Ladakh – Chân trời trong mơ (Kỳ cuối)

23/01/2015

Tôi đang đứng đâu đó ở nơi không chân trời, giữa khoảng lặng mênh mông. Trước mặt tôi, hồ Tso Moriri, niềm mơ ước kì diệu mà tôi đã mong chờ. Gió mạnh, từng dải mây bay qua, mặt trời chiếu ánh nắng loang lổ xuống những triền núi mềm mượt như nhung lụa.

Bài và ảnh: Thế Thắng

Phần cuối: Bức tranh màu nước Tso Moriri 

Chúng tôi đến hồ Tso Moriri kịp chiều còn nắng, mặt trời đang buông dần vào sau lưng núi, bóng đổ trải dài trên mặt hồ mênh mông. Thật khó diễn tả bằng lời, chỉ biết tôi đang lặng người đi, trừ trí óc và những giác quan cảm xúc. Một phần là do mặt trời đã lặn, oxy ít hơn, và phần khác, đôi mắt tôi đang dõi theo ánh nắng vàng ruộm cuối cùng của ngày, đang chạy dài trên mặt hồ và in lên sườn núi bên kia, ở xa xa phía chân trời. Và khi nó chạm vào sườn núi, sự kỳ diệu đã đến. Đây sẽ mãi là buổi hoàng hôn đẹp nhất tôi từng thấy trong cuộc đời này. Gió mạnh, thổi mây bay nhanh, mặt trời chìm nhanh, khoảng ánh sáng hoang đường đó cũng chỉ mất vài phút để quay lại bầu trời, khung cảnh trở lại bình thường như chưa từng lộng lẫy suốt quãng thời gian tôi đặt chân tới đây.

 

 

Tôi vẫn đứng đấy, trời lạnh dần. Tôi đã thực tế hơn, dù vậy, cảm giác vẫn như mình vừa tỉnh dậy khỏi giấc mơ, những gì vừa thấy như những điều không có thực. Tôi trở về khách sạn nhỏ ở ngôi làng trên sườn núi, nơi cư trú đêm nay, với sự mong mỏi về bình minh của ngày mai, và về những triền đồi phủ nắng cùng những đàn dê của người du mục. Ở đây không có điện, tôi lục đục đi mua nến, trong khi vài người khác chuẩn bị nấu nướng. 

 

 

Bạn đã bao giờ nghe về hiện tượng sốc độ cao? Chúng tôi đang ở độ cao 4.800m so với mặt nước biển, không khí rất loãng, không dễ để thích nghi cho những người đến từ ven biển. Đêm nay thật dài, oxy ít hơn làm chúng tôi khó ngủ, đầu đau như búa bổ. Đôi lúc, tôi thấy mình chậm đi, trong cả tư duy và thực hiện bất kỳ hành vi gì. Tôi mong trời sáng, vì sự dễ chịu cho cơ thể, và vì cả những trải nghiệm mà tôi rất chờ mong.

 

 

Đêm trên hồ thật đẹp. Tôi đến Ladakh đúng tuần trăng, và ở Tso Moriri khi trăng sắp tròn. Bầu trời phủ thứ ánh sáng xanh lơ kỳ lạ, lác đác đâu đó vài ngôi sao rất sáng. Giá mà tôi cảm thấy khoẻ, tôi đã ước thế. Nếu không phải ở độ cao này, không phải cơ thể đang mất hết kiểm soát, có lẽ tôi đang ngồi đâu đó ngoài kia, ngắm màn đêm và phơi sáng để có vài bức ảnh về những vì sao bay qua bầu trời trong vắt. Thoáng chốc tôi cũng ngủ được, tôi đã nhớ như thế, cho đến khi tôi tỉnh dậy, bình minh đã bắt đầu nhen nhóm phía bên kia hồ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

 

Bình minh Tso Moriri đẹp quá, tôi đã nghĩ như vậy, một cách chậm rãi và mộng du. Tôi đã không đủ sức để chạy lang thang đâu đó trên cánh đồng, xách chiếc máy ảnh trên tay, tôi bước những bước ngắn trên con đường bắt đầu phủ nắng vàng rực, cùng những người Ladakh ở ngôi làng, khi họ đang bắt đầu ngày mới với những công việc hàng ngày. Tôi ngồi xuống, dựa lưng vào bức tường đất của một ngôi nhà treo đầy cờ màu của người Ladakh, ngắm nhìn những dải mây đỏ rực dần tan đi, khi mặt trời nhô lên và chiếm trọn mọi khoảng không cho mình. Mặt trời ở đây hình như to hơn, và cũng rực rỡ hơn. Nắng chiếu vào mặt tôi, chói chang, nắng trải dài trên cánh đồng rồi phủ mặt hồ, ngược với chiều qua, cùng với mây, trả lại cho mặt hồ và những sườn núi những khoảng loang lổ nắng. 

 

 

Tôi đã rời đi trên chiếc xe. Chúng tôi đang trên đường đi tìm những người du mục. Anh bạn và cũng là người hướng dẫn của chúng tôi mới biết họ ở đâu, và đó là điều đặc biệt chúng tôi được trải nghiệm, khác với những khách du lịch thông thường. Tôi đã thấy họ, rất gần, nhưng chiếc xe đi mãi không tới. Trời trong quá, mọi thứ nhìn gần hẳn lại, nhưng thực tế thì không phải thế, mất vài cây số  lên độ cao gần 5.000m, tôi đã gặp họ, những người tôi nghĩ rất phi thường. 

 

 

Người du mục sống trên sườn núi, gần những dòng suối được hình thành từ tuyết tan. Tôi đến đây vào mùa khô, tuyết chưa rơi và những con suối đang khô cạn. Người du mục da đỏ au vì nắng, quần áo họ phủ đầy bụi cát. Có vài gia đình ở đây sống trong những chiếc lều vải, “căn nhà” của họ khoét sâu vào lòng đất. Tôi đã thấy những đàn dê rất đẹp, sừng được sơn màu xanh đỏ; người du mục cột chúng lại thành đàn, đầu chụm vào nhau, thật thi vị. Họ làm vậy để vắt sữa của chúng, hết một lượt, họ thả chúng ra, lùa đi tìm những cụm cỏ hiếm hoi ở nơi này.

 

 

Chúng tôi chuẩn bị rời đi, phải từ biệt người du mục dù rất muốn ở lại thật lâu với họ. Nắng gắt hơn, tôi thấy tim mình đập nhanh và môi thêm nứt nẻ. Trong khi những đứa trẻ người địa phương thì chạy nhảy tung tăng lùa đàn dê đi tìm cỏ, còn chúng tôi bước thật chậm, lên xe, nhanh chóng trở về Leh. Chặng đường còn rất dài.

 

 

Đêm ở Leh, chúng tôi ngủ sớm hơn mọi ngày, phần vì mệt nhoài và phần vì đã hạ được độ cao xuống hơn 1.000m. Tôi chưa bao giờ ngủ ngon như thế, và khi mở mắt ra nắng đã tràn qua khung cửa ngập căn phòng. Đây là ngày cuối cùng của chúng tôi ở Ladakh. Kế hoạch hôm nay rất đơn giản, ngắn gọn, chinh phục thử thách vượt cung đèo Khardung La, cung đèo cao nhất Ladakh, ở độ cao khoảng 5.800m.

 

 

 

Tôi đã từng xem một cuốn phim tài liệu về đèo Khardung La, có đôi chút sợ hãi hiện hữu. Những con đường đất đỏ quanh co như vô tận, chỉ vừa 2 chiếc xe nhỏ tránh nhau bên những vực sâu từ hàng trăm đến hàng ngàn mét. Chúng tôi phải đến Khardung La, bởi tiết trời đang mùa thu, chỉ ở độ cao đó mới có tuyết. Mất nửa ngày chậm rãi, chúng tôi đến được đỉnh đèo, phần vì đường có đôi chỗ bị lở, phần vì chúng tôi cần thích nghi dần với độ cao đó. Đỉnh đèo Khardung La đẹp và kỳ vĩ quá, từ đây nhìn sang thấy dãy Himalaya trắng xoá ở ngang tầm. Bạn bè tôi có vài người còn chưa từng thấy tuyết. Chúng tôi đùa nghịch như lũ trẻ, dù mệt nhoài, nhưng bù lại là những niềm vui không tả. Tuyết bắt đầu rơi thêm từ những đám mây cao, chúng tôi chỉ có 15 phút ở nơi này, đó là quy định cho sự an toàn sức khoẻ. Dù vậy, cố nấn ná chúng tôi cũng lưu lại được 30 phút, gấp đôi thời gian cho phép.

 

 

Tôi vẫn đang ở ngang tầm dãy Himalaya, rồi vượt lên cao hơn. Không phải chúng tôi đang vượt cung đèo nào đó cao hơn Khardung La, chỉ là tôi đang trên chuyến bay rời Leh. Tôi nghĩ mình may mắn, khi được người đàn ông Ladakh nhường cho chỗ ngồi bên cửa sổ, được ngắm nhìn và chụp lại một điều kỳ diệu khác, là dãy Himalaya. 

Những đỉnh núi tuyết điệp điệp trùng trùng xa tít chân trời với những dải mây quẩn quanh, những dòng suối tan ra từ tuyết hợp lại thành những nhánh sông uốn khúc. Và kỳ diệu hơn tất cả, xa tít ở chân trời, tôi thấy đỉnh Everest nhô lên khỏi biển mây trắng toát. Tôi dõi theo mãi cho đến khi đỉnh Everest và dãy Himalaya chìm dần vào tầng sương mù kỳ ảo. Khép tấm che cửa sổ, tôi chìm vào giấc ngủ, có thể tôi sẽ mơ một giấc mơ đúng nghĩa là mơ về Ladakh, một giấc mơ thật dài.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES