Rescue, cứu trợ
Theo lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi tìm đến nhà hàng (hãy tạm không nói đến danh tính nơi này, để giữ chút bí ẩn cho cuộc khám phá, và cũng để tránh độc giả vội hiểu nhầm rằng đây là một bài quảng cáo không hơn). Hôm đó là một ngày cuối tuần, tình cờ lại đúng ngày nơi này tổ chức buổi giao lưu ca nhạc ngoài trời. Có lẽ vì thế mà không khí nhà hàng trong buổi tối chúng tôi đến ấm cúng và nồng nhiệt hơn so với thường khi.
Không gian sân vườn của nhà hàng rộng, thoáng đãng và trang hoàng lấp lánh hơn trong nhà, đó cũng là khoảng không gian thần tiên cho lũ chó nô đùa, chạy nhảy. Phải rồi, không thể phớt lờ lũ chó - chúng sẽ là những nhân vật đầu tiên bạn được “diện kiến” khi bước qua cánh cổng nhà hàng. Nơi đây có rất nhiều chó.
Từ những chú chó cỡ 2 năm tuổi, đến những chú đã 8, 9 tuổi, từ chó “ta” đến chó “tây”, không có một yêu cầu cụ thể nào cho những chú chó sống ở đây; chúng đều từng trải qua một quá khứ tối tăm, được cứu trợ rồi bây giờ hồi phục dần dần dưới sự chăm sóc của nhà hàng, cùng lúc chờ đợi những người chủ mới - trong số những thực khách đến đây, đón về.
“Hồi phục” là một khái niệm đặc biệt, một nhiệm vụ hóc búa tại nhà hàng. Những chú chó này, ngoài việc từng chịu tổn thương thân thể, chúng còn mang vết thương tinh thần. Jay - một trong ba người chủ của nhà hàng kể với chúng tôi, có chú chó từng bị chính chủ cũ của mình đánh đập, rũ bỏ, dẫn đến trạng thái sống ủ dột trong một thời gian dài; hay có chú thì bị ám ảnh bởi đòn roi đến mức, mỗi tiếng “tạch” đột ngột của chiếc máy ảnh cũng làm chú nhảy dựng lên hoảng sợ... Chính công cuộc chữa lành tinh thần mới đòi hỏi thật nhiều thời gian và công sức. Và ở nơi này, họ sẽ kiên nhẫn đến khi từng chú chó được hồi phục hoàn toàn.
Recovery, hồi phục
Buổi tối chúng tôi đến, nhiều khách ngoại quốc đang ngồi ở khu vực ngoài sân, chơi đùa cùng lũ chó trong lúc chờ đợi đồ ăn. Một sân khấu biểu diễn được trang hoàng lấp lánh ngoài trời, lát nữa thôi sẽ vang lên giai điệu acoustic của những nghệ sĩ “cây nhà lá vườn”. Từ một góc sân, có thể ngắm được khung cảnh thị trấn yên tĩnh về đêm. Những ánh đèn li ti nhấp nháy, những mái nhà xa xăm trải dài, vài nhóm bạn rả rích chuyện trò, tay đung đưa ly vang nấu.
Tách khỏi không khí nhộn nhịp ngoài trời, chúng tôi chọn một bàn ở trong nhà hàng để có cơ hội trò chuyện với đội ngũ ở đây nhiều hơn.
Thực đơn được đem ra bàn, chúng tôi đi đến bất ngờ tiếp theo: các món ăn ở đây phong phú quá! Ramen, tempura của Nhật; pizza, spaghetti của Ý; nachos của Mexico; cà ri Ấn; các loại rau, salad tươi ráu của Đà Lạt; rồi một loạt bánh ngọt, rượu vang nấu, bia thủ công và sữa homemade... Đi hết 6 trang thực đơn, thoáng tưởng mình vừa có một cuộc dạo nhanh chóng từ Đà Lạt qua khắp châu Á, Âu, Mỹ, với những đặc trưng ẩm thực của từng vùng. Hỏi chuyện Jay, tôi mới biết đó đúng là dụng ý của nhà hàng. Họ muốn thực khách đến đây không còn cảm giác giới hạn về quốc gia, địa lý, vùng miền; họ muốn tất cả cùng cởi mở, tự do, cho đi và đón nhận.
Sau khi đã gọi món, nhân viên phục vụ lấy lại thực đơn và thay vào đó, đặt lên bàn chúng tôi một tập “hồ sơ lý lịch” của những chú chó đang sống ở đây. Trong đó là hình ảnh của từng chú, kèm ngày sinh, gốc gác…, và câu chuyện về hành trình của chúng trước khi được đến với nơi này. Đó đều là những câu chuyện buồn, song lại được kể dưới giọng hồn nhiên, lạc quan của trẻ nhỏ.
Tập “hồ sơ lý lịch chó” luôn được nhân viên đưa tới cho thực khách ngay sau khi họ hoàn tất việc gọi món, những thông tin này sẽ hữu ích nếu ai đó đang cân nhắc muốn nhận một chú chó về nuôi, đó đồng thời cũng là cách để nhà hàng truyền đi thông điệp của họ rằng: Ở đây, những chú chó được đối xử bình đẳng như với con người; chúng có một lý lịch, một cái tên, một ngôn ngữ và một câu chuyện riêng.
Nhờ có những câu chuyện quá khứ được kể lại trong tập hồ sơ, chúng tôi bắt đầu quan sát những chú chó xung quanh mình bằng thái độ… thấu hiểu hơn. Khi nhìn kĩ vào đôi mắt Bi, chú chó đang nằm ở chiếc sofa kế bên mình - đôi mắt ngây tròn, ướt át, dè chừng - trong đầu tôi hiện ra cả một thước phim tua nhanh về quá khứ tối tăm của chú bé. Bỗng thấy, vẫn trong đôi mắt ấy, hóa ra chứa nhiều dũng cảm và nghị lực biết bao.
Sau khi đi vài vòng chơi với lũ chó quanh nhà hàng, tôi trở lại chỗ ngồi, sẵn sàng cho đồ ăn sắp được dọn ra.
“Em thấy thế nào?” - bạn tôi hỏi.
“Mọi thứ đều xinh” - tôi đáp, “nhưng nhân viên phục vụ vừa chơi với lũ chó, vừa phục vụ con người. Họ… rửa tay lúc nào nhỉ?”.
“Ở đây rồi mà em vẫn còn giữ kiểu suy nghĩ ấy?!” - anh bạn tôi bỗng giở giọng gay gắt. Đúng lúc thức ăn được mang ra, chặn ngang một cuộc tranh cãi suýt nổ ra giữa chúng tôi.
Rethink, tái nhận thức
Sau khi chúng tôi chén ngấu nghiến bữa ăn ngon lành của mình - salad Đà Lạt, nachos, mì soba, cơm cà ri, cùng với vài ly rượu vang nấu - Jay lại xuất hiện và đem đến một (thông tin) bất ngờ tiếp theo: tất cả những món chúng tôi vừa thưởng thức đều là đồ… chay.
Ngẫm lại mới thấy đúng là nãy giờ mình chỉ ăn toàn rau, đậu, củ quả, chẳng hề có miếng thịt/trứng nào. Nhưng sự hài hòa, đậm đà của từng món hoàn toàn chinh phục vị giác và thị giác của chúng tôi, khiến cả hai không nhận ra mình “bị” thiếu. Chúng tôi cảm thấy đủ.
“Nhà hàng chỉ phục vụ đồ ăn chay và thuần chay” - Jay nói, “Một mặt vì muốn góp phần bảo vệ môi trường bền vững, mặt khác, vì chúng tôi muốn tuyên truyền việc ngưng sát sinh lũ chó và mọi loài vật khác”.
Giống như hai chúng tôi, nhiều thực khách khác sau đi dùng xong bữa vẫn nán lại nhà hàng, hoặc để thưởng thức những tiết mục biểu diễn trên sân khấu ngoài trời, hoặc chỉ đơn giản là quây quần bên khóm lửa, vuốt ve và chơi đùa cùng lũ chó. Ở đây có đủ cả người Đà Lạt, người Sài Gòn, người Hà Nội, người Á, người Âu…, thật lạ lùng khi mọi người dù không ai bắt chuyện hay làm quen với ai, nhưng nhờ “chất keo” gắn kết là lũ chó (chúng cứ chạy khắp nơi, chạy đến đâu truyền sự ấm áp đến đó), tôi cảm tựa như tất cả đang sinh hoạt dưới một mái nhà.
10 giờ, âm nhạc đã hết, lửa vẫn cháy bập bùng, mọi người đứng hàn huyên thành từng nhóm nhỏ quanh sân. “Đến giờ đi ngủ nào!” - một cậu nhân viên chợt cất tiếng gọi từng chú chó. Lập tức tụi nhỏ bỏ cuộc chơi dở với những người khách mới quen để chạy vào trong nhà, tuần tự chui vào giữa lớp chăn, nệm đã được trải sẵn đợi chúng. Bí này, Bắp này, Chíp Chíp này… Có mấy đứa tính tình như “hoa hậu thân thiện”, có đứa cả buổi chỉ lủi thủi một mình, và có đứa hẵng còn sủa nhặng khi gặp người lạ, nhưng đến cuối ngày, chúng trở về đây, trong háo hức, để nằm kề nhau trên một chiếc đệm ấm và chìm vào giấc ngủ.
Chẳng phải, thứ “xa xỉ” nhất trong cuộc sống, là được khép lại mỗi ngày bằng một giấc ngủ ngon?
Nhìn những đôi mắt đang ngoan ngoãn nhắm nghiền, tôi chợt nhận ra mưu cầu hạnh phúc của lũ chó, lũ trẻ này, cũng chỉ thuần túy như của con người.
Trong lúc thanh toán, tôi hỏi một nhân viên tại sao nhà hàng lại tên là R House. “R” phát âm gần với “our”, nghĩa là “ngôi nhà của chúng ta”, cậu cho biết. Bấy giờ mới nhớ lại câu hỏi trước bữa ăn của mình mà tự thấy ngượng ngùng.
Vậy là nơi này chữa được bệnh tôi của tôi rồi.
Thông tin thêm
- R House là nhà hàng chay, thuần chay & Trạm Nuôi dưỡng Chó cứu hộ. R House Đà Lạt là chi nhánh thứ hai của R House, chi nhánh đầu tiên ở Sài Gòn đã hoạt động được hơn một năm.
- R House là ngôi nhà dành cho những bé chó bị bỏ rơi, là cầu nối giữa những người yêu chó, muốn chữa lành cho những bé chó tội nghiệp cũng như tự chữa lành cho bản thân. Họ có thể nhận nuôi các bé chó, tuy nhiên để nhận nuôi thì sẽ phải qua một quy trình khắt khe để R House đảm bảo người nhận nuôi phù hợp.
- Sáng lập nên R House là nhóm 3 người trẻ đến từ Mỹ, Philippines và Việt Nam. Mỗi người hoạt động trong một lĩnh vực khác nhau, từ nghệ thuật, quảng cáo tới NGO.