Một năm du lịch 2022: Vì sao Việt Nam "đi trước về cuối" trong mục tiêu hút khách quốc tế?

01/01/2023

Sau 11 tháng, Việt Nam dù đi đầu trong mở cửa du lịch nhưng lại không đạt được chỉ tiêu 5 triệu đề ra hồi đầu năm. Trong khi đó, các quốc gia khác ở Đông Nam Á đều hoàn thành, thậm chí vượt mục tiêu. Việt Nam còn nằm trong nhóm chậm phục hồi du lịch quốc tế.

Từ "học sinh giỏi" trên đường đua phục hồi du lịch đến "đội sổ" vì không đạt mục tiêu

Theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam trong tháng 8/2022 đã tăng gần 7 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022 và tăng trên 1.200% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, lượng tìm kiếm về hàng không quốc tế tới Việt Nam đã tăng hơn 3 lần.

Sau khi mở cửa du lịch vào 15/03/2022, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong 21 nền kinh tế APEC không đưa ra hạn chế nào về đi lại, không yêu cầu chứng nhận tiêm phòng COVID-19, không yêu cầu xét nghiệm COVID-19, không yêu cầu cách ly, không yêu cầu khai báo y tế.

Ngay sau đó, SEA Games 31 được xem là cơ hội vàng cho ngành du lịch sau thời gian dài đóng cửa vì đại dịch. Và trong năm vừa qua du lịch Việt Nam xuất sắc giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới trong trao tặng bởi "Giải thưởng Oscar của du lịch" - World Travel Awards.

Trong năm 2022, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng từ 50-75% so với cùng kỳ đại dịch. Du khách nội địa ước tính đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách), đồng thời vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019.

Đứng trước tình hình Trung Quốc - thị trường chính chiếm hơn 32% lượng khách vào Việt Nam, vẫn chưa mở cửa và xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine cũng làm ảnh hưởng đến nguồn khách từ châu Âu. Việt Nam vẫn có những lợi thế rất lớn để hoàn thành mục tiêu 5 triệu lượt du khách nước ngoài.

Trong năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, đứng thứ 10 trong số các quốc gia đón khách cao nhất châu Á và đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Vì thế, chỉ tiêu 5 triệu lượng khách quốc tế 2022 không hề quá tầm với ngành du lịch Việt Nam.

SEA Games 31 được xem là cơ hội vàng cho ngành du lịch sau thời gian dài đóng cửa vì đại dịch

SEA Games 31 được xem là cơ hội vàng cho ngành du lịch sau thời gian dài đóng cửa vì đại dịch

Tuy nhiên, theo ước tính của Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia, trong năm 2022, Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu du khách nước ngoài, chỉ đạt 66% so với chỉ tiêu đặt ra. Trong khi đó rất nhiều nước Đông Nam Á đã "cán đích" lượng khách quốc tế 2022.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Philippines đã bắt đầu mở cửa đón du khách quốc tế từ tháng 2 năm nay và hoàn thành chỉ tiêu vào cuối tháng 10. Indonesia và Campuchia cũng đã đạt số lượng du khách quốc tế sau 9 tháng mở cửa. Malaysia vốn chỉ đặt mục tiêu 2 triệu lượt khách quốc tế nhưng đã nhanh chóng đạt được vào tháng 6 và thành công tiến đến mục tiêu 4,5 triệu vào tháng 9 và hướng đến 9,2 triệu lượt khách quốc tế cho cả năm. Và trong ngày 10/12 vừa qua, Thái Lan dù mở cửa sau Việt Nam đã đồng loạt tổ chức sự kiện đánh dấu 10 triệu lượt khách năm 2022.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến ngành du lịch Việt Nam từ một "học sinh giỏi" rơi xuống vị trí cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch quốc tế của khu vực Đông Nam Á sau COVID-19 ngoài những vấn đề khách quan còn là sự chủ quan và không có sự thay đổi kịp thời.

hn16-1-4371

Du khách nước ngoài tìm hiểu về Việt Nam nhưng lại "chốt đơn" ở Thái Lan.

Tại hội nghị bàn tròn với chủ đề Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2023: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột dịch vụ hàng không - du lịch tổ chức chiều 16/12, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã chỉ ra những rào cản khiến du lịch Việt Nam không tận dụng được lợi thế.

  • Chính sách Visa bất tiện

Sau COVID-19, du khách cần có các công ty bảo lãnh hoặc được các đại lý dịch vụ cấp visa giới thiệu với phí rất cao từ 200 - 500 USD, trong khi lệ phí chính thức cấp visa chỉ là 25 USD.

So sánh với Thái Lan, quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Đất nước này miễn thị thực (visa) đối với công dân của 65 quốc gia, còn Việt Nam chỉ miễn cho 24 nước và vùng lãnh thổ. Thái Lan cho phép du khách lưu trú từ 30 ngày đến 45 ngày, thậm chí 90 ngày và được xuất nhập cảnh nhiều lần, còn Việt Nam phần lớn chỉ cho phép khách lưu trú 15 ngày và nhập cảnh một lần. Đồng nghĩa với việc để du lịch Việt Nam một tháng, du khách phải đến đất nước khác để xin visa lần hai.

Theo TAB, visa điện tử của Việt Nam cũng bất tiện, du khách đến vẫn phải xin phê duyệt trước, không phải cứ đến rồi xin cấp visa trực tiếp ở cửa khẩu như một số nước khác. Mặc cho thông báo mở cửa với du khách quốc tế, nhưng cánh cửa đến với Việt Nam không hề rộng mở như những gì đã quảng bá.

Thái Lan cho phép du khách lưu trú từ 30 ngày đến 45 ngày, thậm chí 90 ngày và được ra vào nhiều lần, còn Việt Nam phần lớn chỉ cho phép khách lưu trú 15 ngày và ra vào một lần

Thái Lan cho phép du khách lưu trú từ 30 ngày đến 45 ngày, thậm chí 90 ngày và được ra vào nhiều lần, còn Việt Nam phần lớn chỉ cho phép khách lưu trú 15 ngày và ra vào một lần

  • Biết trước khó khăn nhưng không có biện pháp giải quyết

Thái Lan đến giữa tháng 8 chỉ đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, bằng một phần ba mục tiêu. Sau đó, họ nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ với sự phối hợp từ Bộ Du lịch và Thể thao cùng Tổng cục Du lịch bằng chiến lược "Thị thực vàng" cho khách đến 45 ngày ra vào nhiều lần và kéo dài.

Trong bối cảnh khó đón khách quốc tế, Thái Lan đã thành công với chiến lược "Thị thực vàng". Theo phân tích của Cơ quan Du lịch Thái Lan, những vị khách quốc tế lưu trú dài ngày có thể chi tiêu nhiều hơn từ 20 – 30% so với mức trung bình hiện nay.

Ngay sau Sea Games 31, nhóm nghiên cứu thuộc TAB đã nhận thấy nếu Việt Nam giữ chính sách phục hồi cũ thì con số 5 triệu khách quốc tế khó đạt được. Ông Hoàng Nhân Chính, trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), cho biết: "Chúng tôi có khuyến nghị, đề xuất nhưng đáng tiếc không được lắng nghe. Đây là điều rất khác so với các nước. Cơ quan du lịch của các nước như Thái Lan, Singapore... khi họ cảm nhận con đường phục hồi có vấn đề, ngay lập tức họ "đi nói chuyện" với các cơ quan liên quan, có chính sách thích ứng. Chúng ta vẫn theo cách làm cũ trong khi nếu có thay đổi về quảng bá, hay chính sách đón khách từ khoảng tháng 8 thì có lẽ giờ sẽ đạt kết quả khác."

Theo phân tích của Cơ quan Du lịch Thái Lan, những vị khách quốc tế lưu trú dài ngày có thể chi tiêu nhiều hơn từ 20 – 30% so với mức trung bình hiện nay.

Theo phân tích của Cơ quan Du lịch Thái Lan, những vị khách quốc tế lưu trú dài ngày có thể chi tiêu nhiều hơn từ 20 – 30% so với mức trung bình hiện nay.

  • Không đón đầu được xu hướng

Hành vi của du khách đã thay đổi so với trước Covid-19. Vì thế, công tác quảng bá tiếp thị, xây dựng sản phẩm du lịch, thông điệp hút khách... cần phải thiết kế lại từ đầu. Các hoạt động roadshow giới thiệu về du lịch Việt Nam ở các thị trường trọng điểm và các thị trường thay thế đều bị thiếu vắng. Phần lớn những hoạt động quảng bá với thị trường mới như Ấn Độ, các nước Trung Đông đều xuất phát từ các doanh nghiệp lữ hành và hãng hàng không.

Mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế 2023, hợp lý hay quá an toàn?

Các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore đã đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi so với năm 2022. Theo đánh giá của ông Hoàng Nhân Chính, Việt Nam đang đặt ra một con số "dễ đạt được".

"Mục tiêu đón 10 triệu khách quốc tế trong năm 2023 hoàn toàn có cơ sở, chỉ là chúng ta phải giải quyết vấn đề gì để đạt được con số ấy. Phải có kế hoạch rõ ràng từ xây dựng sản phẩm, tiếp thị đến các chính sách gỡ rối, cần ngành nào vào cuộc hay kịch bản để hàng không nhập cuộc đi trước ra sao? Phải phân vai, có một tổng chỉ huy, người cầm trịch để phân công trách nhiệm của từng bên. Hiện nay, vai trò đó đang mờ nhạt", ông chia sẻ.

Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch vào năm 2023

Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch vào năm 2023

Tuy nhiên đối với đại diện một công ty lữ hành cũng đưa ra ý kiến 8 triệu khách quốc tế là một mục tiêu an toàn và cần thiết, đặc biệt trong tình hình lạm phát toàn cầu vẫn đang duy trì ở mức cao. Nhiều nhà kinh tế bi quan hơn và tin rằng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra vào năm 2023. Hiện tại du lịch Việt Nam còn mang tính thời vụ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, uy tín của nhiều đơn vị do cơ sở vật chất bị xuống cấp, nhân viên không ổn định, nhiều nơi không dám tuyển đủ nhân lực vì sợ không đủ chi phí cho quỹ lương sau thời gian dài cạn kiệt nguồn vốn dự phòng.

Yến Nhi
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES