“Ngọn núi ăn thịt người”, nơi những người bước vào không sống quá 4 thập niên

26/04/2025

Giữa lòng dãy Andes hùng vĩ của Bolivia, thành phố Potosí - từng là trung tâm cung ứng bạc lớn nhất thế giới - nay mang một danh xưng vừa kỳ lạ vừa đáng sợ: “Ngọn núi ăn thịt người”. Đây là nơi duy nhất trên thế giới mà bất kỳ ai cũng có thể hợp pháp mua thuốc nổ tại chợ địa phương, một thực tế phản ánh rõ nét cuộc sống gắn liền với khai thác mỏ khắc nghiệt kéo dài hàng thế kỷ tại nơi đây.

Du lịch mạo hiểm giữa lòng mỏ cổ

Trong một hầm mỏ chật hẹp, sáu du khách mặc đồ bảo hộ và đội mũ cứng chen chúc trong không gian chỉ đủ để quỳ gối. Họ theo chân hướng dẫn viên địa phương - người vừa châm ngòi một cây thuốc nổ với chiếc bật lửa dùng một lần, rồi bình tĩnh yêu cầu mọi người lùi lại. “Sắp rồi,” anh nói.

Bài liên quan

Chỉ giây lát sau, một vụ nổ lớn vang lên, tạo ra sóng xung kích mạnh mẽ, cuốn theo bụi mù mịt. Que thuốc nổ vừa phát nổ được mua ngay tại khu chợ Potosí cùng ngày, với giá chỉ 13 Bolivianos (chưa đến 50.000 VND). Đây là trải nghiệm mà nhiều du khách tò mò chọn thử khi đến với thành phố mỏ độc đáo này.

“Với thợ mỏ, thuốc nổ là công cụ thiết yếu nhất”, Jhonny Condori, một hướng dẫn viên mỏ tại Potosí cho biết. “Nếu không biết cách sử dụng, nó sẽ rất nguy hiểm”. Nhưng với những người thợ lành nghề, thuốc nổ giúp đẩy nhanh tiến độ khai thác khoáng sản.

Hệ thống hầm mỏ tại Potosí được khai thác từ hàng trăm năm nay, trải dài như mê cung trong lòng ngọn núi Cerro Rico - "ngọn núi đỏ" đồ sộ sát thành phố. Những người thợ mỏ chạy dọc các đường hầm hẹp, đẩy xe đầy đá vụn trên những đường ray đã sờn cũ - một khung cảnh khiến người ta liên tưởng đến các cảnh phim trong “Indiana Jones” hay trò chơi Mario Kart.

Ngọn núi khoáng sản Cerro Rico, thuộc dãy Andes gần thành phố Potosí, Bolivia

Ngọn núi khoáng sản Cerro Rico, thuộc dãy Andes gần thành phố Potosí, Bolivia

Cái giá của sự giàu có

Cao hơn 4.000 mét so với mực nước biển, Potosí không chỉ là một trong những thành phố cao nhất thế giới, mà còn là nơi từng là biểu tượng của sự giàu có trong thời thuộc địa Tây Ban Nha. Những mái ngói đỏ, tường nhà quét vôi trắng len lỏi giữa các con phố hẹp vẫn còn lưu giữ dấu ấn thời kỳ vàng son ấy.

Truyền thuyết kể rằng năm 1545, một người Andean bản địa tên Diego Gualpa đã vô tình phát hiện ra mỏ bạc tại Cerro Rico. Tin tức về kho báu khổng lồ này nhanh chóng lan rộng. Chỉ vài năm sau, thực dân Tây Ban Nha đã đến và biến nơi đây thành trung tâm khai thác bạc quan trọng nhất của đế chế.

“Potosí phát triển rất nhanh chóng, nhưng đó là một sự phát triển đầy ám ảnh”, giáo sư Kris Lane từ Đại học Tulane (Mỹ), tác giả cuốn “Potosí: Thành phố bạc thay đổi thế giới”, cho biết. “Nó là nơi vô luật, nơi lao động cưỡng bức diễn ra phổ biến”.

“Nó là nơi vô luật, nơi lao động cưỡng bức diễn ra phổ biến”

“Nó là nơi vô luật, nơi lao động cưỡng bức diễn ra phổ biến”

Hệ thống lao động cưỡng ép buộc người bản địa làm việc dưới chế độ gần như nô lệ, cung ứng sản lượng bạc khổng lồ cho hoàng gia Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, nhiều thương nhân giàu có từ khắp nơi đổ về Potosí, xây dựng cơ sở hạ tầng để tận dụng mỏ bạc khổng lồ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nhưng sự phát triển này không đi kèm điều kiện sống tốt hơn. Khi kỹ thuật luyện kim cải tiến, thủy ngân bắt đầu được dùng để tinh luyện bạc - một chất độc thấm vào môi trường, gây ra cái chết cho vô số người. Cerro Rico từ đó có thêm tên gọi mới: “Ngọn núi ăn thịt người”, một biệt danh vẫn còn được thợ mỏ truyền nhau đến tận ngày nay.

Vào cuối thế kỷ 16, dân số Potosí đạt hơn 200.000 người, biến nơi đây trở thành thành phố lớn thứ tư trong thế giới Thiên Chúa giáo thời bấy giờ. Ước tính, Potosí cung ứng tới 60% lượng bạc của thế giới lúc đó, nuôi sống cả đế chế Tây Ban Nha và nhiều triều đại khác.

Tuy nhiên, các mạch bạc dần cạn kiệt. Khi Bolivia giành được độc lập năm 1825, phần lớn tài nguyên đã bị khai thác hết, để lại một Potosí tàn lụi và nghèo khó. Hiện tại, thành phố vẫn còn hoạt động khai thác, nhưng chủ yếu là các khoáng sản rẻ hơn như thiếc và kẽm. Đặc biệt, mạng lưới đường hầm chằng chịt khiến Cerro Rico ngày càng mất ổn định, trở thành một trong những thời điểm nguy hiểm nhất trong lịch sử khai thác tại đây.

Những người thợ mỏ làm việc trong môi trường khắc nghiệt, họ dành cả ngày dài khai thác và vận chuyển khoáng sản bằng các toa xe đẩy dọc theo những đường ray cũ kỹ đã được xây dựng suốt nhiều thế kỷ

Những người thợ mỏ làm việc trong môi trường khắc nghiệt, họ dành cả ngày dài khai thác và vận chuyển khoáng sản bằng các toa xe đẩy dọc theo những đường ray cũ kỹ đã được xây dựng suốt nhiều thế kỷ

Tín ngưỡng trong lòng đất

Mỗi cửa hầm mỏ tại Potosí đều được “canh giữ” bởi một bức tượng có hình dạng quỷ dữ, gọi là “El Tío” (người chú). El Tío thường được tô đỏ, đeo dải ruy băng màu sặc sỡ, và có hình dương vật lớn - biểu tượng của sự sinh sôi và may mắn.

“Chúng tôi rất đa thần, tin vào nhiều vị thần khác nhau”, Condori giải thích. Ngoài việc thờ Chúa - đức tin du nhập từ thời thuộc địa, người bản địa vẫn duy trì tín ngưỡng cổ truyền với Pachamama - Mẹ Đất, nữ thần của người Inca.

Theo giáo sư Lane, El Tío có thể được xem là một “thần nam của thế giới ngầm”, đóng vai trò bảo vệ Pachamama khỏi bị khai thác quá mức. Trong khi đó, hướng dẫn viên Torrez Villapuma lại cho rằng El Tío ban đầu do thực dân tạo ra để hù dọa thợ mỏ bản địa, nhưng ngày nay đã trở thành vị thần mang lại vận may cho họ.

Tại các cửa hầm, người ta thường cúng dường El Tío bằng lá coca, tàn thuốc, bia, rượu mạnh… Du khách cũng tham gia nghi lễ này để cầu mong an toàn và “đào trúng mạch giàu”. Một số người dân địa phương còn hiến tế lạc đà không bướu và bôi máu lên cửa mỏ, như một cách để làm dịu “cơn khát máu” của El Tío.

El Tío, vị thần cai quản thế giới ngầm theo tín ngưỡng địa phương. Các thợ mỏ dâng lên bức tượng những lễ vật như thuốc lá, lá coca và rượu

El Tío, vị thần cai quản thế giới ngầm theo tín ngưỡng địa phương. Các thợ mỏ dâng lên bức tượng những lễ vật như thuốc lá, lá coca và rượu

Sống giữa lằn ranh sinh tử

Tuổi thọ trung bình của thợ mỏ tại Bolivia được cho là chỉ khoảng 40 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do tai nạn lao động và bệnh phổi silic - hậu quả của việc hít phải bụi đá chứa silica trong thời gian dài. “Thực chất, đó là dạng thủy tinh nghiền mịn”, giáo sư Lane mô tả.

Tuy nhiên, vì niềm kiêu hãnh, nhiều thợ mỏ chọn không đeo khẩu trang. “Ở Bolivia, thợ mỏ được xem là những người cứng rắn nhất”, ông nói thêm.

Mặc dù luật quy định độ tuổi lao động tối thiểu là 14, thực tế có nhiều kẽ hở pháp lý cho phép trẻ em làm việc sớm hơn. Một số báo cáo từng ghi nhận trẻ mới 6 tuổi đã làm việc trong các hầm mỏ.

Tuổi thọ trung bình của thợ mỏ tại Bolivia được cho là chỉ khoảng 40 tuổi

Tuổi thọ trung bình của thợ mỏ tại Bolivia được cho là chỉ khoảng 40 tuổi

Song, giữa hiện thực khắc nghiệt, đời sống văn hóa tại Potosí vẫn rực rỡ một cách đáng ngạc nhiên. “Trong không gian tưởng như kinh hoàng ấy, bạn sẽ thấy tình đồng đội, sự sáng tạo... âm nhạc, thơ ca, và cả ánh sáng văn hóa”, Lane nói.

Một minh chứng rõ rệt là lễ hội khai khoáng diễn ra từ tháng 2 đến tháng 3 hằng năm. Trong dịp này, thợ mỏ hóa trang, diễu hành khắp thành phố, uống bia, mang theo tượng El Tío. Phụ nữ địa phương - gọi là Cholitas - diện váy áo cầu kỳ, nhảy múa theo nhạc kèn đồng.

Sau lễ hội, du khách thường quay lại La Paz trên chuyến xe đêm xóc nảy, còn người dân Potosí lại tiếp tục trở về với công việc đầy rủi ro - gắn bó cả đời họ với ngọn núi đã nuốt chửng hàng trăm ngàn sinh mạng suốt hàng thế kỷ qua.

Uông Long - Nguồn: CNN
RELATED ARTICLES