Khi các thương hiệu xa xỉ cùng nói "không" với lông động vật

03/10/2021

Mới đây nhất, Tập đoàn Kering - đế chế đứng sau các thương hiệu xa xỉ bậc nhất như Gucci, YSL, Balenciaga... - đã tuyên bố ngừng sử dụng lông động vật trong tất cả các sản phẩm của mình. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi nhận thức của con người về tính sang trọng và xa xỉ của thời trang trong suốt nhiều năm qua.

Việc chăn nuôi lông thú để tạo ra những sản phẩm thời trang xa xỉ từ lâu đã một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi, tuy nhiên kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, những lỗ hổng trong ngành công nghiệp này đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là vấn đề về "quyền động vật" mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, động vật và môi trường.

Bên cạnh đó, đã có báo cáo cho thấy virus Sars-CoV-2 xuất hiện ở loài chồn được nuôi trong các trang trại trên nhiều quốc gia. Mặc dù chưa có thông báo chính thức cho biết liệu chúng có đóng vai trò quan trọng trong việc lây virus sang người không nhưng chúng có thể làm lây lan dịch bệnh cho những loài động vật khác, và vẫn có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Trước đây, những bộ trang phục làm từ lông thú thể hiện sự sang trọng bậc nhất trong ngành thời trang.

Trước đây, những bộ trang phục làm từ lông thú thể hiện sự sang trọng bậc nhất trong ngành thời trang.

Những Tuyên bố nói "không" với lông thú

Mới đây, tập đoàn thời trang cao cấp đứng sau các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Yves Saint Laurent, Balenciaga,... đã tuyên bố ngừng sử dụng lông có nguồn gốc từ động vật trong tất cả các sản phẩm của mình từ năm sau, và thay vào đó sẽ sử dụng những chất liệu có tính bền vững. Francois-Henri Pinault, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Kering, cho biết: "Thế giới đã thay đổi, cùng với khách hàng của chúng tôi, và đương nhiên sự sang trọng cũng cần phải thích ứng với điều đó".

Sau khi gia nhập Fur Free Alliance (Liên minh 40 tổ chức quốc tế bảo vệ động vật) - Gucci là hãng thời trang đầu tiên của Tập đoàn Kering đã cam kết loại bỏ lông thú khỏi các thiết kế từ năm 2017, họ đề cao trách nhiệm xã hội và coi nó là một trong những giá trị cốt lõi làm nên thương hiệu của mình.

Đầu năm 2021, Balenciaga và Alexander McQueen cũng đã có động thái tương tự. Cho đến nay, Yves Saint Laurent là hãng thời trang cuối cùng của Kering tuyên bố ngừng sử dụng sản phẩm từ lông thú, kể từ BST Thu Đông 2022. Sự kiện này đã đánh dấu một bước tiến mới trong ngành công nghiệp thời trang và đang được rất nhiều tổ chức động vật và tổ chức nhân đạo trên thế giới ủng hộ.

SAINT_LAURENT_SS22_VENEZIA_STILL_HR_17

Một dấu ấn quan trọng khác trong thời gian gần đây, tại Met Gala, nghệ sĩ trẻ Billie Eilish đã một lần nữa làm nổi lên phong trào nói "không" với lông thú khi thương lượng thành công với hãng thời trang Oscar de la Renta về vấn đề này. Oscar de la Renta cam kết ngừng sản xuất những bộ trang phục từ lông động vật kể từ bây giờ, thay vào đó, các thiết kế của họ sẽ được Billie Eilish diện trên thảm đỏ và các sự kiện nổi tiếng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

"Tôi vô cùng xúc động khi toàn bộ đội ngũ của Oscar de la Renta đã chấp thuận mong muốn của mình, họ đã hành động để tạo ra những thay đổi tích cực hơn không chỉ cho động vật mà còn cho môi trường và thế giới", trên Instagram của mình, Billie Eilish đã chia sẻ: "Tôi kêu gọi tất cả các nhà thiết kế cũng sẽ làm như vậy".

Billie Eilish trong bộ trang phục của Oscar de la Renta tại thảm đỏ Met Gala 2021.

Billie Eilish trong bộ trang phục của Oscar de la Renta tại thảm đỏ Met Gala 2021.

Việc sử dụng lông thú trong thiết kết đã được thương hiệu thời trang cao cấp Versace chấm dứt vào năm 2018. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của Versace bởi đây là một thương hiệu nổi tiếng với những thiết kế sử dụng lông thú (chồn, gấu mèo, cáo) như một mặt hàng chủ lực trong các bộ sưu tập của hãng ngay từ những ngày đầu tiên.

Bà Donatella Versace, nhà thiết kế đồng thời là Giám đốc Nghệ thuật của Versace đã tuyên bố: "Tôi không muốn giết động vật để tạo ra thời trang". Quyết định này là một phần của kế hoạch tập trung vào các sáng kiến bền vững tại Versace để những thiết kế của thương hiệu trở nên gần gũi và trở thành một hãng "thời trang xanh" với môi trường.

versace-2021

Nối tiếp sau đó, Chanel cũng đã ra quyết định cấm lông thú và da của các loài vật trong tất cả các bộ sưu tập của mình với lý do gặp khó khăn trong việc tìm được nguồn da động vật phù hợp với tiêu chuẩn của hãng, đồng thời hướng đến một "thế hệ sản phẩm cao cấp mới" trong tương lai.

Vào năm 2020, Prada đã bắt đầu thực hiện hành động tương tự, họ cho rằng đây là cơ hội để hãng sáng tạo những thiết kế mới phù hợp với nhu cầu và không đi ngược lại với đạo đức nghề nghiệp.

Các giải phÁp thay thế là...?

Những trang phục được làm từ lông đã không còn là mốt trong những năm gần đây, nhưng nó vẫn đang được sử dụng như một món đồ trang trí và phụ kiện sang trọng, nhiều người "không nỡ" từ bỏ những bộ trang phục như vậy. Tuy nhiên, để vừa thể hiện được tính nhân văn, vừa có thể thể hiện "đẳng cấp", nhiều thương hiệu đã tạo ra những thiết kế từ lông nhân tạo.

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng lông giả sẽ bị giảm chất lượng về lâu dài và vẫn ảnh hưởng xấu đến môi trường bởi chúng được làm từ các chất liệu như acrylic, polyester hay sợi từ dầu mỏ, phải mất hàng trăm năm để có thể phân hủy trong thiên nhiên. Nhưng nhiều hãng đã và đang tiếp tục nỗ lực để tạo ra những giải pháp "xanh" hướng tới tương lai.

Stella McCartney - một thương hiệu thời trang của Anh đã cam kết không bao giờ sử dụng lông thú ngay từ khi ra mắt vào năm 2001. Thay vào đó, họ tạo nên lông giả bằng những chất liệu thân thiện với môi trường. Stella McCartney đã cho ra mắt sản phẩm làm từ lông giả Koba - chất liệu có nguồn gốc từ thực vật, có khả năng làm giảm lượng polyester nguyên chất trong sản phẩm. Chất liệu này đã đã giành chiến thắng từ PeTA Fashion Awards 2019 (Giải thưởng thời trang của PeTA năm 2019).

Mẫu áo khoác làm từ lông thực vật của Stella McCartney.

Mẫu áo khoác làm từ lông thực vật của Stella McCartney.

Bên cạnh đó, những sản phẩm giả da được làm từ Cactus leather (xương rồng), Pinatex (lá dứa) hay Mylo (nấm) cũng ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, hãng thời trang cao cấp Hermes từ đầu năm nay đã quyết định hợp tác với MycoWorks - một trong những công ty đã phát minh ra Mylo để tạo nên một chiếc túi da Victoria được làm từ nấm.

Trước đó, Hermes đã bị chỉ trích về việc công khai xây dựng trang trại cá sấu lớn nhất ở Úc để nuôi lấy da. Dù rằng thương hiệu này vẫn chưa hề có công bố nào liên quan đến việc ngừng sử dụng lông và da lấy từ động vật, nhưng sự hợp tác mới này của Hermes có thể đã đánh dấu một bước chuyển đổi sang các chất liệu thay thế bền vững trong bộ sưu tập của mình.

hermes

Việc kêu gọi tách lông và da động vật ra khỏi thời trang đã được các tổ chức nhân đạo đấu tranh trong một thời gian dài, những nỗ lực của họ đã dần thành công khi tác động được đến hàng loạt thương hiệu nổi tiếng đi đầu trong ngành thời trang. Điều này đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến các thương hiệu còn lại trên thế giới và quan trọng nhất là tác động mạnh đến nhận thức của công chúng. Định nghĩa về "sang trọng" có thể thay đổi theo thời gian, nhưng đạo đức trong nghề nghiệp và trách nhiệm với môi trường mới tạo nên sự bền vững lâu dài.

Khánh Hà - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES