Mỏ khí Darvaza, Turkmenistan
Mỏ khí Darvaza còn được gọi là "Cánh cửa đến địa ngục", đây là một mỏ khí tự nhiên ở Derweze (Ahal, Turkmenistan). Năm 1971, các nhà địa chất Liên Xô đã khoan vào một túi khí ở đây khiến mặt đất dưới giàn khoan bị sập và tạo thành một hố lớn với đường kính đến 70 m. Để tránh rò rỉ khí gây ngộ độc, người ta quyết định đốt nó, hy vọng lửa sẽ đốt cháy toàn bộ khí trong vài tuần. Tuy nhiên, đám cháy này đã kéo dài từ đó đến nay, tức gần 50 năm, và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Vầng sáng từ đám cháy có thể nhìn thấy rõ vào ban đêm ở nơi cách đó vài km.
Hố Glory hole, Mỹ
Hố The Hole of Glory nằm ở đập Monticello, hồ Berryessa - hồ lớn nhất ở hạt Napa (California, Mỹ). Được xây dựng cách đây hơn 50 năm, hố nhân tạo khổng lồ này có khả năng xả hàng nghìn lít nước trong vài giây. Mặc dù chỉ là chiếc hố để thoát nước nhưng vẻ đẹp của nó đã thu hút rất nhiều du khách đến thăm quan mỗi năm.
Hố Sawmill Sink, Bahamas
Sawmill Sink là một hố sâu màu xanh ở Bahamas, là nơi có giá trị lịch sử to lớn, giúp các nhà khoa học điều tra khảo cổ, tìm hiểu về Trái Đất 1.000 năm trước. Không có một chiếc hố nào trên thế giới có số lượng và chất lượng hóa thạch lớn như Sawmill Sink.
Giếng St. Patrick's, Ý
Giếng St. Patrick's nằm ở Orvieto, Umbria, miền Trung nước Ý. Nó được xây dựng bởi kiến trúc sư Antonio da Sangallo từ năm 1527 đến 1537 theo lệnh của Giáo hoàng Clement VII. Chiếc giếng này được xây dựng rất cầu kỳ với 248 bậc thang, 70 cửa sổ để cung cấp ánh sáng và có độ sâu hơn 13 m. Nó cũng là nguồn cung cấp và vận chuyển nước chủ yếu cho cả khu vực Orvieto.
Hố Great Blue
Nằm ở rạn san hô Belize trên vùng biển Caribbean, hố Great Blue gần như tròn tuyệt đối với đường kính 305 m và chiều sâu 122 m. Chiếc hố được tìm ra bởi người thợ lặn Pháp lừng danh Jacques-Yves Cousteau và dần trở thành địa điểm lặn hấp dẫn cho những nhà thám hiểm mặc dù nơi đây được gọi là "nghĩa trang của các thợ lặn" và "nghĩa địa của sinh vật biển" vì môi trường quá khắc nghiệt, chứa đầy khí hydro sunfua và không có oxi trong nước.
Tháp đảo ngược ở Masons, Bồ Đào Nha
Tháp đảo ngược này nằm trong lâu đài Quinta da Regaleira ở trung tâm thị trấn Sintra, Bồ Đào Nha. Thực chất tháp đảo ngược này là một chiếc giếng sâu 27 m nhưng không có nước mà có một cầu thang xoắn ốc đưa du khách xuống đến tận đáy. Từ miệng giếng nhìn xuống, du khách sẽ có cảm giác như đây là một chiếc tháp lộn ngược. Ngày trước, nơi đây thường diễn ra các nghi lễ thờ cúng linh thiêng và hiện nay là địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng của Bồ Đào Nha.
Động Er Wang Dong, Trung Quốc
Với chiều dài hơn 42.000 m và độ sâu 441 m, động Er Wang Dong lớn đến mức có một hệ thống thời tiết riêng và hệ sinh thái độc lập. Bên trong hang động có các khu rừng với các loài động, thực vật phong phú, không thể tìm thấy tại những nơi khác cùng bầu trời, đám mây mỏng và màn sương vĩnh cửu.
Hố sụt tại thành phố Guatemala, Guatemala
Tháng 6 năm 2010, một hố tử thần đột nhiên xuất hiện tại thành phố Guatemala với đường kính khoảng 20 m. Nhiều người cho rằng nguyên nhân là do hệ thống nước ngầm cũ kĩ của thành phố, các nhà địa chất lại khẳng định do lớp đất phía dưới bị vôi hóa nghiêm trọng nên bị mạch nước ngầm cuốn trôi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định và phần lớn người dân sống gần hố đã chuyển đi nơi khác để đảm bảo an toàn.
Hẻm núi Bingham, Mỹ
Hẻm núi Bingham là một mỏ đồng khai thác lộ thiên ở bang Utah, Mỹ. Nơi này được coi mỏ nhân tạo lớn nhất thế giới với đường kính hơn 4.000 m và sâu gần 1.000 m. Đây cũng là nơi sản xuất nhiều đồng hơn bất kỳ mỏ nào khác trong lịch sử - hơn 19 triệu tấn. Hẻm núi Bingham được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia vào năm 1966.
Hố Xiaozhai Tiankeng, Trung Quốc
Hố Xiaozhai Tiankeng, còn được gọi là Heavenly Pit (hố Thiên đường), nằm ở quận Fengjie, thành phố Trùng Khánh, là hố sâu nhất thế giới với độ sâu hơn 600 m, hình thành cách đây 128.000 năm. Nơi đây đã trở thành điểm đến lý tưởng của những người yêu thích nhảy dù và cũng là một địa điểm du lịch hấp dẫn.
Mỏ Mir, Nga
Mỏ Mir là một trong những nguồn khai thác kim cương lớn nhất ở Mirny (Cộng hòa Sakha, thuộc vùng Siberia, Nga). Mỏ sâu hơn 525 m, đường kính 1.200 m và là hố nhân tạo lớn thứ hai thế giới. Vì thời tiết lạnh giá ở Siberia, việc khai thác kim cương không hề đơn giản, các chuyên gia phải sử dụng những động cơ phản lực để khoan xuyên qua hoặc đặt mìn nhằm nổ đất ra. Đặc biệt, kim cương được khai thác từ mỏ Mir có kích thước và kiểu dáng đồng nhất đến khó tin. Tuy nhiên, vẫn chưa ai giải thích được lý do của hiện tượng này.