Nhớ cải lương một thời vang bóng

23/12/2021

Cải lương là loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam, hình thành trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và dân ca miền Đồng bằng sông Cửu Long, nhạc xưa cổ.

Buổi đầu hình thành và lớn mạnh

Sau đờn ca tài tử, sân khấu cải lương là hoạt động đặc trưng, không thể thiếu ở vùng đất Nam bộ, đặc biệt là đô thị Sài Gòn. Trên nền tảng nghệ thuật Đờn ca tài tử, ca ra bộ đã có trước đó, khi thể loại Tuồng – Hát Bội trở nên chậm chạp so với tốc độ “canh tân hóa” trong mọi mặt của đời sống xã hội vào đầu cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thì sân khấu cải lương ra đời.

Theo đó, cải lương trở thành loại hình nghệ thuật mới, chuyển tiếp từ nền tảng nghệ thuật dân tộc và tiếp thu hình thức thể hiện của kịch cổ điển Pháp du nhập vào Việt Nam. Mục đích vừa để khẳng định giá trị nghệ thuật dân tộc trong lòng công chúng Việt, vừa để thích ứng với nhịp sống, hoàn cảnh kinh tế xã hội lúc bấy giờ. Thời điểm sân khấu cải lương chính thức ra đời được giới chuyên môn đánh dấu bằng cột mốc khai trương nhà hát cải lương đầu tiên của gánh hát Thầy Năm Tú. Nhà hát đặt tại Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

cai luong

Sân khấu cải lương ban đầu được trang trí khá thô sơ, hầu hết các đoàn cải lương thuê rạp chiếu bóng, rạp hát và rạp hát bội với phong cách trang trí đơn sơ, giản lược theo kiểu kịch phương Tây. Nghệ thuật diễn xuất và ca ngâm của nghệ sĩ hầu như chưa hoàn thiện, sự trau chuốt được đúc kết từ nghệ thuật hát bội sẵn có kết hợp cùng lối diễn học từ diễn viên phương Tây trên phim ở rạp chiếu bóng. Dần dần từ kinh nghiệm từ lớp nghệ sĩ đi trước để lại và sự tiến bộ không ngừng từ các thầy soạn tuồng đưa cải lương đến sự hoàn hảo nhất định. Giới doanh nhân, địa chủ, tri thức miền Nam tiên phong đưa cải lương vào phục vụ gây quỹ cho các câu lạc bộ, hội thể thao, hội chợ thu hút được sự quan tâm nồng nhiệt từ số đông khán giả.

Thời hoàng kim hưng thịnh

Từ khoảng thập niên 1930 đến 1960 là thời điểm hoàng kim của bộ môn nghệ thuật cải lương phù hợp với xã hội miền Nam góp phần tạo nên những thay đổi sâu sắc trong đời sống và kinh tế. Nghệ thuật cải lương có nhiều tiến bộ và bén rễ sâu hơn hết miền Nam, giữ chỗ đứng nhất định trong ngành sân khấu Việt Nam. Thời điểm này, sân khấu cải lương đã sản sinh ra nhiều lớp nghệ sỹ tài năng, thành danh khi tuổi đời còn niên thiếu. Những lớp nghệ sĩ tiên phong Phùng Há, Năm Châu, Tư Chơi, Tư Út... cùng thế hệ nối tiếp gồm Thanh Nga, Thanh Sang, Lệ Thủy, Phượng Liên, Út Bạch Lan,... đã góp phần rạng danh sân khấu cải lương và trở thành khuôn thước chuẩn mực cho ngành nghệ thuật này.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Cải lương hút hồn không chỉ khán giả phương Nam, đồng thời lan tỏa mạnh mẽ ra cả nước. Ngay tại nhiều tỉnh, thành lớn phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình,… đều có những đoàn cải lương chuyên nghiệp, diễn đêm nào cũng đông chật khán giả. Riêng tại Sài Gòn - kinh đô của sân khấu cải lương, đã có trên 39 rạp hát cải lương, 20 nơi luyện cổ nhạc cùng các đại bang hùng mạnh.

Còn nhớ, trong thập niên 60-70, những rạp hát liên tục lăng-xê các vở diễn mới. Nhóm soạn giả bao gồm Hà Triều - Hoa Phượng, Nguyễn Phương, Yên Loan, Loan Thảo, Viễn Châu... với sức sáng tác dồi dào, đã đóng góp cho cải lương những kịch bản tuồng đa dạng về màu sắc lẫn chất liệu. Nhiều vở tuồng có thể được xem là kinh điển mãi đến tận nay, như Lan và Điệp, Hoa Mộc Lan, Nghêu – Sò - Ốc - Hến, Tô Ánh Nguyệt, Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Bên cầu dệt lụa, ... Và vẫn gây tiếng vang trong lòng mộ điệu nhiều thế hệ.

Người mộ điệu cải lương thời ấy, cho đến tận bây giờ, dù đi đâu về đâu cũng đau đáu nhớ thời vàng son của sân khấu cải lương. Nhiều gia đình có đến mấy thế hệ theo nghiệp cải lương rất thành công. Dù về sau bộ môn nghệ thuật này lâm vào cảnh khó khăn nhưng họ vẫn không bỏ nghiệp tổ, kiên trì giữ lửa nghề.

Những dấu ấn để lại

Trong một dịp trò chuyện cùng khán giả, NSƯT Thanh Kim Huệ nhắc nhiều đến kỷ niệm về vai diễn Thị Hến trong vở Ngao Sò Ốc Hến. Cô vào vai một cô nàng sắc sảo, có phần lẳng lơ. Đây cũng là vai đào lẳng đầu tiên mà Thanh Kim Huệ đảm nhận. Nữ nghệ sĩ cho biết: “Đầu tiên, vở này không phải vở hài, bác Năm Châu (NSND Năm Châu) chuyển thể từ một vở của Hà Nội là vở chính kịch. Qua tay anh Điền, Thanh Kim Huệ với anh Giang Châu, rồi đến khi diễn mình chuyển nó thành hài cho nó có duyên. Thành ra, có những câu văn là mình thêm, bớt vô. Anh Châu (vai Trùm Sò) thì nghiên cứu giọng khóc, anh Điền (vai Quan huyện) thì có những câu rất là duyên. Bản thân Thanh Kim Huệ mới đầu thấy cái vai này nó khó quá, vì nó tương phản với ở ngoài đời của mình, ở ngoài đời mình đâu có vậy (cười). Nhưng sau mình suy nghĩ phải thể hiện vì vai này thật sự không phải xấu. Cô này là người tốt nhưng bị hại. Thành ra mình phải diễn cho nó ra, vừa lẳng lơ nhưng lại vừa đàng hoàng. Thanh Kim Huệ nghĩ ra cái tay, cái chân phải như thế này, rồi lắc cái mông, rồi giọng nói cho nó ra cái nét của cô ấy. Rất là lẳng lơ nhưng lại rất là đoan chính”.

thk01

Ngày 28/9/2020 (nhằm ngày 12/8 âm lịch - giỗ tổ nghiệp sân khấu), Google đã đổi biểu tượng trang chủ Google tiếng Việt là hình ảnh trình diễn của sân khấu cải lương nhằm tôn vinh bộ môn nghệ thuật sân khấu đặc sắc này. Đến nay, mặc dầu qua thời vàng son, sân khấu cải lương đang đứng trước nguy cơ mai một do mất dần khán giả.

Tại thành phố Hồ Chí Minh – đô thị Sài Gòn, các đoàn chuyên nghiệp vẫn luân phiên trình diễn tại sân khấu Trần Hữu Trang để phục vụ cộng đồng và du khách quốc tế ghé thăm thành phố. Lớp nghệ sĩ kỳ cựu như Bạch Tuyết, Lệ Thuỷ, Kim Cương, Thanh Kim Huệ, Thanh Điền,… dù có tuổi vẫn cố gắng để diễn tròn vai, hát vẹn chữ. Ngân vang giọng ca tình cảm cùng lối diễn duyên dáng. Giới làm nghề sân khấu luôn khơi gợi cho người xem nhớ nhiều về cải lương một thời vang bóng cùng ngọn lửa đam mê trong họ chưa bao giờ tắt.

Hiếu Võ - Nguồn: Tổng hợp, Ảnh:Internet
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES