Một mùa hè khắc nghiệt với doanh nghiệp du lịch

30/06/2022

Nhiều doanh nghiệp du lịch đang gặp “khó chồng khó” khi giá xăng tăng chóng mặt. Trường hợp, nếu doanh nghiệp không đẩy giá combo, tour du lịch kỳ nghỉ hè thì sẽ phải bù lỗ chi phí vận hành.

Khách đông nhưng vẫn lo lỗ

Chị Nguyễn Thị Hường (quản lý tại Hanoi House Tourism & Hotel) cho rằng, thời điểm mùa hè thời tiết nắng nóng, số lượng khách quốc tế vào Việt Nam đi du lịch thường tập trung vào khoảng tháng 9 hằng năm.

Từ ngày mở cửa trở lại, trước mắt, Hanoi House Tourism & Hotel đang tập trung vào việc đón khách nội địa ở các kỳ nghỉ lễ dài ngày, còn lại số ít chỉ là khách vãng lai.

Chị Nguyễn Thị Hường chia sẻ: “Việc giá xăng tăng đã làm cho chi phí đầu vào của nhiều dịch vụ đi kèm liên tục biến động. Đa số các doanh nghiệp thường bán combo du lịch với mức giá đã chốt từ trước nên khi chi phí bị đội lên sẽ rất khó để điều chỉnh.

Dịch Covid-19 đã làm “đóng băng” ngành du lịch trong gần 3 năm, khi các doanh nghiệp đang dần lấy lại đà phục hồi thì lại gặp khó vì giá cả các dịch vụ lại đồng loạt tăng lên”.

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp Thị - truyền thông (Công ty Dịch vụ lữ Thành Saigontourist) cũng cho biết, dự kiến công ty sẽ phục vụ hơn 280.000 lượt khách trong mùa hè 2022. Con số này có thể cao hơn do nhu cầu của thị trường về du lịch trong và ngoài nước vẫn đang tăng mạnh.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Rừng dừa Bảy Mẫu Hội An

Rừng dừa Bảy Mẫu Hội An

Đặc biệt, theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, với những tour trọn gói đã chốt, giá tour sẽ không thay đổi. Nhưng đối với các dịch vụ tour khởi hành mới từ tháng 10 trở đi hoặc khách đặt tour lẻ thì hiện đang phát sinh nhiều vấn đề và phải tính toán lại giá vì các dịch vụ khác trong chuỗi cung ứng như vận chuyển, nhà hàng, lưu trú đã tăng từ 10-30%.

Cần giải pháp phù hợp

Nhiều doanh nghiệp du lịch - lữ hành cho rằng, với những tour đã được ký kết (tour trọn gói), nếu như đơn vị không phụ thu thêm chi phí phát sinh thì buộc phải bù lỗ vào chi phí vận hành.

Trường hợp, nếu như các doanh nghiệp đột ngột tăng giá thành dịch vụ cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng và lượng khách có nhu cầu du lịch trong dịp nghỉ hè sẽ giảm mạnh.

Trong bối cảnh “khó chồng khó”, đa số các doanh nghiệp đều mong mỏi Nhà nước sẽ kéo dài chính sách cơ cấu nợ vay ngân hàng, duy trì mức lãi suất ổn định, triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất sớm chừng nào hay chừng đó. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về visa, khách du lịch quốc tế…, để thu hút du khách đến nhanh và đến nhiều hơn.

Tiến sĩ Bùi Duy Tùng - Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT cũng vừa đưa ra đề xuất, giải pháp cho các cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng tăng cao kỷ lục.

Theo Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, về phía cơ quan quản lý nên có biện pháp hạ nhiệt giá xăng bằng giải pháp tạm thời như giảm các loại thuế (thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt). Đặc biệt, không nên trợ giá xăng dầu vì đây là một giải pháp không tối ưu, nên giảm các khoản chi tiêu không thực sự cần thiết để cân đối lại ngân sách.

“Doanh nghiệp cũng cần kiểm soát việc chi tiêu và có chính sách điều chỉnh giá cả linh hoạt. Cần xem xét tập trung vào những sản phẩm có biên lợi nhuận cao trong thời kỳ lạm phát. Sử dụng các loại nguyên vật liệu đầu vào rẻ hơn để thay thế và phía doanh nghiệp cũng cần tránh đi vay và đầu tư dàn trải.

Về phía người dân, cần lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng và chỉ chi tiêu vào những mục đích thực sự cần thiết.

Bên cạnh đó cần bảo vệ tài sản và tiền bạc của mình để vượt qua thời kỳ lạm phát. Tránh đầu tư dàn trải cũng như tránh đi vay bởi sẽ làm tăng áp lực và gánh nặng trả nợ” - Tiến sĩ Bùi Duy Tùng thông tin thêm.

Phương Thảo - Nguồn: Lao động
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES