Trong năm 2024, khi xu hướng ẩm thực toàn cầu đổ bộ vào Việt Nam với những quán ăn mang phong cách tối giản, công nghệ hay pha trộn "fusion" đầy màu sắc, một làn sóng ẩm thực hoàn toàn khác biệt lại đang âm thầm nổi lên. Đó là sự trỗi dậy của những quán ăn bình dân mang đậm tinh thần văn hóa Việt.
Không cần đến những không gian hào nhoáng, menu cầu kỳ hay những chiêu trò marketing rầm rộ, những quán ăn này nhẹ nhàng chinh phục thực khách bằng chính sự chân thật của mình. Tại đây, mỗi món ăn, mỗi góc nhỏ đều là một câu chuyện, một ký ức về một thời Việt Nam xưa cũ. Trong khi các quán ăn hiện đại đang đua nhau theo đuổi những xu hướng mới, thì những quán ăn truyền thống này lại khẳng định giá trị bền vững của văn hóa ẩm thực Việt.
Quán bún riêu “quý tộc” độc nhất vô nhị ở Hà Nội
Nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ không gian đặc biệt đậm chất "quý tộc", quán bún riêu trên phố Lương Sử C đón lượng khách đông bất ngờ. Không kịp phục vụ, chủ quán đóng cửa 4 ngày để "trốn khách". Từng bán ở vỉa hè, giờ quán "Bún ziu gánh" của cô Yến lại nằm nép mình trong trong con ngõ nhỏ phố Quốc Tử Giám, Hà Nội. Chiếc biển ghi rõ "Bún ziu gánh" nhưng không gian bên trong lại không hề giống một hàng bún riêu bình thường.
Nổi lên như hiện tượng trên các trang mạng xã hội, các hội nhóm trải nghiệm ẩm thực, quán bún riêu này gây ấn tượng với thực khách bởi không gian "quý tộc", với không gian bài trí cổ kính, đồ độc bản được chế tác bởi các nghệ nhân xưa. Chiếc bàn ăn tại quán cũng là bàn chân máy khâu, mặt bàn là gỗ và lớp gạch men. Từng chiếc ống đựng đũa, hũ đựng ớt chưng cũng là gốm sứ loại đẹp. Những món đồ decor cái thì gốm sứ, cái thì gạch nung, chỗ để đàn piano, chỗ lại điểm xuyết những chiếc đồng hồ kiểu cổ.... nhưng mọi thứ lại kết hợp hài hòa đến lạ và quan trọng là mang lại cảm giác rất gần gũi và dễ chịu.
Nói về những món đồ decor trong quán, có bức tranh vẽ tay tuổi đời cả 60 năm, có những món đồ kỷ niệm trong một chuyến đi chơi, hay cũng có đồ được người quen tặng... mỗi thứ dường như chứa đựng một câu chuyện riêng, khiến cho khách đến ăn bỗng dưng muốn ghé lại nhiều lần, không chỉ để thưởng thức bát bún riêu ngon mà còn tìm hiểu về không gian đặc biệt ở đây.
Ghé quán, bạn sẽ có cái cảm giác giống như ăn ở nhà hay như đến nhà người quen ăn cơm. Giữa một không gian đặc biệt như thế, dường như mọi người đều cảm thấy thoải mái. Dù vào giờ cao điểm có phải chờ hơi lâu một chút nhưng chẳng ai muốn to tiếng, chẳng ai nỡ phá vỡ đi cái bầu không khí dễ chịu như vậy.
Ăn bún riêu tại “triển lãm”, khi nghệ thuật len lỏi vào thức ăn bình dân
Bước chân vào Chay Hàng Rào, người ta như lạc vào một không gian nghệ thuật đầy bất ngờ. Khác hẳn với những quán ăn truyền thống, không gian quán được thiết kế như một triển lãm thu nhỏ. Những chiếc bàn gỗ mộc mạc được xếp xen kẽ giữa những chậu cây xanh tươi, những bức tranh tường đầy màu sắc và những vật dụng trang trí độc đáo. Ánh nắng vàng dịu nhẹ xuyên qua những ô cửa sổ nhỏ, tạo nên một không gian ấm cúng và lãng mạn. Cứ ngỡ đang dạo bước trong một gallery nghệ thuật, thực khách lại bất ngờ khi bắt gặp những bát bún riêu thơm lừng đang nghi ngút khói. Sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật và ẩm thực đã tạo nên một trải nghiệm ẩm thực vô cùng thú vị.
Thực đơn của quán gồm rất nhiều món và hoàn toàn là đồ chay, từ bánh cuốn, bánh mì, bún chả hay cơm... Trong đó, món ăn gây ấn tượng cho nhiều thực khách hơn cả có lẽ là bún riêu chay. Theo nhận xét của một vài vị khách, bún riêu chay ở đây ăn khá ngon, giá cũng rất rẻ, chỉ 35k/bát. Tất nhiên, không thể so sánh với một bát bún riêu thông thường nhưng với một món chay thì bún riêu ở đây cũng rất đáng thử.
Quán phở có view "nghệ" nhất Hà Nội gây sốt trên mạng xã hội
Quán Phở Lâm, nằm trên phố Nam Ngư, một con phố nhỏ nhưng lại "chất" không ngờ. Quán phở này từ lâu đã nổi tiếng với hương vị đậm đà, nhưng điều khiến nhiều thực khách phải trầm trồ chính là trải nghiệm ăn phở ở quán. Do không gian quán khá nhỏ vậy nên thực khách thường được gợi ý ngồi ăn phở ở một quán cà phê nhỏ xinh đối diện quán.
Tại đây, thực khách chỉ cần gọi thêm một món đồ uống yêu thích là có thể ngồi thưởng thức phở trong một không gian rất đặc biệt. Không gian hai bên đường phủ đầy những cửa tiệm kiểu cổ, tạo nên một bối cảnh hoàn hảo cho những bức ảnh cực chất. Mỗi góc nhỏ ở đây, từ bàn ghế cũ kỹ đến những bức tường nhuốm màu thời gian, đều có thể biến thành phông nền xuất sắc cho các tín đồ sống ảo.
Thư thái thưởng chè trong không gian đậm nét xưa cũ
Giữa lòng Hà Nội náo nhiệt, quán chè Lộc Tài tại số 76 Hàng Điếu nổi bật như một góc nhỏ bình yên, mang đến cho thực khách trải nghiệm ẩm thực và không gian đậm chất xưa. Với diện tích mặt tiền khiêm tốn, quán dễ bị bỏ qua nếu không để ý, nhưng chỉ cần một cái nhìn thoáng qua, kiến trúc cổ kính cùng tủ chè mái chùa với những món ngọt đầy màu sắc ngay lập tức lôi kéo ánh nhìn của người qua đường.
Bước vào quán, thực khách như được đưa về thời Hà Nội đầu thế kỷ XX. Từng góc nhỏ trong quán đều được trang trí bằng những món đồ cổ được phục dựng và chế tác cẩn thận, tạo nên không gian độc đáo và ấm cúng. Từ những chiếc bát men trắng vẽ lam cho đến các món đồ trang trí cổ kính, đều góp phần tái hiện một Hà Nội xưa đầy chất thơ. Không ít người trẻ tìm đến đây không chỉ để thưởng thức chè mà còn để trải nghiệm không gian xưa cũ này.
Thực đơn của Lộc Tài vẫn giữ nguyên những món chè truyền thống như chè đậu đen, đậu đỏ, cốm xào, dừa nạo, trân châu, hoa bưởi... Dù hiện nay quán đã bổ sung thêm một số món chè mới để phù hợp với thị hiếu hiện đại, nhưng phần lớn khách đến đây đều lựa chọn cho mình những món chè mang hương vị truyền thống Hà Thành. Mỗi bát chè, dù nóng hay lạnh, đều được đựng trong những chiếc bát men trắng vẽ lam, càng làm tăng thêm nét thanh nhã cho món ăn.
Tua ngược ký ức và Hà Nội xưa trên toa tàu thời bao cấp
Toa tàu này nằm ở ngã tư Ngũ Xã - Trúc Bạch, ngay ở vị trí khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình). Là một trong số những toa tàu ở trong khu vực này, toa bao cấp hay còn được gọi là "Tuyến tàu điện số 6 - Toa Bao cấp: Bếp - Chạn - Mâm" có những nét vô cùng đặc biệt.
Kết cấu của toa tàu này gồm 2 tầng. Ở tầng 1, không gian bên ngoài chính là địa điểm "trà đá bao cấp" mà giới trẻ lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây. Vào khoảng thời gian 3h chiều đến 10h tối hàng ngày, nơi đây được bài trí như một quán trà đá thời bao cấp, với những tờ báo giấy được xếp phía sau. Đáng chú ý, xung quanh chiếc bàn là rất nhiều món đồ quen thuộc từ thời bao cấp như những chiếc ấm, siêu, phích hay những lọ đựng quẩy, kẹo dồi, chè lam... đặt trên bàn để bán cho khách đến ngồi trà đá... Tất cả tạo nên cảm giác vô cùng hoài niệm. Đồng thời, "quán trà đá" này cũng tạo nên những góc chụp ảnh "sống ảo" đậm chất xưa mà nhiều bạn trẻ thường tìm kiếm.
Ngoài những món đồ trưng bày, tại đây có bán các món đồ uống gồm trà đá, nhân trần, chè xanh, nước sấu, nước mơ, bột sắn và cá món ăn vặt như kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam. Đây đều là những món khá quen thuộc của hàng quán thời xưa, đưa thực khách "du hành" về thời bao cấp theo cách thật đặc biệt.