quan không xác minh kỹ. Yêu cầu khách hàng chuyển tiền đặt cọc trước, sau đó không thể liên hệ được hoặc chặn liên lạc.

"Page giả còn nhiều tương tác hơn page thật" - Nỗi khổ của người làm thật

Nguyễn Ngọc Ánh, quản lý khách sạn Kumo Chan tại Mộc Châu cho biết khách sạn cũng đã phát hiện có page giả mạo khoảng 6 tháng trước. Điều đáng nói là fanpage mạo danh này có lượt thích và tương tác thậm chí còn cao hơn page chính thức, nhờ đầu tư chạy quảng cáo mạnh với những nội dung khuyến mãi hấp dẫn, giá rẻ đến mức phi lý.

Lượt like của page giả mạo nhiều hơn page thật khiến nhiều người nhầm lẫn

Lượt like của page giả mạo nhiều hơn page thật khiến nhiều người nhầm lẫn

“Khách bị lừa thường là những người ít đi du lịch, chưa có nhiều kinh nghiệm và không tìm hiểu kỹ. Các page giả mạo tư vấn nhiệt tình, giá ưu đãi. Khách chuyển khoản giữ phòng qua tài khoản cá nhân như hướng dẫn, đến nơi mới biết bị lừa. Có người mất vài trăm nghìn, nhưng cũng có trường hợp thiệt hại hơn chục triệu đồng”, Ánh chia sẻ.

Anh Phan Thanh Tùng, Giám đốc kinh doanh của voco Quảng Bình Resort cho biết tính đến nay, resort đã tiếp nhận và hỗ trợ cho khoảng 7 trường hợp khách bị lừa qua các page giả mạo. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại thị trấn Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Dương Kim Quý, nhân viên lễ tân tại 90s Homestay cho biết homestay đã phát hiện một số page giả mạo từ năm ngoái và đăng bài cảnh báo kèm hình ảnh đối chiếu nhưng vẫn có nhiều khách bị lừa, đặc biệt trong dịp lễ 30/4 vừa qua. Nhiều người đến nơi mới phát hiện mình đặt nhầm trang, hoặc đã chuyển khoản vào tài khoản cá nhân và sau đó bị chặn liên lạc. "Có người mất đến vài chục triệu đồng khi sập bẫy chuyển khoản lỗi, sau đó tiếp tục chuyển tiền lần 2, lần 3 cho page giả mạo khi được bên đó hứa sẽ chuyển trả lại số tiền bị lỗi trước đó”, Quý chia sẻ.

Các điểm nóng du lịch dày đặc "bẫy"

Tình trạng fanpage giả mạo được cho rằng xuất hiện từ khoảng 1-2 năm gần đây, nhưng đặc biệt bùng phát mạnh trong vòng một năm trở lại đây, trùng thời điểm nhu cầu du lịch nội địa tăng nhanh. Những điểm đến nổi tiếng như Sapa, Tà Xùa, Đà Lạt, Tam Đảo, Mộc Châu, Ninh Bình, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hoà, Vũng Tàu… trở thành "đích ngắm" thường xuyên của các đối tượng lừa đảo.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Các khách sạn ở các địa điểm du lịch hot trở thành mục tiêu cho các page giả mạo nhắm tới

Các khách sạn ở các địa điểm du lịch hot trở thành mục tiêu cho các page giả mạo nhắm tới

Không chỉ riêng Kumo Chan hay 90s Homestay, các khách sạn như EDEN HUE, Đom Đóm House Đà Lạt, Mountain Lodge Hotel Măng Đen, AN Retreats Ninh Bình… cũng đã lên tiếng cảnh báo trên mạng xã hội với hình ảnh đối chiếu giữa page thật và page giả. Đáng nói, trong nhiều trường hợp, page giả có lượt tương tác, bình luận và lượng like cao hơn nhờ chạy quảng cáo mạnh, nội dung bắt mắt và trò chuyện chuyên nghiệp. Ngay cả khi bị các cơ sở phát hiện và báo cáo, đánh giá, các page này thậm chí sử dụng nhiều tài khoản ảo để xoá hoặc đè lên những đánh giá tiêu cực khiến khách hàng không để ý.

Huỳnh Minh Trọng, hướng dẫn viên du lịch trên đảo Phú Quý cho biết anh cũng gặp nhiều tình trạng khách của mình bị lừa khi du lịch tại đây vào mùa cao điểm hiện tại. Các nạn nhân chia sẻ rằng họ vô tình tiếp cận các page này qua bài chạy quảng cáo hoặc khi tìm kiếm cơ sở lưu trú cho chuyến đi. Với mức giá rẻ bất thường và quy trình đặt phòng nhanh gọn, họ đã chuyển tiền mà không nghĩ đến nguy cơ bị lừa.

Thông tin booking page giả mạo gửi cho khách hàng chuyên nghiệp không thua kém page thật

Thông tin booking page giả mạo gửi cho khách hàng chuyên nghiệp không thua kém page thật

Người dùng mất tiền, cơ sở kinh doanh mất uy tín

Theo đại diện Công ty du lịch Top Ten Travel Nguyễn Cảnh Linh, thiệt hại mà các page giả mạo gây ra không dừng lại ở tài chính. Với nhiều khách du lịch, mất tiền cọc đồng nghĩa với việc mất cả chuyến đi, phải loay hoay tìm chỗ ở mới hoặc thậm chí hủy lịch trình. Nghiêm trọng hơn, các cơ sở kinh doanh thật cũng bị ảnh hưởng danh tiếng.

Giám đốc kinh doanh của voco Quảng Bình Resort, Phan Thanh Tùng cho hay tình trạng page giả mạo tràn lan làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, khiến các khách hàng bị mất niềm tin, bị hiểu nhầm là thiếu minh bạch hoặc chất lượng phục vụ kém.

Các homestay, khách sạn buộc phải dành thêm thời gian giải thích với khách, đăng bài cảnh báo thường xuyên, thậm chí báo cáo facebook nhiều lần mà vẫn không thể xử lý triệt để các page giả.

voco Quảng Bình Resort thuộc tập đoàn IHG cũng lên tiếng cảnh báo cho du khách khi giao dịch chuyển khoản

voco Quảng Bình Resort thuộc tập đoàn IHG cũng lên tiếng cảnh báo cho du khách khi giao dịch chuyển khoản

“Đáng buồn là một số khách bị lừa lại quay sang đánh giá 1 sao cho fanpage thật, khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc khẳng định uy tín”, Ngọc Ánh, quản lý khách sạn Kumo Chan nói thêm.

Đại diện các công ty, doanh nghiệp nhận định tình trạng này kéo dài sẽ ngày càng làm xấu đi hình ảnh ngành du lịch Việt Nam trong mắt du khách nội địa và bạn bè quốc tế.

Kẽ hở pháp lý và trách nhiệm từ nền tảng mạng xã hội

Mặc dù hành vi lừa đảo qua mạng là vi phạm pháp luật nhưng việc xử lý hiện nay vẫn chưa theo kịp diễn biến của loại hình lừa đảo mới này. Các đối tượng thường dùng thông tin ảo, tài khoản giả, khiến việc điều tra trở nên khó khăn.

Là người có kinh nghiệm làm truyền thông, anh Linh cho rằng các nền tảng như Facebook, TikTok, Instagram... cần tăng cường các tiêu chí xác minh fanpage kinh doanh dịch vụ, đồng thời tạo cơ chế tiếp nhận và xử lý nhanh hơn các báo cáo về giả mạo. Nhiều page giả vẫn tồn tại dù đã bị báo cáo, khiến người tiêu dùng tiếp tục rơi vào bẫy.

Page giả mạo thậm chí còn có tick xanh của facebook

Page giả mạo thậm chí còn có tick xanh của facebook

Trong thời đại du lịch số, mỗi cú click đặt phòng đều cần sự tỉnh táo. Dù thị trường du lịch đang phục hồi tích cực, tình trạng giả mạo và lừa đảo nếu không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng và hình ảnh ngành du lịch nói chung.

Trên góc độ của doanh nghiệp, anh Phan Thanh Tùng khuyến cáo khách hàng nên xác thực độ tin cậy của các khách sạn, homestay dựa trên đuôi email của cơ sở lưu trú thường là đuôi email riêng của doanh nghiệp (đối với voco Quảng Bình Resort sử dụng đuôi igh.com). Các resort lớn thường không nhận chuyển khoản và đặt phòng qua facebook mà thực hiện qua website chính thức của cơ sở. Trên góc độ cá nhân, Nguyễn Ngọc Ánh cho rằng: “Khi đặt phòng, đừng chỉ nhìn vào lượt like hay hình ảnh trên fanpage. Điều cần cảnh giác là những ưu đãi giá không tưởng gài trong các bài quảng cáo. Đó thường là dấu hiệu bất thường”.

Trên website, cơ quan công an khuyến nghị khách hàng tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc nếu chưa xác minh được thông tin. Luôn kiểm tra tính xác thực của fanpage qua các mục “Tính minh bạch của Trang” trong phần giới thiệu; Xem lịch sử đổi tên fanpage (nhiều lần đổi tên là dấu hiệu đáng ngờ); Kiểm tra vị trí quản trị viên (page giả mạo đa số do đối tượng tại Campuchia hoặc nước ngoài điều hành).

Các khách sạn đăng bài cảnh báo, hướng dẫn du khách xác minh uy tín qua thông tin trên page

Các khách sạn đăng bài cảnh báo, hướng dẫn du khách xác minh uy tín qua thông tin trên page

Đại diện các khách sạn, công ty du lịch và hướng dẫn viên khuyên du khách: Hãy so sánh thông tin khách sạn, homestay trên các nền tảng khác như Instagram, TikTok, đặc biệt là Google Maps - nơi hầu hết số điện thoại đã được xác thực chính chủ và các đánh giá đều là thật. Trước khi chuyển khoản, khách hàng có thể đăng bài hỏi uy tín trong các group hoặc liên hệ với những tour guide bản địa để xác minh thêm. Du khách cũng có thể đặt phòng qua các app booking, nơi mà các khách sạn, homestay đều đã được bên đó đến kiểm chứng trực tiếp.

Bên cạnh việc chờ hành lang pháp lý rõ ràng và hệ thống bảo vệ hiệu quả từ nền tảng mạng xã hội, du khách nên tự trang bị cho mình kỹ năng kiểm tra thông tin, tỉnh táo trước những ưu đãi “khó tin” và luôn xác minh nguồn gốc fanpage trước khi đặt niềm tin.

Quỳnh Mai
RELATED ARTICLES