Ngôn tình - Tại sao lại cấm?

03/02/2017

'Chúng ta không hề muốn sự đa dạng. Chúng ta chỉ muốn người khác đồng ý với mình mà thôi!'

Ngày 24/01 vừa qua, báo Tuổi Trẻ loan tin Cục Xuất bản Việt Nam ngừng cấp phép cho các tác phẩm ngôn tình, đam mỹ, đồng thời yêu cầu các nhà xuất bản rà soát lại toàn bộ tác phẩm đã in. Một bộ phận cộng đồng mạng có vẻ hả hê lắm, phen này thì những đứa "sửu nhi", "hủ nữ" mê đắm "soái ca" sẽ sáng con mắt ra!

Việc phân chia ngôi thứ trong làng văn không có gì mới. Trước năm 75, những tác phẩm kiếm hiệp, trinh thám từng bị chê là rẻ tiền, "ba xu", là không đáng cho những bậc thâm nho mó tay vào. Phải đọc văn ông A, ông B mới là người biết thưởng lãm. Ngày nay, truyện ngôn tình cũng bị khinh khi, dè bỉu như truyện chưởng hồi xưa vậy.

Nói thật, mình có thời từng mê kiếm hiệp như điếu đổ, đi săn hết các tác phẩm của Kim Dung, hoặc bản in, hoặc bản điện tử, đọc ngấu đọc nghiến, vui buồn cùng nhân vật. Mình cũng đã từng đọc Bộ Bộ Kinh Tâm, tuy không đánh giá cao các thủ pháp nghệ thuật của tác giả, nhưng vẫn cảm thấy mạch truyện suôn sẻ, xây dựng nhân vật dễ gây cảm mến.

Bây giờ chưa nói đúng sai, mình chỉ xin kể một chuyện tương tự ở bên Tây, để các bạn tự so sánh!

Mình học ngành Truyền thông và Xuất bản hai năm tại Úc, trong khi học có làm thêm tại một nhà xuất bản chuyên cung cấp sách điện tử cho các thư viện trên khắp thế giới. Bên này có một thể loại tương tự với ngôn tình, gọi là Romance Fiction, mà ôi thôi phải nói là sến chảy nước, sến không gì sến hơn.

Mỗi quyển sách Romance chỉ tốn có 10 đồng, hay thậm chí 5 đồng, trong khi một quyển sách văn học bình thường giá phải đến 30-40 đồng đô Úc. Người đọc Romance không cần biết cốt truyện hay dở thế nào, nhân vật thiện ác ra sao, chỉ cần biết kết cục có hậu hay không, cặp đôi chính có đến được với nhau hay không mà thôi.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Mục đích tối hậu của người đọc Romance là muốn tạm quên đi những nỗi lo toan trong cuộc sống hằng ngày, tạm trốn thoát khỏi thực tại trong một hai tiếng đồng hồ. Thế nên những tác giả Romance tha hồ tưởng tượng ra những nhân vật như tỷ phú Hy Lạp, cao bồi sáu múi, bác sĩ điển trai, y tá nóng bỏng, hay "gái một con" tìm kiếm cơ hội thứ hai. Giọng văn của họ nhiều khi ngô nghê đến mức các sinh viên cùng khoá với tôi còn không chịu đựng nổi một chương Romance - và không thể nào nhai hết cả cuốn sách!

Những cuốn sách Romance như thế được bày bán công khai trong các nhà sách, siêu thị, hướng đến lớp người đọc bình dân, không đòi hỏi những thứ cao siêu, phức tạp như truyện Shakespeare hay Victor Hugo. Và điều ít người biết là, chính những quyển sách 5-10 đồng ấy lại chính là nguồn thu lớn cho các nhà xuất bản, để họ có đủ tài lực mà xuất bản thêm những quyển sách văn học khác kén chọn người đọc hơn.

Còn ở nhà xuất bản nơi tôi làm việc, dữ liệu hàng tháng cho thấy những quyển truyện Romance, tức ngôn tình kiểu Tây này, nằm trong top những quyển sách được người đọc mượn về, ngang hàng với những truyện trinh thám, tội phạm, kinh dị.

Tại sao bên Úc lại không cấm những sách này? Họ không sợ lớp trẻ bị tiêm nhiễm những tư tưởng uỷ mị, yếm thế hay sao?

Câu hỏi đúng ra phải là: Tại sao họ phải cấm?

Tôi có học chung với một anh bạn người Úc gốc Singapore Anh này rất hay đọc sách triết, thời giờ rảnh là lại giở The Economist hay các trang báo "high brow" ra nghiền ngẫm. Câu nói tâm đắc nhất của ảnh là, "We don't want diversity. We just want people to agree with us!" (Tạm dịch: Chúng ta không hề muốn sự đa dạng. Chúng ta chỉ muốn người khác đồng ý với mình mà thôi!)

Một mặt các văn nghệ sĩ, các fan hâm mộ và dư luận nói chung, luôn kêu đòi đa dạng, sáng tạo, đổi mới... Thế nhưng mặt khác, những người đó lại mạt sát không tiếc lời những thứ khác biệt với mình, những thứ mà mình nghe không lọt lỗ tai, hay nhìn chướng con mắt.

Những người đọc Romance, những người đọc sách Ngôn Tình, những người đọc truyện Kiếm Hiếp, có thể họ không cảm thụ được những tác phẩm sâu sắc phức tạp như các đại văn hào khác. Nhưng điều đó không khiến họ kém cỏi hơn những người đọc J.K. Rowling hay Dan Brown. Mỗi thể loại sách đều có một đối tượng người đọc riêng, và việc cấm đoán chỉ cho thấy bản thân chúng ta hẹp hòi như thế nào mà thôi.

Đăng Trình

RELATED ARTICLES