Lễ hội Người chết - lễ hội của... niềm vui

08/10/2021

Người Mexico truyền thống tin rằng: cái chết chỉ là một giai đoạn trong sự liên tục vô biên của cuộc đời, thay vì lo sợ cái chết, họ chấp nhận nó như một điều hiển nhiên. Vì lẽ đó mà Lễ hội Người chết đã tồn tại bền bỉ ở Mexico hơn 3.000 năm - một lễ hội của những niềm vui và tình yêu thương.

“Lễ hội người chết” (Día de los Muertos)

Là lễ kỷ niệm được tổ chức hàng năm ở Mexico vào hai ngày đầu tháng 11. Đây là dịp để các gia đình tưởng nhớ về người thân đã khuất bằng những phong tục đặc trưng và các hoạt động đầy màu sắc. Từng bị người Tây Ban Nha coi là ma quái và kinh dị, ngày nay, Lễ hội Người chết đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Một điều mà ai cũng nên biết: Lễ hội Người chết không phải là Halloween phiên bản Mexico. Trong khi Halloween là đêm tối của những sự ma quái, Lễ hội Người chết lại ngập tràn màu sắc và niềm vui, là dịp thể hiện tình yêu và sự kính trọng đối với các thành viên đã khuất trong gia đình. Khi tháng 11 hàng năm lại đến, từ thành thị đến nông thôn ở đất nước Mexico, ai cũng đều tham dự cuộc vui với lớp trang điểm lạ mắt và những bộ quần áo sặc sỡ khoác trên người. Họ tổ chức các cuộc diễu hành và tiệc tùng, ca hát và nhảy múa, cúng lễ cho những người thân yêu đã mất và tưởng nhớ họ theo nhiều cách rất vui tươi, thậm chí có phần ngọt ngào. Dù mang tên gọi rùng rợn, nhưng bao trùm lễ hội này là một không khí rất vui vẻ, ấm áp và rất đượm tình thân.

Ảnh: Edgard Garrido/Getty Images

Ảnh: Edgard Garrido/Getty Images

Lễ hội Người chết lần đầu được biết đến cách đây hơn 500 năm, khi người Tây Ban Nha tới Mexico để biến nơi này thành thuộc địa, và ngạc nhiên khi thấy dân bản địa thực hiện một nghi lễ "ma quái" với những chiếc đầu lâu kỳ dị. Ban đầu, người Tây Ban Nha dùng nhiều cách để xóa bỏ tục lệ đã kéo dài ít nhất 3.000 năm này, tuy nhiên lễ hội này vẫn tồn tại đến nay và có tên gọi chính thức là Día de Los Muertos.

Día de Muertos vốn dĩ là lễ hội truyền thống của người Mexico nhằm tôn vinh người chết, bắt nguồn từ các tộc người Aztec, Toltect và người Nahuas, những người coi cái chết chỉ là một giai đoạn trong sự liên tục vô biên của cuộc đời. Người đã mất vẫn còn là một thành viên của cộng đồng, họ vẫn sống trong kí ức của những người ở lại. Lễ hội Người chết là ngày họ tạm thời quay về nhân gian để trở lại thăm những người thân còn trên dương thế.

Người Mexico tin rằng thể xác chỉ là tạm thời, còn linh hồn mới là vĩnh cửu. Các linh hồn sau khi lìa khỏi thân xác sẽ tập trung ở một nơi vĩnh hằng để yên nghỉ và chờ đến ngày họ có thể về thăm thân nhân. Đối với họ, cuộc sống chỉ là một giấc mộng và cái chết là sự tiếp tục, do đó thay vì lo sợ cái chết, người dân chấp nhận nó như một điều hiển nhiên. Đây là quan điểm hoàn toàn đối lập với người Tây Ban Nha (và phần lớn chúng ta) - những người xem cái chết là sự kết thúc của cuộc sống.

Ảnh: Miguel Tovar/Getty Images

Ảnh: Miguel Tovar/Getty Images

Trước đây, Día de os Muertos được tổ chức vào mùa hè, nhưng sau đó người Tây Ban Nha đã chuyển lễ hội sang ngày 2/11 để phù hợp với Lễ Các Đẳng - Lễ Các Thánh trong đạo Công giáo, và kết hợp các nghi thức tôn giáo từ thời pre-Hispanic (thời kỳ tiền Tây Ban Nha). Ngày nay, Lễ hội Người chết diễn ra vào ngày 1 và 2 tháng 11, gần với khoảng thời gian thu hoạch ngô mùa thu.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Theo tín ngưỡng của người bản địa, vào đêm 31/10, cánh cửa nối liền hai cõi sẽ được mở, các linh hồn trẻ em sẽ quay về gặp người nhà trong ngày 1/11, còn ngày 2/11 là thời khắc dành cho những người lớn quá cố. Do đó, ngày 1/11 còn có tên gọi riêng là Día de los Angelitos (Ngày của những thiên thần nhỏ). Năm 2008, UNESCO đã công nhận Día de os Muertos là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Vùng Sumpango tại đất nước Guatemala kỷ niệm Día de los Muertos bằng lễ hội thả diều khổng lồ. Có những con diều cao đến hơn 18m (Ảnh: Luy Brown/Getty Images)

Vùng Sumpango tại đất nước Guatemala kỷ niệm Día de los Muertos bằng lễ hội thả diều khổng lồ. Có những con diều cao đến hơn 18m (Ảnh: Luy Brown/Getty Images)

Ở Bolivia, đồ ăn được dâng tặng các linh hồn gồm có lá coca, thịt lạc đà không bướu và chicha - một loại thức uống làm từ ngô lên men (Ảnh: Juan Karita, AP)

Ở Bolivia, đồ ăn được dâng tặng các linh hồn gồm có lá coca, thịt lạc đà không bướu và chicha - một loại thức uống làm từ ngô lên men (Ảnh: Juan Karita, AP)

Nghĩa trang Hollywood Forever nằm tại Los Angeles, Mỹ là một trong những nơi tổ chức Lễ hội Người chết lớn nhất bên ngoài Mexico  (Ảnh: Dotan Saguy)

Nghĩa trang Hollywood Forever nằm tại Los Angeles, Mỹ là một trong những nơi tổ chức Lễ hội Người chết lớn nhất bên ngoài Mexico (Ảnh: Dotan Saguy)

Trong các gia đình, nơi thể hiện bản sắc đậm nét nhất của lễ kỷ niệm này là bàn thờ cầu nguyện, hay còn gọi là Ofrenda. Đặc biệt, ở các vùng nội đô Mexico, Ofrenda sẽ được để ngay trong nhà, bày biện với đồ ăn, thức uống truyền thống, ảnh gia đình và những ngọn nến, như một hành động chào đón các linh hồn về ghé thăm.

Ảnh: Rob Tilley, Corbis NX/Getty Images

Ảnh: Rob Tilley, Corbis NX/Getty Images

Theo truyền thống của người Aztec, cúc vạn thọ được dùng để chữa lành những người bị sét đánh và bảo vệ những du khách băng qua sông. Ở vùng nông thôn Mexico, mọi người sẽ ghé thăm nghĩa trang và mang những bông cúc vàng tươi đến xếp phủ đầy mộ người thân, còn cánh hoa thì được rải xung quanh để dẫn lối linh hồn từ bàn thờ nguyện trở về nơi an nghỉ. Họ đặt lên đó các món đồ chơi dành cho trẻ em đã mất, rượu tequila dành cho linh hồn người lớn. Sau đó, cả gia đình sẽ ngồi quanh các ngôi mộ, vừa ăn những món mà người chết khi còn sống ưa thích vừa trò chuyện vui vẻ hoặc cầu nguyện. Día de los Muertos nhắc nhở người sống, rằng sợi dây nối kết chúng ta với những người đã mất vẫn luôn còn đó. Sau tất cả, todos somos calaveras - chúng ta đều là những bộ xương.

Ảnh: Nacho Calonge

Ảnh: Nacho Calonge

Ảnh: David Naddrie/Getty Images

Ảnh: David Naddrie/Getty Images

Trong Lễ hội Người chết, người người đổ xô ra đường phố và các quảng trường công cộng bất kể ngày đêm. Người dân ở mọi lứa tuổi đều có khuôn mặt được vẽ trang trí giống đầu lâu, mặc những chiếc áo choàng và áo khoác dạ sặc sỡ để bắt chước La Calavera Catrina - một tác phẩm khắc kẽm được họa sĩ biếm hoạ người Mexico, José Guadalupe Posada sáng tạo vào những năm 1910-1913. Tác phẩm này ban đầu là hiện thân của cái chết trong bộ trang phục Pháp xa hoa, được tạo ra như một lời bình phẩm trước sự mô phỏng văn hoá châu Âu của xã hội Mexico. Sau đó, nghệ sĩ Diego Rivera đã thổi hồn vào tác phẩm này của Posada, gọi đó là một người phụ nữ tên Catrina (tiếng lóng có nghĩa là "giàu có"). Ngày nay, La Calavera Catrina trở thành biểu tượng phổ biến nhất của Día de los Muertos, tượng trưng cho cái chết và sự tái sinh.

Ảnh: Tomas Bravo, Reuters

Ảnh: Tomas Bravo, Reuters

Trong những ngày diễn ra lễ hội, mọi người thường tổ chức tiệc tùng ăn uống và coi đây là dịp đoàn tụ. Đồ ăn phổ biến là rượu tequila, rượu mezcal, chocolate nóng và các loại bánh mì, kẹo ngọt có hình dạng đầu lâu. Một trong những món ăn đặc trưng đó là Calavera - những chiếc đầu lâu bằng đường đầy màu sắc - một loại bánh bông lan từng rất phổ biến vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Thậm chí, trên trán của mỗi chiếc đầu lâu còn được đính tên của một người. Theo cách đó, người ta có thể làm Calevera với tên của người thân, bạn bè và tận hưởng cảm giác ăn... đầu người chết. Đây là một phong tục rất đặc biệt, được người dân vô cùng hưởng ứng. Ngoài ra, Calavera cũng là những đường hoa văn được khắc trên văn bia với ý nghĩa châm biếm cuộc sống, chúng vẫn thường xuất hiện trên báo, trên các chương trình truyền hình hoặc đài phát thanh.

Ảnh: Fito Pardo

Ảnh: Fito Pardo

Pan de muerto, hay bánh mì của người chết, cũng là một loại bánh mì ngọt thường thấy trong Lễ hội Người chết. Bánh có hình tròn tượng trưng cho sự luân hồi của cuộc sống, bên trên rắc đường hoặc hạt mè, được trang trí với các biểu tượng của xương và đầu lâu làm từ bột.

Ảnh: Alejandro Munoz

Ảnh: Alejandro Munoz

Lễ hội Người chết nguyên bản vốn là một nét văn hoá truyền thống của người Mexico bản địa, nhưng ngày nay, nó được chức rầm rộ không chỉ ở Mexico, mà còn tại các nước Trung Mỹ và một số nơi ở kề cận. Tục lệ đặc trưng này còn từng xuất hiện trong các bộ phim hoạt hình nổi tiếng như CocoNàng Elena xứ Avalor.

Bộ phim hoạt hình Coco nổi tiếng của hãng Pixar - Ảnh: Internet

Bộ phim hoạt hình Coco nổi tiếng của hãng Pixar - Ảnh: Internet

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, cũng có ngày Xá tội vong nhân là ngày những linh hồn đã khuất trở về dương thế. Theo đó, vào rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm, cánh cửa Âm phủ mở ra, ân xá cho mọi tù nhân ở Địa Ngục có cơ hội được thoát sanh về cảnh giới an lành.

An
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES