Bài: Lam Linh. Ảnh: Long Vũ
Trong ánh hoàng hôn rực đỏ cuối chân trời, những chiếc cọc đơn giản trên biển tạo nên một vẻ đẹp hiếm có. Trên mặt biển xanh trong phẳng lặng, những chiếc cọc được cắm vững trên con đường viền quanh biển tạo nên những điểm câu cá lý tưởng. 4h chiều, những ngư dân của làng chài Galle lại tập trung về vùng biển, chuẩn bị cho buổi câu cá chiều.
Các ngư dân Kathaluwa bắt đầu bơi những sải tay mạnh mẽ, vượt qua những con sóng đánh ầm ào không ngớt về phía đất liền để đến với vị trí của họ. Độ dài của kheo cắm trên biển có chiều cao khoảng 2m. Các ngư dân ngồi trên thanh chéo được gọi là petta gắn liền với một cột thẳng đứng trồng vào rạn san hô. Họ giữ một tay với cà kheo và một tay dùng để cầm cần câu, với hy vọng sẽ bắt được nhiều cá trích hoặc những con cá thu nhỏ. Các chú cá khi bắt được sẽ được cất trong một túi nhựa vốn được buộc quanh thắt lưng của họ hay quanh cây cột.
Câu cá trên cọc kheo là truyền thống lâu đời của khoảng 500 gia đình ngư dân ở phía Tây Nam Sri Lanka, huyện Galle, đặc biệt là xung quanh các thị trấn Kathaluwa và Ahangama. Không rõ truyền thống này được bắt đầu từ khi nào. Theo một số ngư dân lớn tuổi, cách câu cá này được sáng tạo sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Thời điểm đó, người ta câu cá từ những tảng đá nhô ra trên bề mặt đại dương. Người ta đã dùng những thanh sắt còn sót lại trong thời kỳ chiến tranh để làm cọc và trồng chúng vào rạn san hô. Nhưng khi những cột sắt khan hiếm dần, họ đã thay thế sắt bằng những cột gỗ, những cột gỗ mà họ phát hiện ra có đủ độ vững chãi và mạnh mẽ trước những cơn thịnh nộ của biển cả. Từ đó, những cột kheo bằng gỗ được thay thế hoàn toàn cho các cột sắt đã hoen rỉ theo thời gian.
Một cách giải thích khác cho rằng cách thức câu cá độc đáo này phát sinh ban đầu là do ngư dân quá nghèo, không đủ tiền mua tàu đánh bắt cá. Họ đã nghĩ ra cách đánh bắt này và truyền lại từ đời này sang đời khác.
Và một cách giải thích được đánh giá cao về vấn đề môi trường khi ngư dân ở đây thay về câu cá bằng lưới lại ngồi hàng giờ để đánh bắt cá trên kheo. Họ cho rằng câu cá bằng lưới sẽ quấy rầy đàn cá và cá có thể không quay trở lại trong nhiều năm buộc họ phải kiếm ngư trường mới xa hơn. Trong khi những cây kheo đơn giản và ít phô trương trên biển ít quấy rầy cá hơn rất nhiều và cá ở lại trong vùng biển. Vì vậy, những người ngư dân kiên nhẫn chờ đợi trên những chiếc kheo của họ, cho đến khi cá tự mắc lưỡi câu.
Những người ngư dân dành hai buổi mỗi ngày để câu cá và dành hàng giờ trước biển. Với một chiếc cần câu, một chiếc túi đựng cá và vài ba điếu thuốc lá, những ngư dân đầu vấn khăn, để trần hay khoác hờ một tấm áo, chờ đợi cá cắn câu. Những chú cá câu vào buổi chiều đều là cá nhỏ. Đây cũng sẽ là mồi câu cho buổi sáng hôm sau, để câu được những loài cá to hơn. Những chiếc cà kheo cắm vững chãi trên biển mà không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn để ngồi câu trên đó. Sau hàng giờ ngồi câu dưới cái nắng chói chang, những chú cá chiến lợi phẩm câu được có thể đem bán hoặc dùng làm bữa tối cho gia đình. Truyền thống câu cá được truyền từ cha sang con và cùng với nó là các kỹ năng cụ thể của mỗi gia đình đánh cá. Câu cá trên cà kheo là một cách kiếm sống truyền thống của người dân Sri Lanka và mỗi cây cà kheo được xem là một tài sản có ý nghĩa gia truyền.
Cho đến nay, việc câu cá trên kheo trở thành hình ảnh đẹp trên những vùng biển của đất nước Sri Lanka. Ngồi trên những chiếc cà kheo vắt vẻo giữa trời và nước, trong ánh hoàng hôn thẫm đỏ, khuôn mặt của họ cũng sáng bừng một màu đỏ, tia sóng vỗ, những cây dừa cao vút, giống như một bức tranh tĩnh vật tuyệt đẹp của thiên nhiên.
Thông tin thêm: Sau trận sóng thần vào năm 2004, một phần biển Sri Lanka cũng bị ảnh hưởng nặng nề và khắc phục chậm. |