Những bí ẩn sâu thẳm trong thung lũng Baliem

27/12/2012

Những người đàn ông mang quả bầu và những tập tục kì lạ của thế giới hoang dã trên đảo West Papua New Guinea đã hấp dẫn tôi từ lâu. Hành trình đến thung lũng Baliem như một hành trình đi vào những bí ẩn sâu thẳm nhất của nhân loại.

Nằm lọt trong khu vực núi non hiểm trở của dãy núi Jayawijaya, thung lũng Baliem - trung tâm đảo West Papua New Guinea (hay còn gọi là Iran Jaya) được mệnh danh là thung lũng cổ xưa nhất thế giới với những đầm lầy, rừng rậm và những bộ lạc hoang dã và đó còn là quê hương của nền văn hóa thời kỳ đồ đá hiếm hoi còn sót lại trên Trái Đất.

Baliem - Thung lũng cổ xưa bí ẩn

Trước khi đặt chân lên vùng đất này, tôi tìm hiểu thông tin khá kĩ lưỡng. Báo chí mô tả thung lũng Baliem như một bức tranh ảm đạm của một thiên đường bị lãng quên, một thành lũy cuối cùng của thời kỳ đồ đá còn sót lại, đến những cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc hiếu thắng với tục lệ săn đầu người và ăn thịt người man rợ và còn có cả những tộc người còn chưa một lần được nhắc đến trên bản đồ sinh tồn của loài người. Điều đó khiến tôi càng thêm khao khát tìm đến “cái nôi” chứa đựng những bí ẩn nơi “cùng trời vạn đảo” này.

Thung lũng Baliem đã từng một lần được đặt tên là Shangri La, đồng nghĩa với bất kỳ thiên đường hạ giới nào. Với những tương phản mạnh mẽ về địa hình, Baliem được bao quanh bởi những “vành đai mây” nhờ các ngọn núi có độ cao từ 2.500 đến 3.000 mét. Đỉnh núi cao nhất là đỉnh Puncak Jaya, quanh năm tuyết phủ ở độ cao trên 5.300 mét. Từ trên cao, Baliem chỉ một màu xanh thẫm ngút ngàn của núi rừng với những con sông, con suối cứ thoắt ẩn, thoắt hiện trong những đám mây và dưới những cánh rừng. Không nghi ngờ gì khi người ta gọi vùng rừng rậm nhiệt đới lớn thứ 2 trên thế giới này là Amazon của Châu Á.

Trung tâm của thung lũng Baliem là thị trấn Wamena, đơn vị hành chính duy nhất trong vùng này. Đây là điểm khởi đầu và cũng là điểm kết thúc cho những hành trình khám phá. Thị trấn Wamena có một sân bay cỡ nhỏ, là dấu tích còn lại của người Hà Lan, những người văn minh đầu tiên đặt chân đến vào những năm 50 thế kỉ trước. Không có cách nào khác để đến được nơi đây ngoài đường hàng không. Vì thế, sân bay này cũng là nơi trung chuyển duy nhất và là “cánh cửa” kết nối giữa 2 thế giới văn minh và sơ khai.

Ngay khi đặt chân sang phía bên kia “cánh cửa” giữa 2 thế giới, tôi bị ấn tượng mạnh mẽ về những đôi mắt hoang dại pha lẫn vẻ tò mò lạ lẫm dõi theo từng hoạt động, từng cử chỉ của chúng tôi. Khi đang lúng túng chưa biết nên phản ứng thế nào trước những ánh nhìn ấy, những cái vẫy tay chào, những nụ cười trìu mến của  người thổ dân đầu tiên tôi gặp cho tôi cái cảm giác họ là những con người thân thiện và hồn hậu. Những nụ cười đã xua tan cái cảm giác gờn gợn mà tôi thấy lúc ban đầu giáp mặt.

Trong thế giới của những người đàn ông che quả bầu

Baliem là nơi cu trú của nhiều nhóm thổ dân hoang dã. Những cư dân chiếm đa số là tộc người Dani, Yali, Lani. Họ là những chiến binh của những bộ lạc săn đầu người. Tập tục này mới được bỏ từ những năm 70, 80 thế kỉ XX. Có những bộ tộc khác như người Korowai sống trên cây hay bộ tộc Citak & Mitak mới chỉ phát hiện ra vài chục năm trước đây và còn rất nhiều những khu vực trong thung lũng vẫn hoàn toàn chưa có dấu chân khám phá.

Một ấn tượng mang tính biểu trưng của thổ dân vùng này là “ trang phục” của họ. Đàn ông đầu thường đội mũ lông chim sặc sỡ, mũi xiên nanh lợn, cổ đeo những vòng vỏ ốc, những mảnh xương thú, nanh chó, những túm lông chim đeo quanh cổ. Mỗi khi ra khỏi làng, họ không quên “trang điểm” cho khuôn mặt và cơ thể của mình bằng bồ hóng, đất sét và nhựa cây. Cách phối màu sắc rất nhịp nhàng và bắt mắt. Cách trang trí trên người khiến họ luôn toát lên vẻ uy lực và tôn thêm sức mạnh hình thể. Và thứ “quần áo” che thân duy nhất mà đàn ông “mặc” trên người là quả bầu (penis gourd) để che dương vật, hay còn được gọi theo tiếng thổ dân là koteka.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Người Dani sử dụng loại bầu dài, nhọn, vỏ mỏng. Phía bên trên quả bầu được trang trí bằng một nhúm lông chim hoặc một mảnh da thú. Ngoài mục đích sử dụng koteka để che dương vật, người Lani lại dùng quả bầu có kích thước khá to như một nơi để đựng những thứ riêng tư của mình và thậm chí họ cả đựng cả thực phẩm ở trong đó. Có lần tôi gặp cậu bé người Lani dễ thương trong lễ hội thổ dân, khi tôi vừa kịp đưa cho cậu bé nắm kẹo, cậu bé nhét vội tất cả số kẹo vào trong quả bầu của mình. Vẻ mặt có vẻ yên tâm vì chỗ cất giữ đó như một nơi bất khả xâm phạm. Còn người Yali lại sử dụng Koteka vừa nhỏ, vừa dài, thậm chí đủ dài để nâng đỡ những vòng mây đeo quanh bụng.

Trong khi đó, phụ nữ các bộ lạc đều mặc váy cỏ. Đặc biệt phụ nữ Yali mặc váy phân theo tầng theo lớp, mỗi lớp tương đương với 4 tuổi. Cô nào váy có 4 lớp trở lên là đến tuổi lấy chồng. Những phụ nữ Dani đeo một cái túi tự đan từ sợi cỏ gọi là “noken”, dây túi vắt ngang qua đầu và buông xuống quá lưng, nó như là một phần không thể thiếu trong trang phục của họ vậy. Nhiều năm trước đây, khi xã hội văn minh còn chưa chạm tới nơi này, vỏ ốc, nanh chó và lợn còn là phương tiện có giá trị cao để trao đổi hàng hóa, thậm chí là để đổi lấy vợ.

Những chiến binh thiện chiến và ham mê nhảy múa

Người Dani – những cư dân chính ở đây cũng là những người có những phần đất màu mỡ nhất trong thung lũng đã phải thường xuyên đấu tranh để giữ lãnh thổ của mình. Trước đây, họ nổi tiếng là những chiến binh thiện chiến nhất và là bộ tộc săn đầu người đáng sợ nhất trong thung lũng. Tuy nhiên, họ không ăn thịt kẻ thù của họ, giống như phần lớn các bộ lạc khác ở đây đã làm. Một cuộc chiến tranh khi nổ ra có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Khi hai bên cảm thấy mệt mỏi sẽ đi đến việc ngưng chiến và thoả thuận trao đổi một số thứ  như lợn, gà, nanh chó, vòng ốc, xương thú.. Và hồi kết của việc thỏa hiệp này là cả 2 bên tổ chức nhảy múa hòa giải để trở lại làm bạn của nhau.

Người Dani yêu thiên nhiên, yêu ca hát. Họ thường tụ tập lại thành từng nhóm nhảy múa theo tiếng lĩnh xướng của một người. Quan sát lúc họ nhảy múa mới thấy “máu” ca hát như có sẵn trong huyết quản của họ vậy. Đi đến đâu tôi cũng được đám thanh niên mời gọi vào chung nhịp những bước nhảy cùng họ.

Hơn một nửa thế kỉ kể từ khi thế giới biết đến sự tồn tại của một “thế giới khác”, những cư dân của thung lũng Baliem vẫn sống một cuộc sống như thủa sơ khai của nhân loại. Săn bắn hái lượm, đánh lửa bằng que gỗ, những dụng cụ lao động thô sơ làm từ đá, từ xương thú, với thứ ngôn ngữ, với những tình cảm nguyên sơ bản năng…. Và để tồn tại, những bộ tộc hoang dã nơi đây còn phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sinh tồn trên núi cao, trong rừng sâu, và trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Họ đã sống như thế và sẽ còn như thế. Thế giới của họ tĩnh tại và song song với thế giới bên ngoài kia, thế giới văn minh với những đổi thay không ngừng.

Trên chuyến bay trở lại với “thế giới văn minh”, ngang qua thung lũng cổ xưa, dưới xa kia những vệt rừng xanh núi thẳm còn chứa đựng biết bao nhiêu những điều bí ẩn, tôi chợt nhận ra mình thấm thía hơn những bài học về sự sinh tồn nơi này, về khái niệm hạnh phúc, về sự bình dị, về tình yêu với thiên nhiên, yêu cuộc sống từ những con người còn tựa thủa hồng hoang.

Thông tin thêm

Từ Hà Nội muốn đến được thung lũng Baliem chỉ có lựa chọn duy nhất  là bằng đường hàng không với 24 giờ bay liên tục và 5 chặng bay: Hà Nội – Kulalumpur– Jakatar –Ujung Pandang  – Jayapura  và Wamena.

Thị trấn Wamena là nơi chung chuyển duy nhất bằng đường hàng không để tiếp cận được với thung lũng Baliem. Chi phí ở đây cao gấp 5 lần so với Jakarta bởi tất cả hàng hóa vào được thung lũng đều bằng đường hàng không.

Chi phí tối thiểu để tổ chức một chuyến đi từ 4 đến 5 ngày khoảng 1,700 đô la Mỹ.

Từ năm 2010, điều kiện để vào thung lũng Baliem và tới thăm các bộ lạc ở đây bắt buộc phải thông qua một đơn vị tổ chức du lịch và xin giấy phép của cảnh sát địa phương.

 

RELATED ARTICLES