Thị trường du lịch nội địa đã phục hồi ấn tượng trong Quý I năm nay, kể từ khi Việt Nam từ bỏ chiến lược Zero Covid-19 để “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Hãy cùng Travellive lắng nghe ý kiến từ chuyên gia - những người quản lý doanh nghiệp và điểm đến du lịch hàng đầu trong nước giải đáp câu hỏi: Khách Việt có chuộng du lịch nội địa trong năm 2022?
Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong tháng 2/2022 khách du lịch nội địa đạt 9,6 triệu lượt khách, ước tăng 380% so với cùng kỳ năm trước. Một vài điểm đến đã có lượng khách tăng đột biến so với kỳ vọng đề ra. Điển hình như Sun World BaDen Mountain đã đón hơn 1 triệu lượt khách trong tháng Giêng, đem về cho ngành du lịch tỉnh Tây Ninh lượng khách vượt xa nhiều điểm đến khác trên cả nước. “Cao điểm nhất là ngày mùng 4 Tết Nguyên Đán, nơi đây đón gần 86 nghìn lượt khách du xuân, tham quan và chiêm bái cầu an”, bà Nguyễn Lâm Nhi Thùy - Giám đốc Sun World BaDen Mountain cho biết.
Theo bà Hoàng Ngọc Mai, Quản lý Bộ phận Marketing The Outbox Company, thực tế du khách Việt Nam đã đi du lịch nội địa trở lại từ thời điểm nửa cuối năm 2021, khi dịch bệnh được kiểm soát. "Bình thường mới" là cơ hội thu hút họ tham gia vào hoạt động tái khám phá những địa điểm trong nước. Trước đây, du khách có thể ưu tiên đi ra nước ngoài, giờ quay lại điểm đến trong nước sẽ có rất nhiều dịch vụ, trải nghiệm mới mẻ khiến họ bất ngờ và thích thú.
Hiện nay, đã vào nửa cuối mùa xuân nhưng sức hút và lượng khách đi du lịch trong nước hầu như vẫn chưa hạ nhiệt, dự báo tiếp tục tăng mạnh mùa hè sắp tới. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch nội địa trong nửa đầu năm 2022. Có thể nhận thấy rằng, sau hai năm bị “kìm chân”, nhu cầu du lịch nội địa của du khách Việt Nam diễn ra quanh năm, không còn khoảng trống quá lớn giữa mùa cao và thấp điểm. Báo cáo về thực trạng ngành du lịch tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2020 (APAC State of Travel) do Google công bố, nhu cầu du lịch tự túc tại Việt Nam hiện nay phục hồi nhanh hơn nhu cầu đi tour du lịch trọn gói, tăng gấp 2 lần so với thời điểm trước đại dịch.
Bà Huỳnh Thị Mai Thy - Giám đốc Traveloka Việt Nam chia sẻ, nền tảng du lịch trực tuyến Traveloka đã nhận được một lượng lớn lượt đặt phòng khách sạn và vé máy bay khi Chính phủ bắt đầu các kế hoạch thích ứng với giai đoạn "bình thường mới". Chỉ riêng thời điểm một tuần trước Tết Nguyên đán, Traveloka triển khai chương trình Flash Sale kéo dài trong 7 ngày nhằm thu hút các lượt đặt vé sớm, và nhận được kết quả đầy ấn tượng khi doanh thu tăng lên đến 80%.
Số lượng vé các chuyến bay đến Phú Quốc, Đà Lạt, Vũng Tàu, Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh được bán qua nền tảng Traveloka cũng đã tăng đáng kể so với dịp Tết Nguyên đán 2021. Các phòng nghỉ khách sạn, khu nghỉ dưỡng từ 4 đến 5 sao tại các điểm du lịch nổi tiếng như Hồ Tràm, Vũng Tàu, Phan Thiết, Phú Quốc... được khách đặt kín phòng. Mức giá cũng tăng lên nhiều so với ngày thường, bà Thy cho biết.
Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng trước đây vốn dành cho phân khúc khách quốc tế cao cấp - như Topas Ecolodge Sapa, Six Senses Côn Đảo hay La Veranda Resort Phú Quốc, nhưng trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú đã điều chỉnh và chuyển hướng sang đón du khách Việt Nam giàu có. Ngoài nghỉ dưỡng, hằng ngày du khách tham gia các hoạt động tập yoga, thể thao trên bãi biển, tiệc tối tại sân khấu ngoài trời,…
Từ hồi cuối năm 2021, khi các chính sách phòng chống dịch Covid-19 đã cởi mở hơn trên phạm vi cả nước, hoạt động du lịch bình thường trở lại kéo theo nhu cầu và hành vi du khách Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Xu hướng du lịch không chạm được cả giới chuyên gia và doanh nghiệp du lịch cho rằng đã và đang bùng phát mạnh mẽ trong năm 2022, thậm chí cho đến khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành.
An toàn vẫn là tiêu chí hàng đầu kể từ thời điểm bùng phát dịch bệnh đến giai đoạn bình thường mới. Du khách quan tâm nhiều hơn đến những địa điểm nghỉ dưỡng biệt lập và mới lạ. Kèm theo an toàn là nhu cầu “tiếp xúc không chạm” tại các sân bay, khu nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí ngày càng gia tăng. “Du khách có thể check-in, thanh toán mà không cần chạm vào bất cứ vật dụng gì, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với nhân viên phục vụ hoặc đồ vật. Điều này giúp du khách cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn vì họ có thể linh động thời gian, không cần phải xếp hàng dài hay tụ tập tại khu vực công cộng vốn đông người qua lại”, bà Hoàng Ngọc Mai - Quản lý Bộ phận Marketing The Outbox Company chia sẻ.
Còn theo bà Huỳnh Thị Mai Thy, Giám đốc Traveloka Việt Nam, việc giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc đám đông khi đi du lịch là xu hướng được quan tâm nhất giai đoạn hiện tại. Tiếp xúc không chạm không chỉ gói gọn là hạn chế tiếp xúc giữa người với người, giữa con người với các vật dụng, bề mặt mà còn là trải nghiệm du lịch với các thiết bị và công nghệ tự động hóa tại điểm đến.
Với Sun World BaDen Mountain, bà Nguyễn Lâm Nhi Thùy - Giám đốc Sun World BaDen Mountain cho biết, việc phân luồng khách đảm bảo không ùn tắc, tiếp xúc đám đông tại khu vực xếp hàng lên các tuyến cáp treo và quần thể chùa Bà là yếu tố bắt buộc. Nơi đây còn mở cửa khu trưng bày nghệ thuật Phật giáo phía dưới tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, sử dụng công nghệ không chạm kết hợp hoạt động tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hoá tại địa phương, nghệ thuật tôn giáo đến du khách.
Tính đến tháng 3/2022, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đạt mức cao trong khu vực châu Á. Theo chuyên gia y tế dự báo, có thể còn ít nhất 1-2 làn sóng dịch bệnh nữa, tuy số ca nhiễm vẫn tăng nhưng triệu chứng sẽ nhẹ và tỷ lệ chuyển nặng thấp, sau đó trở thành bệnh lưu hành, không còn quá lo ngại.
Mặc dù từ ngày 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa hoạt động du lịch quốc tế khiến nhiều người muốn đi ra nước ngoài, song họ lại e ngại việc cách ly, các chính sách mở cửa và phương án xử lý khi mắc Covid-19 trong quá trình đi. Ngoài ra, tình hình căng thẳng giữa Nga-Ukraine và chi phí tour, dịch vụ, chi phí test và cách ly Covid-19 cũng là những mối bận tâm lớn, khiến không ít du khách Việt Nam lựa chọn dời lại kế hoạch đi du lịch nước ngoài sang năm sau.
Ở góc nhìn chuyên gia, bà Hoàng Ngọc Mai, Quản lý Bộ phận Marketing The Outbox Company, cho rằng rào cản lớn nhất là tình hình tài chính của du khách Việt khi ảnh hưởng hai năm kéo dài, vì vậy họ sẽ có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho du lịch và lựa chọn đi trong nước. Đồng thời với việc đi du lịch trong nước, du khách cũng có thể linh động và thành thạo hơn trong việc hoàn huỷ dịch vụ nếu có tình huống, hay trở ngại bất ngờ mang tính khách quan. Do đó, hiện tại du khách Việt Nam chưa thể ồ ạt du lịch ra nước ngoài, sớm nhất cũng phải cuối năm nay, sang đầu năm 2023.
Trong năm nay, Traveloka Việt Nam tập trung vào một số tính năng và chính sách linh hoạt cho thị trường du lịch nội địa, chẳng hạn như: Hủy miễn phí, Thanh toán khi nhận phòng, Phiếu mua hàng khách sạn (Trả ngay, Ở lại sau), Đặt lại lịch bay miễn phí, Hoàn tiền & Đặt lại lịch dễ dàng... Ngoài chương trình Traveloka Clean Accommodation - một chỉ báo dành cho các đối tác lưu trú đã tuân thủ các quy trình vệ sinh theo WHO, du khách còn được cung cấp bộ kit test Covid-19, giúp họ có có thể thực hiện test thuận tiện và liên tục trên nền tảng thông qua thiết bị di động.
Việc “giữ lửa” khách Việt đi du lịch trong nước không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp, mà điểm đến cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng. Theo kế hoạch kích cầu du lịch nội địa tại nhiều địa phương trên cả nước trong năm nay, tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình cùng giảm đến 50% phí tham quan các điểm du lịch nổi tiếng, hay thành phố Đà Nẵng miễn phí tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn và các bảo tàng.
Theo bà Nguyễn Lâm Nhi Thùy - Giám đốc Sun World BaDen Mountain, riêng tỉnh Tây Ninh đã miễn phí vé vào cổng Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, nhằm tiếp tục thu hút lượng lớn du khách đến tham quan và chiêm bái cầu an vào mỗi cuối tuần. Sun World BaDen Mountain cũng hoàn tất mở rộng và đa dạng dịch vụ trên đỉnh núi bằng cảnh quan đặc sắc, nhằm mang tới cho du khách trải nghiệm “đa trong một” hoàn chỉnh, cao cấp và linh động thay đổi hình ảnh mới mẻ liên tục.