Không gian trưng bày "Sắt - Son" được thể hiện qua hai màu sắc chủ đạo xám - đỏ, ứng với hai phần nội dung "Sắt" và "Son". Trong đó, "Sắt" là câu chuyện Hoa nơi ngục lửa giới thiệu tấm gương của 9 nữ chiến sĩ tiêu biểu trong hoàn cảnh lao tù khắc nghiệt, gồm: Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Quang Thái, Võ Thị Sáu, Lê Thị Riêng, Nguyễn Thị Định, Võ Thị Thắng, Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa.
"Sắt" còn là câu chuyện về Lòng vàng, gan sắt - về những người mẹ, người chị, người em dịu dàng, nhỏ nhắn, đã hòa mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi đất nước lâm nguy, chị em hăng hái tham gia đánh giặc bằng "đòn gánh đánh càn" ở miền Bắc, "tầm vông diệt giặc" ở miền Nam… Những đội nữ du kích, tự vệ địa phương, nữ thanh niên xung phong xông pha nơi chiến trường ác liệt, những nữ chiến sĩ chiến đấu thầm lặng nơi đầu não của địch đã góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Ở phần "Son", trưng bày được thể hiện qua hai tiểu mục: Tốt gỗ và Tốt sơn. Trong đó, Tốt gỗ tập trung khắc họa câu chuyện những người phụ nữ "giỏi một nghề, biết nhiều việc", là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Tiếp nối truyền thống đó, phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn nỗ lực vượt qua rào cản về định kiến giới, năng động, sáng tạo, "giỏi việc nước, đảm việc nhà", hăng say cống hiến để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong thời đại mới "tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang".
Còn Tốt sơn là những hình ảnh tôn vinh nét đẹp của phụ nữ Việt Nam trong mọi khía cạnh, mọi hoàn cảnh của cuộc sống trong suốt chiều dài lịch sử. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc đáng giá với những câu chuyện cảm động, nhân văn đằng sau.
Trưng bày "Sắt - Son" ra mắt ngày 20/10/2021 và kéo dài tới hết tháng 5/2022 tại Di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hoàn Kiếm, Hà Nội). BQL Di tích đã công bố chương trình trưng bày trực tuyến với thời lượng 30 phút/tập trên nền tảng Spotify và Apple Podcast, trưng bày trực tiếp sẽ phục vụ khách tham quan vào dịp mở cửa trở lại.