Thăng trầm một cố đô
Nếu ai đó hỏi tôi thích nơi nào nhất ở Maroc, tôi sẽ chọn Fez mà không cần do dự. Trước nay, tôi luôn dành nhiều tình cảm hơn cho những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cho núi cao, biển rộng, sông dài, hiếm khi ưu ái các thành phố lớn. Nhưng tôi không thể không bén duyên với Fez. Thành phố này quá đặc biệt, vừa mang vẻ truyền thống, nghiêm nghị của một cố đô, vừa rộn ràng, vồn vã đặc trưng của các souk (chợ), vừa thanh bình, ấm cúng của các khu dinh thự kiểu Pháp.
Nếu Marrakesh tấp nập và náo nhiệt, cuốn hút như một chàng trai trẻ đầy nhựa sống thì Fez in giấu thời gian, quyến rũ, bí ẩn như một người đàn ông trầm lặng. Từng là kinh đô cổ nhất và cũng có thời gian dài nhất làm thủ đô của Maroc qua các triều đại, Fez đã chứng kiến lịch sử thăng trầm của đất nước qua hàng nghìn năm. Cho đến tận năm 1912, hiệp ước Pháp – Maroc ký tại Fez đã đưa Maroc vào danh sách các nước thuộc địa và thủ đô mới chuyển hẳn về Rabat. Tuy vậy, đến nay, Fez vẫn là trung tâm nghệ thuật, văn hóa và tinh thần của cả vương quốc.
Sau bốn ngày rung lắc trên ôtô, vật vã trên lưng lạc đà ngoài sa mạc Sahara, tôi được trở lại với ánh sáng văn minh. Qua cửa kính xe, tôi ngỡ mình đang đi ngược dòng thời gian qua ba thời đại hoàn toàn khác nhau của thành phố. Đầu tiên là khu phố mới Dar Dbibegh, được xây bởi người Pháp trong thời thuộc địa, kết hợp hài hòa giữa phong cách Maroc truyền thống và châu Âu hiện đại. Rồi đến Fès el-Jedid, trung tâm hành chính “mới”, khởi công vào thế kỉ thứ 13 dưới triều đại Marinid. Cuối cùng, tôi xuống đi bộ vào một thế giới khác hẳn: Fès el-Bali, bao trọn khu medina (phố trong thành), là khu phố cổ nhất, hình thành dưới triều đại Idrissid từ thế kỉ thứ 8.
Ngày mới bắt đầu trên tháp cao
Một ngày của tôi ở Fez thường bắt đầu trước bình minh khi bị đánh thức bởi tiếng adhan - tiếng gọi cầu kinh râm ran. Từ tòa tháp cao nhất, tiếng adhan mạch lạc, lên bổng xuống trầm, lan tỏa xuống từng ngõ ngách trong thành phố.
Mỗi ngày, người theo đạo Hồi cầu nguyện năm lần: Bình minh, giữa trưa, giữa chiều, hoàng hôn và một giờ sau hoàng hôn. Họ có thể tập trung tại thánh đường, trường học Hồi giáo và lăng mộ, hoặc cầu nguyện ở chốn riêng tư, miễn là phải quay mặt về hướng thánh địa Mecca.
Sáng sớm, tôi đi bộ ra Bab Boujloud, cổng thành đặc biệt nhất của Fez, nối Fès el-Jedid với khu phố cổ Fès el-Bali. Nơi đây được gọi là “Cổng xanh” do màu những viên gạch trang trí vẽ hoa văn cầu kì ốp kín hai mặt tường : Một mặt màu xanh cobalt – màu của Fez, mặt kia màu xanh lá cây – màu của Hồi giáo.
Người ta hay nhắc đến medina của Fez như một mê cung bí ẩn. Đây là khu phố đi bộ lớn nhất thế giới với dân số gấp ba lần hòn đảo chính Venice của nước Ý. Trong medina, xe cơ giới bị cấm hoàn toàn do nhiều cầu thang lên xuống và đường phố chật hẹp, chỉ từ vài chục cm đến một vài mét. Những bức tường thành của Fez bao bọc một kho báu văn hóa và kiến trúc vô giá. Chỉ trên diện tích vài km vuông, có vô số cổng thành, cung điện, thánh đường, trường học Hồi giáo, lăng mộ, thư viện, đài phun nước được bảo tồn tốt nhất thế giới Ả Rập mê hoặc hoàn toàn những người thích lang thang khám phá như tôi.
Rời Bab Boujloud, hai phố chính dẫn tôi vào sâu trong medina nơi tập trung các công trình kiến trúc Hồi giáo Tây Ban Nha (hispano-moresque) tuyệt mĩ. Có lẽ không ở một nơi nào khác ta có thể vào tham quan nhiều madrasa (trường học Hồi giáo) đẹp như ở Fez. Mỗi madrasa lại là một quần thể phòng cầu nguyện, kí túc xá, bao kín lấy bốn phía một khoảng sân rộng và yên tĩnh. Các bức tường đều được trang trí bằng họa tiết mosaic hoặc những dòng thư pháp cầu kì và tinh tế. Đứng giữa khoảng không gian vắng lặng ấy, tôi có thể quên hết những âm thanh ồn ào và huyên náo của những khu chợ ngay bên phía bên kia cánh cổng trường.
Trái tim của Fez nằm chính giữa khu medina, nơi đặt lăng mộ Moulay Idriss II – vị vua thứ hai của triều đại Idrissid và cũng là người sáng lập thành phố. Kế đó là thánh đường kiêm trường đại học Hồi giáo cổ nhất thế giới El Quaraouiyine, thành lập năm 859. Tuy nhiên, như tất cả các lăng mộ, thánh đường Hồi giáo khác của Maroc (trừ nhà thờ Hassan II ở Casablanca), trái tim của Fez đóng cửa với người ngoại đạo. Ta chỉ có thể đứng bên ngoài, ngắm những nét trạm khắc tinh xảo trên các cánh cổng khổng lồ và lối vào được trang trí đẹp mắt.
Lạc lối trong những con hẻm nhỏ
Tôi rời các điểm tham quan lớn để lang thang giữa những con hẻm lắt léo và những quảng trường nhỏ bé, vang đâu đây là âm thanh tiếng khung cửi, tiếng khắc chạm gỗ quanh quảng trường Nejjarine, tiếng búa thợ rèn của quảng trường Seffarine.
Fez nổi tiếng với các đặc sản địa phương và sản phẩm thủ công tinh tế. Khăn của Fez được dệt vào nhiều loại sợi khác nhau, từ len lông cừu nhuộm màu rực rỡ, đến lụa và sợi tơ xương rồng mát lạnh. Khắp thành phố, ta không khỏi bị thu hút bởi các cửa hàng bán đồ gốm vẽ hoa văn xanh cobalt truyền thống. Đồ gốm xanh là biểu tượng của Fez. Những chiếc đĩa, âu to, bình hoa, được vẽ hoa văn đặc trưng, bày trên kệ hay treo ngay trên tường, mời gọi một bàn tay nâng niu rước về.
Tôi tiếp tục để bước chân lạc lối giữa những khu chợ nhiều hương sắc. Souk (chợ) Attarine bán henna và gia vị, souk Tillis bán thảm, quảng trường Chemaïne bán chà là và các loại hạt, souk Chrabliyines bán babouche – loại giày truyền thống Maroc. Tôi có thể dạo quanh khu phố cổ cả buổi, chỉ để ngắm nhìn những chiếc đèn Ả Rập lung linh, mân mê những chiếc túi da thuộc điệu đà, cắt và khâu đều bằng tay, hay hít hà mùi gia vị mới xay lan toả trong những hẻm nhỏ. Gia vị là phần không thể thiếu trong ẩm thực Maroc. Hoa hồi, quế, ớt bột, hạt rau mùi, ras-el-hanoui... cay nồng sống mũi.
Fez có nhiều xưởng thuộc da lâu đời, nhưng lớn nhất là xưởng Chouwara, ở không xa quảng trường Seffarine. Du khách có thể leo lên ban công các cửa hàng trong các ngôi nhà bao quanh khu xưởng, xem người ta xử lý da theo phương thức lưu truyền từ thời Trung Cổ. Mỗi người sẽ được chủ nhà phát cho một cành bạc hà để át mùi hôi nồng nặc bốc lên từ các bể chứa nhiều màu sắc.
Buổi chiều tà là lúc tôi thấy thích hợp nhất để rời xa khu medina đông đúc, đi ngắm Fez từ trên cao. Fez nằm trên cao nguyên Saïss, kẹp giữa vùng núi Rif và dải Atlas, xung quanh không thiếu những quả đồi có tầm nhìn tuyệt đẹp. Chiều xuống, người ta bắt đầu gom những miếng da đã được phơi khô cong trên những sườn đồi đầy nắng và gió, chất chúng lên lưng lừa để chở về xưởng. Từ trên cao, những nhộn nhạo, xô bồ trong khu thành cổ đều tan biến. Ánh nắng vàng cam êm đềm phủ tràn xuống các minaret (tòa tháp).
THÔNG TIN THÊM
+ Hành trình: Từ Việt Nam đi Maroc chưa có bay thẳng, cần quá cảnh qua một nước thứ ba, ví dụ như Pháp, Qatar, đến thành phố Casablanca của Maroc. Từ Casablanca, bắt đầu hành trình trên đất nước Maroc đến Fez bằng tàu hỏa hay xe bus. Maroc có hệ thống giao thông công cộng rất tốt. Du khách có thể dễ dàng mua vé online hoặc mua thẳng ở ga, bến xe mà không gặp bất kì trở ngại gì.
+ Visa: Du khách Việt Nam xin visa tại Đại sứ quán Maroc tại Hà Nội, chi phí khoảng 30 USD.
+ Thời điểm: Từ tháng 10 đến tháng 5 là thời gian lý tưởng nhất để đến Maroc. Đêm sa mạc lạnh nên nếu có ý định đi tour ra sa mạc, bạn nên mang thêm quần áo ấm.
+ Ẩm thực:
- Đồ ăn Maroc ngon và đa dạng. Các nhà hàng truyền thống thường có tajin, couscous, pastilla hoặc các món thịt cừu, thịt bò hầm. Trong các souk có bán nhiều loại thịt xiên nướng rất ngon. Maroc là đất nước Hồi giáo nên mọi người không ăn thịt lợn.
- Bữa sáng trong các nhà trọ có nhiều loại bánh mì, bánh pancake bột ngô, kèm các loại mứt, mật ong, bơ, trà bạc hà, nước cam tươi vắt ngon tuyệt.
- Các loại bánh ngọt Maroc cũng rất ngon (nhưng rất ngọt). Bánh chỉ nhỏ xíu bằng ngón tay cái, thơm, bùi, thưởng thức với một chén trà bạc hà nóng hổi nữa là tròn vị.
+ Mách bạn:
- Tại Fez có thể thuê hướng dẫn viên đưa đi tham quan thành phố nửa ngày hoặc một ngày. Họ sẽ giới thiệu kỹ về văn hóa, kiến trúc, phong tục tập quán, và nhất là giúp bạn thoát khỏi vòng bủa vây của phường trộm cắp và cò lái. Người dân Fez không thích bị chụp ảnh, nhưng nếu đi với hướng dẫn viên, bạn sẽ được thoải mái mà không ai tỏ thái độ khó chịu.
- Buổi sáng, các hướng dẫn viên tập trung rất nhiều ở Bab Boujloud, mỗi người đều có thẻ hành nghề. Tour có giá từ 10-12 USD/nửa ngày dành cho 2 khách.
+ Chi phí tham khảo:
- Tại Maroc, bạn có thể dễ dàng đặt trước chỗ nghỉ đêm qua các trang đặt phòng thông dụng. Giá cả khá hợp lí, ví dụ phòng đôi khách sạn 2 sao khoảng 50 – 60 USD /1 đêm, hoặc khoảng 30 USD /1 đêm cho phòng đôi trong nhà trọ bình dân.
- Ăn uống ở Maroc thường khoảng 10 – 20 USD/1 bữa ở các quán ngon, có không gian đẹp, và rẻ hơn rất nhiều trong các hàng bình thường trong các souk. Vì vậy, chi phí ở Maroc khoảng 80 – 90 USD /1 người/1 ngày (không tính vé máy bay) nếu bạn có tiêu chuẩn trên mức trung bình, hoặc khoảng 60 – 70 USD/1 ngày dành cho các bạn đi bụi.