Đây là lần thứ 7 liên tiếp, EUNIC, Hiệp hội các Viện văn hóa và Đại sứ quán các nước châu Âu tại Hà Nội, phối hợp cùng Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tuyển chọn giới thiệu những bộ phim tài liệu của châu Âu và Đông Nam Á.
Thúc đẩy đối thoại giữa điện ảnh tài liệu Việt Nam và châu Âu
Trong suốt chương trình liên hoan, mỗi bộ phim Việt Nam sẽ được chiếu kèm cùng các phim của Áo, Đan Mạch, Pháp, Đức, Israel, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ. Ngoài ra, sẽ có một buổi chiếu đặc biệt dành cho các bộ phim của các nhà làm phim Đông Nam Á:
Campuchia, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Lào, Thái Lan và Việt Nam (tại Hà Nội vào ngày 13.06, tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 14 và 18.06).
Lịch chiếu hấp dẫn hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm đa dạng, giúp khán giả tiếp xúc những nền văn hóa khác nhau. Phạm vi rộng lớn của loại hình phim tài liệu, bất kể là phim theo phong cách phương Tây hay phương Đông, đều chia sẻ chung một đặc điểm: đó là niềm đam mê tìm hiểu về thế giới qua hình ảnh. Những bộ phim được chọn công chiếu, mà có khá nhiều trong số đó đã từng giành giải tại các liên hoan phim quốc tế, với cái nhìn trung thực về thế giới sẽ mang đến những nhận định mới về cuộc sống hàng ngày, những đổi thay của xã hội cũng như các giá trị văn hóa của các quốc gia có phim tham dự.
Phim khai mạc: “Giai điệu quê hương” của Đức
Phim khai mạc của nhà làm phim Đức Arne Birkenstock là một bộ phim tài liệu đầy cảm xúc trong đó nghệ sỹ thổi kèn horn Kiwi, Hayden Chisholm, gặp gỡ với những nhạc sĩ và ca sĩ, già có, trẻ có, truyền thống có, hiện đại có, lập dị có và cực kỳ nghiêm túc cũng có. Tuy nhiên, tất cả họ đều có chung một niềm đam mê cho âm nhạc, đó cũng là hiện thân của tình yêu cao quý mà người Đức dành cho quê hương Tổ quốc mình. Đạo diễn Arne Birkenstock sẽ có mặt để giới thiệu về bộ phim đã từng giành nhiều giải thưởng này, đồng thời dẫn dắt một buổi workshop trong thời gian diễn ra liên hoan (10 – 13/06).
Tám nước châu Âu và Israel sẽ mang đến những bộ phim kể về những câu chuyện của đất nước họ
Họp lớp của đạo diễn Thụy Điển Anna Odell đưa người xem tới một buổi họp mặt nghiệt ngã của những con người năm xưa học chung một lớp. Chủ yếu dựa vào kinh nghiệm bị bắt nạt thưở còn đi học của chính Odell, bộ phim tài liệu bán tự truyện tiết lộ sự phức tạp của sức mạnh và sự loại bỏ. Bộ phim Pháp Lớp học đa quốc gia khám phá tình trạng của trẻ nhập cư trong độ tuổi 11 - 15 đến từ Serbia, Brazil, Tunisia, Trung Quốc và Senegal trong một lớp học hội nhập, nơi bọn trẻ cùng nhau học tiếng Pháp. Phim Đứa con ngoan của đạo diễn người Israel, Shirly Berkovitzis, là một câu chuyện đáng kinh ngạc về một chàng trai Israel 22 tuổi bí mật tiết kiệm tiền để đi chuyển đổi giới tính tại Thái Lan. Berkovitz cũng sẽ có mặt để giới thiệu về bộ phim tài liệu hấp dẫn này. Trong bộ phim tuyệt đẹp đầu tay của mình, đạo diễn
Đan Mạch Saskia Bisp sẽ đưa khán giả tới với những miền đất mà tại đó giới tính không phải là một điều kiện mặc định; Ranh giới không hoàn hảo là một bộ phim tinh tế, hài hước và kích thích suy nghĩ về sự dũng cảm của con người để hoàn toàn thay đổi chính mình. Ba Lan mang tới bộ phim được đề cử giải Oscar năm 2014 Lời nguyền của chúng tôi, câu chuyện về cuộc đời của cặp cha mẹ đang vật lộn tìm cách làm quen với tình trạng bệnh hiếm của đứa con trai Leo mới chào đời. Bộ phim Bản đồ của Tây Ban Nha là câu chuyện tường thuật chuyến du hành của nhà làm phim trẻ trên đường đến Ấn Độ để tìm một "bản đồ" mới cho cuộc sống. Bộ phim Đại bảo tàng của Áo là cái nhìn tò mò, dí dỏm và hài hước phía sau hậu trường của một tổ chức văn hóa nổi tiếng thế giới, Bảo tàng Kunsthistorisches tại Vienna.
Đóng góp của Thụy Sĩ, bộ phim Sống mà không dịch chuyển thì không phải là sống kể về cuộc đời của người hùng thầm lặng của Thụy Sĩ, Alexander Yersin (1863-1943), người đã có công cứu châu Âu khỏi bệnh dịch hạch.
Mười bộ phim của Việt Nam
Là đối tác chính thức và chủ nhà tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương chịu trách nhiệm lựa chọn mười bộ phim tài liệu Việt Nam tham gia liên hoan. Năm nay, việc lựa chọn sẽ tập trung vào những bộ phim đã được mời tham dự các liên hoan quốc tế và được giới chuyên môn đánh giá cao. Các bộ phim thể hiện nhiều chủ đề khác nhau có liên quan đến lịch sử, văn hóa và xã hội của đất nước. Chốn quê tìm hiểu các vấn đề của nông thôn và đời sống văn hoá, vật chất của người nông dân trong thời kinh tế thị trường, trong khi Sông Hồng 12 khúc tập trung mô tả đời sống văn hóa tinh thần người Việt trải dọc suốt từ đầu nguồn tới hạ nguồn sông Hồng. Các mối quan tâm và các vấn đề của người nông dân cũng được nêu bật trong Nghèo đa chiều ở Đồng Mậm, bộ phim cung cấp cái nhìn toàn cảnh về công cuộc xoá đói giảm nghèo bền vững ở Việt Nam, theo đó cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng thì người nông dân phải tự vươn lên bằng sức lực và ý chí của mình. Còn lại với thời gian kể về những dòng nhật ký và những lá thư của những người lính miền Bắc chiến đấu tại chiến trường miền Nam trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Giọt nước giữa đại dương là bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với lời kể của cô giáo miền xuôi nhận nhiệm vụ lên miền núi dạy học, Gieo chữ trên mây nêu lên cuộc sống vất cả của học sinh vùng cao.
Trường Sa Việt Nam mang đến cho khán giả cái nhìn khái quát về sự hình thành quần đảo
Trường Sa trong lịch sử phát triển của đất nước, đồng thời khẳng định chủ quyền thiêng liêng cũng như quyết tâm xây dựng và bảo vệ biển đảo - phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Mỹ Sơn – Miền di sản nói về lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Chăm trong dòng chảy Văn hóa Việt Nam. Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai nói về vụ thảm sát ở Mỹ Lai như một lời nguyện cầu cho các nạn nhân trong vụ thảm sát Mỹ Lai.
Giới thiệu các nhà làm phim trẻ của Đông Nam Á
Bên cạnh những bộ phim Việt Nam và châu Âu, sẽ có một buổi chiếu đặc biệt với các bộ phim của các nhà làm phim trẻ từ các nước Đông Nam Á: Cái đẹp và Nhịp điệu từ Campuchia, Ngày qua Ngày của Nguyễn Thị Thanh Mai và Khi tôi nằm chết của Nguyễn Phương Anh từ Việt Nam, Cội rễ từ Indonesia, Sự lựa chọn của Ida (Sự lựa chọn của Ida) từ Malaysia, Quý bà sông hồ từ Myanmar, Tiếng vọng núi đồi từ Thái Lan và Khi 14 phút là một đời người từ Lào. Một số nhà làm phim cũng sẽ đến Việt Nam theo lời mời của viện Goethe để giới thiệu phim của họ và thảo luận với khán giả. Ngoài ra, nhà sản xuất phim người Pháp Frédéric Violeau và nhà làm phim người Indonesia Amelia Hapsari sẽ có mặt trong buổi chiếu phim ngày 13.05 tại Hà Nội và ngày 14.05 tại Tp. HCM để giới thiệu về hai mạng lưới phim tài liệu: Lumière du Monde – EurasiaDoc và DocNet SEA “Dare to dream”.
Các buổi workshop cùng các đạo diễn Arne Birkenstock và Shirley Berkewitz
Trong quá trình diễn ra liên hoan phim tài liệu cũng sẽ có hai buổi workshop do viện Goethe và Đại sứ quán Israel phối hợp với Trường Đại học Hoa Sen tổ chức:
Từ 09 – 13.06 sẽ có buổi workshop thực hành phát triển kịch bản với nhà làm phim người Đức Arne Birkenstock, phối hợp với Hà Nội DOCLAB. Hanoi DOCLAB là một trung tâm phim tài liệu nằm trong khu vực viện Goethe. Bằng cách cung cấp thiết bị, tổ chức các workshop và chiếu phim, Hanoi DOCLAB mong muốn hỗ trợ các nhà làm phim tài liệu trẻ ở Hà Nội.
Ngày 12/06 tại TP. Hồ Chí Minh sẽ có một buổi workshop với nhà làm phim Israel Shirley Berkowitz cho các sinh viên của Đại học Hoa Sen, nơi chị sẽ giới thiệu quá trình sản xuất bộ phim Đứa con ngoan của mình.
Vào cửa tự do.