AirYatch - du thuyền bay đậu trên sa mạc
Chiếc du thuyền bay được AirYacht chế tạo, một công ty chế tạo tàu bay tại Thụy Sĩ. Thiết kế có phần khoang giống như khách sạn nổi sang trọng. Nó bao gồm một dinh thự ba tầng có sức chứa 12 người và bao gồm không gian bên trong rộng 750 m2.
AirYacht là sản phẩm trí tuệ của Matthieu Ozanne, kỹ sư công nghiệp đã từng nắm giữ hơn 40 bằng sáng chế, kết hợp cùng giám đốc dự án, nhà tư vấn Guillaume Hodde với kiến trúc được thiết kế bởi Darnet Designs.
Du thuyền bay AirYacht có thể đậu trên mặt đất, bay trên không trung, lướt trên mặt nước. Bộ phận bay gồm phần khí cầu bay hoặc tàu bay có thể tháo rời, chạy bằng hệ thống đẩy khí bởi nhiên liệu là khí heli. Mục tiêu dài hạn trong tương lai của công ty là sử dụng hoàn toàn khí hydro thân thiện với môi trường. Khi ở trên mặt nước, du thuyền chạy bằng động cơ điện hoặc bộ phận bay Airship cũng có thể kéo nó theo.
Đặc biệt, bên trong AirYacht có một phòng tập thể dục, một phòng tắm hơi và một hồ bơi, giúp du khách thư giãn trong trường hợp du thuyền hạ cánh xuống sa mạc nóng bức.
Theo Nextweb, chiếc du thuyền hiện có nhiều đơn đặt hàng và công ty dự kiến sẽ bàn giao chiếc du thuyền bay AirYacht đầu tiên vào năm 2026.
Mornach - tàu bay lướt biển siêu tốc
Hawaiian Airlines sẽ sớm triển khai việc sử dụng tàu lượn điện để đưa đón hành khách giữa các hòn đảo. Công ty này đã đầu tư cho REGENT, một start-up chuyên chế tạo các loại tàu bay đặc biệt và trở thành hãng bay đầu tiên sử dụng máy bay chạy điện siêu tốc. Các thiết kế mang tên Monarch hoàn chỉnh dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động thương mại vào năm 2028.
Avi Manis, đại diện truyền thông Hawaiian Airlines chia sẻ hãng này luôn ưu tiên cải tiến giao thông nội địa, đặc biệt là vận chuyển du khách giữa các đảo.
"Từ năm 1929, chúng tôi đã thay thế các tàu hơi nước bằng máy bay. Chúng tôi mong muốn hợp tác với REGENT để khám phá công nghệ và cơ sở hạ tầng cần thiết để thực hiện tầm nhìn của chúng tôi về giao thông nội địa thuận tiện, thoải mái và bền vững với môi trường", Avi Manis nói.
Theo REGENT, các tàu lượn không thải ra khí độc hại. Chúng di chuyển ngay trên mặt nước, thay vì hàng nghìn mét trên không như các máy bay truyền thống. Monarch có tốc độ của máy bay, nhưng với chi phí vận hành của một chiếc thuyền
Hiện tại, các tàu lượn của công ty có thể di chuyển trong quãng đường 288 km với mục tiêu sử dụng "pin thế hệ tiếp theo" để có tầm hoạt động lên tới 800 km.
Zion - Siêu du thuyền "một mắt"
Chiếc du thuyền là thiết kế của Bhushan Powar Design, một công ty chuyên chế tạo các du thuyền hạng sang tại Ấn Độ. Zion dài 110 m, trên thân du thuyền là một tấm kính có hình dạng như con mắt khổng lồ. Du khách có thể ngắm nhìn 360 độ cảnh vật xung quanh. Bhushan Power Design so sánh thấu kính hình con mắt là một lỗ đen vũ trụ.
"Thiết kế của chúng tôi thu hút mọi ánh nhìn bởi sự sang trọng và tiện nghi. Nhìn vào Zion, chúng tôi cảm thấy như bị hút vào đó", công ty thiết kế chia sẻ.
Ngoài ra, Zion sẽ có một bể bơi vô cực đáy kính, cũng như một thang máy bằng kính đi từ boong này sang boong khác. Một tầng lái nóc nơi hành khách có thể nằm dài và ngắm cảnh "trong mọi điều kiện thời tiết" và một sân bay trực thăng dài 12 m đều nằm ở boong trên của tàu, có cấu trúc bằng nhôm.
Có 10 căn phòng sang trọng trên tàu và một phòng khách trên boong chính với ban công sky lounge vận hành bằng điện. Tầng dưới là khu vực tắm biển, phòng tập thể dục và không gian vườn mở có thể được chuyển đổi thành phòng tắm nắng rộng rãi thông qua các sân hiên gấp ở hai bên.