Thôn nhỏ Tà Giang nằm yên bình ở xã miền núi Thành Sơn, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa, ngay khu vực rừng núi giáp ranh hai tỉnh Ninh Thuận - Khánh Hòa. Vị trí này cũng nằm giáp với Vườn Quốc gia Phước Bình của Ninh Thuận, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà của Lâm Đồng.
Có nhiều đường để đến điểm cắm trại tại Tà Giang, nhưng có một số đường được sử dụng nhiều là: đi từ hướng Sơn Thái (Khánh Vĩnh) xuống và đi từ hướng Khánh Sơn lên. Đường đến Tà Giang nói chung không khó, không nhiều dốc, lại thường xuyên men theo suối, nên ngay cả các trẻ em cũng có thể tham gia được.
Lội suối lên thảo nguyên
Chúng tôi xuất phát từ thôn Tà Giang khá muộn, vì đoàn đông người và nhiều trẻ em. Ngoài các “chiến binh nhí” quen thuộc đã từng xuất hiện ở chuyến leo núi Chư Nâm như chị em nhà Kin, Thỏ, anh em nhà Seko, Coca (chị em Kem và Ni chuyến này không tham gia được) còn có nhiều bạn nhỏ khác.
Đường lên điểm cắm trại khoảng 15 - 16 km chủ yếu đi dọc theo con suối lớn, nhưng vượt qua vượt lại hai bên bờ suối đến hơn chục lần.
Jami - anh chàng dẫn đường, thuộc sắc dân Cil K’ho - nói rằng, dân địa phương gọi con suối này là Sông Mao. Tuy nhiên, trên bản đồ lại ghi tên nó là Sông Khế. Đây là mạch suối bắt nguồn từ trên rặng Bidoup chảy xuôi xuống Đông Nam, thành Sông Cái chảy qua Phan Rang ra biển.
Đoạn đầu của hành trình, chúng tôi đi len lỏi theo con đường mòn khá bằng phẳng xuyên qua rặng rừng thưa xanh mát. Con suối vẫn ầm ào chảy ngay bên cạnh. Như mọi khi, bọn trẻ con thường ở nhóm đầu, chúng bám theo các chú dẫn đường và chạy nhảy líu ríu luôn miệng.
Sông Khế cuối năm tuy nước không cao, nhưng những cơn mưa do ảnh hưởng của con bão cuối cùng trong năm đổ bộ vào miền Trung đã khiến dòng nước chảy khá xiết. Ở những quãng lòng suối rộng, mực nước chỉ ngang bắp chân người lớn, lũ trẻ cũng có thể dễ dàng tự lội qua. Tuy nhiên có những đoạn lòng suối hẹp hoặc khi dòng chảy vượt qua các ghềnh đá, tiếng nước réo ào ào, bọt nước tung trắng xóa và dòng chảy xiết. Gặp những chỗ như thế, khi vượt suối, người dẫn đường phải tải hành lý qua trước, rồi chăng dây làm một “hàng rào người” ngang suối để giúp từng thành viên vượt qua mới đảm bảo an toàn. Các "chiến binh nhỏ" ở những chỗ như vậy thường được các chú dẫn đường - vốn rành từng chi tiết của lòng suối - cõng qua.
Bọn trẻ rất khoái tắm suối. Đoạn suối này nước sâu chừng ngang hông người lớn, lòng suối rộng nên nước không quá xiết, sau khi vượt qua suối, cả bọn bèn nhào xuống thả mình trong làn nước mát. Những người lớn luôn kèm sát bên các bạn nhỏ, dù chúng đều bơi lội tốt, thậm chí mỗi đứa trẻ xuống nước đều có vài người lớn bên cạnh. Chúng vùng vẫy, la lét, cười lanh lảnh vang một góc rừng.
Hơn 2/3 hành trình, chúng tôi đi theo đường mòn ven suối và vượt qua vượt lại suối tùy theo địa hình hai bên bờ. Lại có những chặng dài đi trên những bãi đá giữa lòng suối cạn. Hai bên xanh ngắt cây rừng, tiếng gió reo hòa với tiếng nước chảy tạo nên một không gian tuyệt vời, đem lại sự thư thái, khác hẳn không khí ngột ngạt nơi thị thành.
Bóng chiều buông dẫn xuống núi rừng, dòng suối vẫn ầm ào chảy, càng đi dần lên cao càng gặp nhiều ghềnh đá nguy hiểm, có những ghềnh đá cao hơn 1 mét, nước chảy rất xiết và tung bọt trắng xóa. Lúc này chúng tôi chủ yếu đi trên con đường mòn bên trên bờ suối, len lỏi dần lên thảo nguyên Tà Giang.
Tà Giang, miền cỏ hát
Trời tối dần, tốc độ của cả đoàn chậm hơn dự kiến, vì phải đảm bảo an toàn cho lũ trẻ trong những lần vượt suối qua lại ở khúc phía dưới. Khi chúng tôi lên tới đồi cỏ nơi hạ trại thì trời đã tối hẳn.
Giới khám phá truyền tai nhau về Tà Giang rằng, Tà Giang - miền cỏ hát, có thể vì vùng thảo nguyên này quanh năm lộng gió. Nhưng đêm cuối năm này, đối với chúng tôi thì cỏ ở thảo nguyên Tà Giang đang tấu một đêm nhạc... rock. Gió hú lên những tiết tấu hùng tráng của thiên nhiên giữa đêm như bất tận.
Những chiếc lều bạt nhanh chóng được dựng lên trong đêm tối, một lực lượng khác lập tức nổi lửa trong khu vực được che chắn bởi căn lán gỗ của trại bò nơi đỉnh đồi. Những xiên thịt nướng, những con gà được lật qua lật lại trên than hồng, bốc mùi thơm ngào ngạt, hành hạ những chiếc bao tử trống rỗng của cả đoàn người vừa vượt một chặng đường dài để lên nơi này.
Một bình cocktail lớn được pha bởi vang, trái cây tươi vừa ngọt ngào vừa nồng ấm. Bữa “tiệc” cuối năm muộn màng nhưng ấm cúng của chúng tôi tại miền cao Khánh Sơn, trong cái lạnh của rừng núi, giữa âm thanh của bản rock bất tận của đồng cỏ thảo nguyên Tà Giang cứ kéo dài mãi. Rồi tất cả chìm trong giấc ngủ, khi cỏ vẫn hát không ngưng nghỉ suốt đêm dài.
Sáng hôm sau trời mưa lất phất. Nhìn ra xa, màn mưa mỏng giăng giăng như sương khói. Những sườn núi xanh mướt xung quanh hiện ra mờ ảo. Căn lán gỗ giữa đồi cỏ, với những căn lều bạt rải rác xung quanh, trông thật nên thơ.
Mọi người lại tất bật với bữa ăn sáng để sẵn sàng xuống núi trở về. Bữa sáng được những người dẫn đường chuẩn bị khá chu đáo với nồi súp rau củ để ăn cùng mì gói.
Khi trời bắt đầu hửng lên, tiếng bọn trẻ reo lên “Mẹ ơi cái gì đẹp quá kìa!”. Thế rồi tất cả đều nhao ra bãi cỏ để nhìn về phía sườn núi bên cạnh: Cầu vồng. Dưới màn mưa bụi, cầu vồng bảy sắc rực rỡ hiện lên trên sườn núi xanh, thật là kì diệu. Cả bọn trẻ lẫn những người, sau phút ồn ào ban đầu, đều lặng im chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ ảo của thiên nhiên.
Trở xuống núi, quãng đường như gần hơn vì được đi ban ngày, khác với hôm qua đi trong ánh đèn pin. Chẳng mấy chốc chúng tôi gặp lại con suối. Nước vẫn chảy xiết những đã cạn hơn hôm trước một chút, nên những khúc vượt suối khó nhằn nhất đã trở nên dễ hơn.
Như thường lệ, chàng Coca 6 tuổi luôn có mặt trong tốp đầu tiên. Và khi mẹ Giang cùng anh Seko và cả đoàn đông về tới đích, thì Coca ta đã ngủ được một giấc nơi đích đến rồi.