Nỗi ám ảnh của người Trung Quốc với chính sách một con

12/10/2019

Tỉ lệ sinh giảm rõ rệt và dân số già hóa chính là kết quả của chính sách một con - yếu tố góp phần tạo nên những mối đe dọa kinh tế nghiêm trọng trên đất nước tỷ dân.

Khi mà chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ và sự bất định về tương lai ngày một lớn, nhiều cặp vợ chồng đã dồn tất cả tâm sức và tiền bạc vào đứa con duy nhất của mình.

Xiao Kaixi 2 tuổi đang tập đạp xe. Cậu là con trai duy nhất của Zhou.

Xiao Kaixi 2 tuổi đang tập đạp xe. Cậu là con trai duy nhất của Zhou.

Câu chuyện bắt đầu với Liu Fang. Cách đây 9 năm, công việc của cô là đảm bảo rằng tất cả các phụ nữ trong làng sẽ không sinh ra những đứa con không được chính quyền thừa nhận. Nếu các cặp đôi sinh ra con gái hoặc trẻ bị khuyết tật, họ sẽ được trao thêm cơ hội để có con một lần nữa. Với những cặp đã có hai con hoặc có con trai, công việc của Liu là đi phát bao cao su và cảnh báo phụ nữ phải sử dụng vòng tránh thai. Nếu không may có thai lần nữa, Liu sẽ khuyến khích họ nạo phá thai.

Là đại diện của Hiệp hội Phụ nữ toàn Trung Quốc tại Nam Xuyên - một thị trấn với 60.000 người nằm ở ngoại ô thành phố, Liu được tin tưởng giao phó nhiệm vụ kiểm soát dân số ở nơi mình sinh sống. Kết quả công việc của cô được đánh giá dựa trên số lượng trẻ em sinh ra, tiêu chí là càng ít càng tốt.

Tuy nhiên, sau khi Chính phủ Trung Quốc từ bỏ chính sách một con cách đây 3 năm, nhiệm vụ của Liu đã thay đổi từ việc đảm bảo phụ nữ địa phương không sinh quá nhiều con trở thành động viên họ sinh đẻ càng nhiều càng tốt.

Zhou đang chuẩn bị cho con trai Xiao Kaixi tập đi xe đạp.

Zhou đang chuẩn bị cho con trai Xiao Kaixi tập đi xe đạp.

Trong suốt thời gian áp dụng chính sách một con, xuyên suốt đất nước là các khẩu hiệu tuyên truyền mang cùng một thông điệp: "Càng có ít con lại càng nhanh giàu". Và mặc dù được biết đến rộng rãi với cái tên chính sách một con nhưng trên thực tế người ta lại gọi đây là chính sách 1,5 con. Bởi những đứa trẻ thứ hai được sinh ra, tức vi phạm quy đinh của chính sách một con, sẽ không được phép đến học trường công hoặc nhận được các chăm sóc ý tế công cộng. Chúng hầu như không có nhân diện trong xã hội. Cũng chính vì thế, theo thống kê của Ủy ban Sức khỏe thì kể từ năm 1980, đã có khoảng 400 triệu ca nạo phá thai tại Trung Quốc.

Đây chính là hệ quả của những hình thái chấn chỉnh xã hội có phần cực đoan nhằm hạn chế tỉ lệ sinh nở của chính quyền trong suốt 36 năm liền. Đây là một phần của chiến dịch phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống, cho rằng việc hạn chế dân số sẽ giúp tăng thu nhập bình quân đầu người một cách dễ dàng hơn. Ý tưởng này về cơ bản đã đi theo đúng ý đồ của chính quyền khi ngày nay, có khoảng 100 triệu người dưới 40 tuổi được sinh ra trong thời kỳ áp dụng chính sách một con. Thu nhập đã tăng khoảng 200 USD mỗi người vào năm 1980 lên 10.000 USD mỗi người ở thời điểm hiện tại.

Thế nhưng chính sách này đã bị đẩy đến mức thái quá.

Giờ đây, hầu hết tất cả mọi người đều không muốn sinh quá một đứa con. Dân số Trung Quốc được dự đoán sẽ chạm mốc 1,45 tỷ người sớm vào năm 2027 và sau đó sẽ bắt đầu suy giảm trong hàng thập kỷ. Đến năm 2050, có khoảng 1/3 dân số sẽ rơi vào độ tuổi 65, số lượng người trong độ tuổi lao động được dự đoán cũng sẽ sụt giảm. Vậy lực lượng nào sẽ là sức mạnh của nền kinh tế? Ai sẽ chăm lo cho thế hệ người già? Ai sẽ trả thuế cho các căn hộ?

Nếu như trước đây Trung Quốc từng bị chỉ trích bởi những vấn đề liên quan đến bùng nổ, mất kiểm soát dân số thì giờ đây, quốc gia này lại đáng phải đối mặt với vấn đề có quá ít người trẻ.

Nhiều chuyên gia nhận định quốc gia hàng nghìn năm lịch sử này đang bắt đầu phân rã thành những nhóm nhỏ của những cư dân già cỗi và yếu đuối, phần lớn là vì chính sách kiểm soát dân số sai lầm.

Chính quyền Bắc Kinh dường như đã nhận ra điều này và điều chỉnh thành chính sách hai con vào năm 2016. Mặc dù từng tuyên bố việc có một con là nghĩa vụ yêu nước của các cặp đôi, giờ đây họ lại nói rằng những người Trung Quốc chuẩn mực nên có ít nhất hai con.

Zhou Jing cùng chồng và con trai trong căn nhà của họ tại Vũ Hán.

Zhou Jing cùng chồng và con trai trong căn nhà của họ tại Vũ Hán.

Việc sinh con giờ đây không chỉ là vấn đề của riêng mỗi gia đình mà đã trở thành vấn đề của cả quốc gia. Việc không muốn có con giờ đây cũng trở thành một tư tưởng có tính gánh nặng cho toàn bộ xã hội.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Thế nhưng, điều đáng lưu tâm ở đây là những chính sách của Chính phủ lại có tác động rất nhỏ lên vấn đề sinh nở của Trung Quốc hiện đại ngày nay.

Kế hoạch gia tăng dân số quốc gia xác định sẽ có khoảng 20 triệu ca sinh nở trong năm 2018 và mở ra thời kỳ bùng nổ dân số sau khi khép lại chính sách một con. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15,23 triệu ca sinh nở ở Trung Quốc vào năm ngoái, tức ít hơn 2 triệu ca so với năm trước đó.

Và tất cả những điều này đều tác động trực tiếp tới sự suy giảm kinh tế.

Khi Trung Quốc bắt đầu chuyển mình, chi phí sinh hoạt đã gia tăng chóng mặt, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Những người trong độ tuổi 20 ngày nay nhận ra chất lượng cuộc sống của họ tốt hơn rất nhiều so với bố mẹ họ và mong chờ thế hệ con cái của họ cũng sẽ được hưởng những giá trị sống tương tự.

"Chúng tôi đều muốn có đứa thứ hai. Chúng tôi muốn con trai của mình có ai đó để chơi cùng", Zhou Jing, một bà mẹ 29 tuổi ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cho biết.

Zhou tham gia lớp học bơi cùng con trai mình.

Zhou tham gia lớp học bơi cùng con trai mình.

Nhiều bậc phụ huynh dành hẳn 15.000 USD một năm để đưa trẻ mẫu giáo đến các lớp học tiếng Anh, piano, học nhảy, nghệ thuật và thể dục dụng cụ. Và đây mới chỉ là thống kê ở Vũ Hán, chưa phải là Bắc Kinh hay Thượng Hải.

Trái ngược với mong muốn thực sự của bản thân về việc có đứa con thứ hai, vợ chồng Zhou lại vô cùng lo lắng về khía cạnh kinh tế. Hai vợ chồng hiện đang kinh doanh buôn bán áo thun nhưng việc kinh doanh không ổn định.

"Nếu chúng tôi có đứa thứ hai mà chẳng may việc kinh doanh không tốt, chất lượng cuộc sống của con trai tôi sẽ đi xuống và tôi cũng không thể nào mang lại những điều tốt đẹp cho cả hai đứa cùng lúc. Thêm vào đó, việc có hai đứa con cũng sẽ khiến tôi khó khăn hơn khi đi làm".

Đây là một tình trạng phổ biến ở Trung Quốc, nơi mà bố mẹ dồn hết tất thảy những gì tốt đẹp nhất cho đứa con duy nhất của mình.

Wang Feng - nhà xã hội học tại Đại Học Carlifornia ở Irvine cho biết các cặp đôi Trung Quốc hầu như chỉ có một nguyện vọng duy nhất, đó là đứa trẻ của mình được bước lên một bước cao hơn trên nấc thang xã hội hoặc ít nhất là không bị mắc kẹt giữa cuộc đời. Vấn đề ở đây không còn là chuyện nuôi ăn nuôi học nữa mà là chuyện phải thành công và có một cuộc sống tốt hơn.

Zeng Yulin (phải), Zhang Dongyuan cùng con gái 3 tuổi của mình trong một công viên ở Vũ Hán.

Zeng Yulin (phải), Zhang Dongyuan cùng con gái 3 tuổi của mình trong một công viên ở Vũ Hán.

Zeng Ylin, 32 tuổi, thạc sĩ Kinh tế quốc tế, đưa con gái gần 4 tuổi của mình là Yuewei đến lớp học nghệ thuật mỗi ngày và lớp trượt băng hai lần một tuần. Ngoài ra còn có lớp học hát và lớp học chuyên về rèn luyện khả năng nói trước đám đông. Zeng thậm chí còn dạy tiếng Anh cho con gái của cô tại nhà.

"Tôi chỉ hy vọng rằng con gái tôi có thể duy trì thứ bậc và tiêu chuẩn sống của tôi hiện tại", Zeng nói khi đang ngồi trên sàn của thư viện trung tâm. "Nếu con bé có cơ hội, tôi còn mong nó tiến xa hơn nữa".

Chồng của Zeng làm trong lĩnh vực xây dựng thì mong có nhiều con hơn nhưng Zeng lại cho rằng chồng cô không kiếm đủ tiền để có thể thực hiện được điều đó.

Gia đình Zeng cho bồ câu ăn trong công viên.

Gia đình Zeng cho bồ câu ăn trong công viên.

Zhou và Zeng chính là đại diện cho phần lớn những bậc phụ huynh trong xã hội Trung Quốc ngày nay. Trong một cuộc khảo sát vào năm 2017 với các bà mẹ đi làm trên trang zhaopin.com - trang web tìm việc lớn nhất đất nước, chỉ có khoảng 22,5% số người tham gia nói rằng họ muốn có đứa thứ hai. Gần gấp ba con số đó khẳng định họ không hề muốn có nhiều hơn một đứa con.

Nhận ra chính sách mới không hề mang lại những mong muốn hay khao khát có con, các lãnh đạo Trung Quốc đã phải quay trở lại công tác phác thảo, hoạch định chính sách mới.

Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 3 năm nay, đại diện của các tỉnh thành trên khắp đất nước đã tề tựu và bàn luận về vấn đề này. Một đại biểu đề xuất tuổi kết hôn hợp pháp nên giảm xuống 2 năm, tức 20 tuổi đối với nam và 18 tuổi đối với nữ. Một đại diện khác đề xuất gia đình có trẻ thứ hai sẽ được nhận các khoản trợ cấp đặc biệt để hỗ trợ sinh hoạt phí trong khi một đại biểu nữa lại đưa ra ý tưởng thiết lập "Ngày trẻ em Trung Quốc" vào 28/5 hàng năm. Một số khác thậm chí đề xuất việc tăng thuế hoặc phạt những cặp đôi không có con, khiến nhiều phụ nữ bắt đầu e ngại về việc chính sách nạo phá thai sẽ bị cấm.

Chính quyền các tỉnh cũng bắt đầu rục rịch hành động theo cách của mình, cụ thể là Hồ Bắc (bao gồm Vũ Hán và Nam Xuyên), nơi được xem là có những ý tưởng đi đầu trong việc khuyến khích việc sinh nở. Tỉnh đã cho xây dựng hơn 2.500 nhà hộ sinh. Nhiều thành phố khác thì áp dụng chính sách miễn phí chi phí hỗ trợ y tế cho những người sinh con thứ hai, trong khi một số nơi khác sẽ trả khoản tiền thưởng 180 USD cho những gia đình sinh con thứ hai.

Một vài nơi như làng Nam Xuyên, nơi mà Liu làm việc thậm chí còn được miễn chi phí kiểm tra tiền sản và các dịch vụ chăm sóc trong quá trình mang thai.

Thế nhưng, ngay cả những vùng nông thôn cũng đang phải chứng kiến một sự thụt lùi về tỉ lệ sinh trên thực tế. Có khoảng 504 trẻ em được sinh ra tại thị trấn trong năm 2016, sau đó sụt giảm còn 477 trẻ trong năm 2017 và còn chỉ 460 trẻ vào năm ngoái.

Liu thậm chí không thể thuyết phục được Tang Xu - Đảng viên Đảng Cộng sản - sinh thêm đứa thứ hai. Anh Tang cho rằng mặc dù chính quyền đã đưa ra chính sách mới nhưng thực tế là việc có con quá sức tốn kém.

Họ sẽ không có đủ tiền để đưa con cái mình đến các lớp học nghệ thuật, piano hay các lớp học thêm trong khi vẫn phải cố gắng từng ngày để mua nhà cho con trai - người được xem là nối dõi tông đường và sẽ chăm sóc cha mẹ khi họ về già. Còn con gái lớn lên sẽ kết hôn và về nhà chồng. Ý nghĩ về việc phải mua hai căn bất động sản cho con cái mình thực sự là điều không tưởng.

Zhang Yuewei và bố cố bé đang chơi xe điện đụng trong công viên.

Zhang Yuewei và bố cố bé đang chơi xe điện đụng trong công viên.

"Ở Trung Quốc, nếu như không mua nhà cho con trai mình, nó sẽ không lấy được vợ", bà Zhang, người phải lái xe taxi kiếm thêm thu nhập để mua một căn hộ cho con trai đang ở độ tuổi 20 của mình, chia sẻ.

Bà nói thêm một câu tục ngữ quen thuộc của người Trung Quốc trước khi kết thúc câu chuyện: "Có hai đứa con cũng giống như đang tự lột da mình vậy".

Hannah Nguyễn - Nguồn: The South China Morning Post; Ảnh: Yan Cong - The Washington Post
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES