Kinh Tàu Hủ và con đường của thay đổi

02/05/2012

Sài Gòn vào đêm, nếu có dịp, bạn thử chạy qua Đại lộ Đông Tây (nay là Đại lộ Võ Văn Kiệt) để cảm nhận sự cựa mình thay đổi của một trong những thành phố đông dân hàng đầu thế giới. Ở đó, thay vào cảnh “trên bến dưới thuyền” ngày trước - khi sông còn tắm được - là một con đường lao đi vun vút, thiếu cây xanh và kinh nước vẫn còn đen ngòm. Nhưng tất cả điều đó lại là Sài Gòn của hôm nay.

“Liên hoàn” đường

Chỉ khoảng 22km chiều dài và khoảng 42m chiều rộng, Đại lộ Đông Tây không phải là con đường dài và rộng nhất TP.HCM, nhưng nó lại là câu chuyện xuyên thấu của nhiều quận (1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân, Bình Chánh), kết nối với vô số con đường và mười mấy cây cầu. Đó là con đường rõ nhất để chúng ta nhìn thấy sự giao thoa văn hóa (Việt, Hoa, Ấn, Khmer…), sự chung đụng giữa các tôn giáo, giữa giàu với nghèo, giữa bắt đầu và kết thúc…

Con đường dài ven sông này thực chất khởi nguồn từ một con kinh hẹp, nước tù đọng, thuyền bè không qua lại được. Theo sử liệu, năm 1819, vua Gia Long hạ lệnh nạo vét và mở rộng, đặt tên là An Thông Hà, người dân thì gọi là Kinh Mới, thông lưu tấp nập nhất tại khu vực Chợ Lớn, nên cũng gọi là rạch Chợ Lớn. Sau khi thông lưu, kinh này nước lên nước xuống, xanh và sạch trong nhiều thập niên, riêng thế kỷ 19 thì được nạo vét thêm 2 lần (1887 và 1895), rồi mở rộng vào năm 1922.

Trước đó nữa, cuối năm 1772, Nguyễn Cửu Đàm cho đào kinh Ruột Ngựa để thông lưu Sài Gòn và miền Tây Nam bộ, với chiều dài 2.129 tầm (5.000m), rộng 15 tầm (trên 30m) và sâu 9 thước (trên 4m)… An Thông Hà (thời Nguyễn), Arroyo Chinois (thời Pháp) cũng là kinh Tàu Hủ sau này, loanh quanh từ cầu Chữ Y tới kinh Ruột Ngựa và rạch Lò Gốm, khoảng 6km. Nay thì nó trải dài từ Đông sang Tây Sài Gòn, dọc theo những con kinh cũng đang tìm cách thay đổi diện mạo. Được - mất, mới - cũ… vốn là chuyện của thời gian.

Theo học giả Trương Vĩnh Ký (viết năm 1885) và Huỳnh Tịnh Của (viết cuối thế kỷ 19) thì đoạn phố đi ngang qua rạch Chợ Lớn được gọi là Tàu Khậu, đó là cách người Triều Châu phát âm từ “thổ khố” (khu nhà gạch), sau trại âm thành Tàu Hủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nhìn kinh nước đen và những “món phụ gia” trôi nổi trên ấy, rất hôi thối, mà người dân liên tưởng đến tương chao, tàu hủ cho có phần thi vị, nên gọi như vậy.

Nói như thi sĩ Tản Đà: “Con đường vô hạn khách Đông Tây”, ngay từ đầu thế kỷ 18, kinh Tàu Hủ đã là nơi kết nối trên bến dưới thuyền của Gia Định và Chợ Lớn - vốn xa xôi, cách trở đi lại. Từ con kinh này, người ta chứng kiến biết bao nhiêu cuộc chung đụng của dân tứ xứ, Bắc Trung Nam và các nước, họ rời bỏ quê hương đến đây lập nghiệp, nên chấp nhận “luật sống mới”, phóng khoáng và dễ thở hơn.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ngay khi mới thành lập “đại lộ Tàu Hủ” ngày trước, nơi đây đã là con đường lúa gạo và gạch gốm, vì người Hoa “trùm” chuyện này. Nó không chỉ kết nối giữa Sài Gòn với miền Tây, miền Đông Nam bộ, mà còn là thương cảng hoặc là trạm trung chuyển với Singapore, Mã Lai, Hương Cảng, Ma Cao, Thượng Hải… và sau này là châu Âu. Lương thực miền Nam từ lâu đã nhờ kinh Tàu Hủ mà ra đi; người dân miền Nam từ lâu nhờ kinh Tàu Hủ mà nhận về bao điều mới mẻ, đổi thay.

Sau 1955, kinh Tàu Hủ bắt đầu đi vào giai đoạn “vãn tuồng”, tàu bè mắc cạn, nhiều thương cảng lớn đã dời địa điểm ra xa hơn. Các thập nhiên 70, 80, 90 của thế kỷ trước, con kinh này gần như bị bức tử bởi dân nhập cư, bởi khu ổ chuột và sự “bỏ rơi” từ phía quản lý vĩ mô. Mãi tới một hai thập niên gần đây, trong thế bức bách vì giao thông, kinh Tàu Hủ mới bắt đầu hồi sinh và trở thành nơi liên hoàn của những con đường.

Chẳng hoàn chỉnh

Chưa bao giờ có được vẻ đẹp của một con đường hoàn chỉnh, chứ đừng nói đến đại lộ du lịch hay văn hóa, vì kinh Tàu Hủ ngày trước và Đại lộ Võ Văn Kiệt sau này không sinh ra cho sứ mệnh đó. Nó luôn sinh ra để vận tải và giảm tải.

Quang cảnh trên bến dưới thuyền lúc nào cũng bị đồng nghĩa với cái gì đó tạm bợ, là chỗ giao thương, là nơi dễ thay đổi. Về môi sinh cũng thế, có lúc kinh Tàu Hủ trong xanh, có lúc đen ngòm, ô nhiễm, nay thì cố gắng khắc phục để tìm lại chút sạch sẽ giả vờ.

Trong cái thăng trầm của một con kinh và cũng là đoạn đường cửa ngõ của Sài Gòn, hơn 200 năm qua, bao giờ nó cũng giữ lại được hồn phách cũ. Thế nhưng, từ khi “đại lộ” Tàu Hủ thay đổi chóng vánh, nó dài gấp 5-6 lần ngày xưa, làm thay đổi trực tiếp nơi sống của khoảng 6.800 hộ dân, 368 cơ quan và biến đổi khoảng 202 ha đất - nó đã lạc hồn phách.

Kinh Tàu Hủ ngày nay không còn chuyện trên bến dưới thuyền, khi những thuyền lớn khó bề vào sâu nội địa, nên đầu Thủ Thiêm và Long An mọc ra những bến cảng vừa và nhỏ. Hình thức giao thương trên sông cũng đã thay đổi, kinh Tàu Hủ chỉ còn “nằm nghe” thời gian, với vài chiếc ghe nho nhỏ qua lại. Trong sự đổi thay đó, có biết bao hình ảnh đẹp (như các nhà kho Bình Tây), hoặc là địa điểm lịch sử… đã trở thành dĩ vãng, làm phôi pha bao nhiêu ký ức và câu chuyện. Nhưng rồi, trong tinh thần hòa đồng, tương dung của kẻ tứ xứ, người dân “vong thân, mất gốc” xứ này lúc nào cũng có thể nói “mặc kệ” để vui hơn, dễ sống hơn, và để thay đổi.

Thật khó để liên tưởng về hình ảnh và cảm giác giữa một con đường bêtông trơ trụi ngày nay với con kinh tấp nập phố xá, thuyền bè qua lại ngày xưa. Cả tư duy và lối sống cũng thay đổi, ngày trước, sông nước là chính mạch, là hồn cốt, bây giờ, sông nước chỉ còn là phần minh họa.

Và khi các chung cư mọc lên, đường sá sáng sủa hơn, thì hàng trăm ngàn người (dù không ở trọng diện giải tỏa) đã dọn nhà ọp ẹp ra xa hơn, có khi về Cần Giờ, Long An, Gò Công… miễn sao ở đó có bến sông. Nhiều người không quen cảnh khang trang, sáng sủa, bởi quê của họ là sông nước, là rày đây mai đó. Họ quen chân ướt chân ráo, chưa quen thang máy thang bộ; quen ăn đầu trước bỏ đầu sau, chưa quen ngăn nắp, nề nếp.

Có người ví kinh Tàu Hủ hiện nay như khuôn mặt phấn son trên một cơ thể chưa kịp tắm rửa sạch sẽ. Cho nên sự thay đổi mới chỉ là chuyện của bề ngoài, còn bên trong, chắc phải ngày rộng tháng dài mới thực sự có được. Bởi khó để văn minh hay hiện đại chỉ sau một đêm; chỉ với các quy hoạch đơn thuần về giao thông và kiến trúc. Kinh Tàu Hủ đang chờ thời cơ để quy hoạch về tâm lý và thói quen sống.

Tuy vậy, kinh Tàu Hủ bao đời nay vẫn chứng kiến sự đổi thay, đôi lúc đến chóng mặt, nó chấp nhận, chẳng hề than van, luyến tiếc, vì thế, nó đổi khác và làm nên lịch sử chính mình. Nó sống chết từ thay đổi, và hồi sinh từ đổi thay.

 

Bài: Như Hà

Ảnh: Trần Việt Đức - Ảnh tư liệu Sài Gòn xưa.

RELATED ARTICLES