Ngày 22/10/1921, "Chén thuốc độc" đã lần đầu đến với khán giả trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là vở diễn đầu tiên do người Việt viết, đánh dấu sự ra đời chính thức và phát triển của kịch nói Việt Nam. Tác giả Vũ Đình Long, người viết vở kịch được coi là cha đẻ của ngành.
Trước đó tại Việt Nam chỉ tồn tại các loại hình tuồng, chèo và cải lương Nam Bộ (hình thành trên cơ sở đờn ca tài tử). Trong khi các loại hình trên đều xuất phát từ sinh hoạt dân gian, kịch nói lại mang âm hưởng phương Tây. Dù vậy, vở “Chén thuốc độc” của tác giả Vũ Đình Long vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.
Câu chuyện trong vở kịch xoay quanh gia đình thầy Thông Thu - một công chức khá giả. Trước những cám dỗ của xã hội thành thị thực dân, các thành viên trong gia đình ông đều ăn chơi sa đọa, tập trung vào những thú vui riêng mà bỏ qua lễ giáo đạo đức và trách nhiệm gia đình. Bản thân nhân vật chính cũng là một người mê đàn hát, thường xuyên qua lại nơi các nhà thổ.
Khi cuộc sống gia đình bắt đầu rạn nứt, nợ nần khắp nơi, thầy Thông Thu mới tỉnh ngộ, song khi ấy đã muộn. Muốn thoát khỏi cơn túng quẫn, ông quyết định uống chén thuốc độc để tự vẫn. May sao, sau đó một sự việc xảy ra đã kịp thời cứu mạng thầy Thông Thu, giúp ông cảnh tỉnh và có cơ hội làm lại cuộc đời.
Vở diễn tái hiện năm 2021 có NSƯT Bùi Như Lai trên ghế đạo diễn, biên kịch Đỗ Trí Hùng biên tập và sự góp mặt của nhiều diễn viên gạo cội như NSND Lê Khanh, NSND Việt Thắng, NSND Trung Hiếu, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Hoài Thu... Dự kiến, “Chén thuốc độc” sẽ được tái dựng trong tuần lễ kỷ niệm 100 năm nghệ thuật kịch nói Việt Nam, công diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam vào ngày 18/10 và tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 21/10.