Ở Trạm Tấu, vừa tắm suối khoáng nóng vừa ngắm ruộng bậc thang
Trạm Tấu là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, cách thành phố Yên Bái 110 km về hướng tây tây nam, cách thị xã Nghĩa Lộ 31 km. Trạm Tấu được đánh giá là một “viên ngọc ẩn”, cuốn hút bởi những vẻ đẹp nguyên sơ và nhiều tiềm năng du lịch đang chờ được khám phá. Trạm Tấu có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái nhờ nằm ở khu vực địa hình dốc cao của dãy núi Hoàng Liên Sơn, với độ cao trung bình khoảng 800 m và đỉnh núi cao nhất là 2.985 m so với mực nước biển.
Trạm Tấu còn hút khách bởi khi hậu vùng núi mát mẻ mùa Hè. Mùa Đông giá lạnh với điểm nhấn là những cao điểm du lịch khi nhiệt độ xuống tới 0 độ C, tuyết phủ trắng xóa lấp lánh dưới ánh mặt trời trên núi cao và các tán lá cây…
Điểm dừng chân đầu tiên, chúng tôi chọn Khu suối khoáng thiên nhiên Cường Hải rộng hơn 600 m2 tại bản Lừu, xã Hát Lừu, thị trấn Trạm Tấu. Với giá niêm yết từ 900 nghìn - 4,5 triệu đồng/phòng/đêm, nếu chỉ tắm khoáng nóng mà không lưu lại thì mức giá từ 80.000 - 120.000 đồng/người, song nhóm chúng tôi và những khách du lịch khác tới đây dịp này đều hài lòng. Trước hết bởi cảnh quan lãng mạn với bể tắm nước khoáng ngay bên cạnh những thửa ruộng bậc thang uốn lượn duyên dáng đang trong “mùa vàng” lúa chín. Phòng ốc cũng tạo ấn tượng tốt vì chỉn chu tới từng chi tiết nhỏ theo chất lượng khách sạn 3-4 sao. Đây là điều không phải cơ sở nghỉ dưỡng tư nhân nào ở phía bắc cũng đảm bảo được.
“Không ngờ tại bản làng xa xôi này lại có khu nghỉ dưỡng ‘chất lừ’ như vậy” - du khách Phạm Hải từ Hà Nội chia sẻ. “Tưởng không đẹp mà đẹp không tưởng, nếu gần Hà Nội hơn một chút tôi sẽ cùng gia đình đến đây nhiều hơn” - cô giáo Anh Đào cũng từ Hà Nội tới bình luận. “Lần sau nhà mình đưa cả ông bà tới đây để biết tắm suối khoáng nóng Trạm Tấu ‘phê’ như thế nào” - phượt thủ nhỏ nhất đoàn Sushi, 12 tuổi, nói với bố mẹ…
Off-road trong mưa, “săn” mây vờn đỉnh núi
Đã lên kế hoạch trải nghiệm điểm du lịch leo núi mạo hiểm xã Bản Công ở phía tây Trạm Tấu - nơi có đỉnh Tà Xùa ở độ cao khoảng 1.300 m, nên nhóm chúng tôi không nghỉ qua đêm mà đi tiếp tới Bản Công để hưởng thú cắm trại, ngủ lều trên núi cao chờ “săn” mây đón bình minh.
Đích đến cuối cùng của chúng tôi là bản Cu Vai nằm trên một đỉnh núi cao cũng khoảng 1.300 m thuộc xã Xà Hồ. Hình dáng nên thơ của bản Cu Vai quanh năm bao phủ trong mây đúng như tên gọi theo tiếng Thái, có nghĩa là “dải mây vắt ngang trời”, với hơn 80% trong số 46 hộ dân sinh sống nơi đây là dân tộc H’ Mông.
Tuy chỉ cách trung tâm Trạm Tấu chưa đầy 20 km, chặng đường chinh phục Cu Vai quả thật là còn “ác mộng” hơn cả đường lên bản Công vì chúng tôi đi trong mưa, kinh khủng nhất là đoạn giữa phải chạy xe off-road kiểu “ngoáy cháo”!
Trong khi chờ đoàn xe của mình dìu kéo nhau thoát sa lầy, tôi được cha con một bé trai H’Mông cưỡi “chiến mã” Win ngỏ ý chở lên thăm bản Cu Vai của họ trước. Quả là cũng “phê” không kém khi “chiến mã” Win phi ngoằn ngoèo giữa những rãnh bùn sâu hoắm làm bùn tung lên tận đỉnh đầu, với một bên là vực sâu thăm thẳm!
Rồi cả đoàn cũng đạt được ước ao chinh phục Cu Vai bất chấp mưa rét, cùng nhau thả bộ chừng 10 phút hết con đường duy nhất giữa bản, chụp vài tấm hình check-in xuân sớm vùng cao… Chúng tôi chia tay những người dân mến khách nơi đây, với lời hẹn trở lại Cu Vai vào dịp nắng đẹp khi con đường lên đây được hoàn thành.
Thông tin thêm
Phương tiện di chuyển: Có rất nhiều phương tiện để bạn tiếp cận Trạm Tấu nhưng lý tưởng nhất vẫn là xe máy, ô tô. Từ Hà Nội, bạn có thể đến Trạm Tấu theo cung đường đại lộ Thăng Long, qua Quốc lộ 21 đi Sơn Tây. Sau đó, tiếp tục đi qua đèo Khế, đến huyện Văn Chấn rồi rẽ vào tuyến đường Nghĩa Lộ là đến miền núi Trạm Tấu.
Lưu trú: Những năm gần đây, du lịch Trạm Tấu phát triển mạnh nên dịch vụ lưu trú đều khá đa dạng. Tùy vào lịch trình vi vu của mình mà bạn có thể linh hoạt chọn một số nhà nghỉ, homestay.
Ẩm thực: Xôi ngũ sắc, cá sỉnh Nậm Thia, thịt mắm cơm đỏ, rau dớn, rêu suối, ruốc tôm... đều là những đặc sản bạn nên thử.
Một số điểm đến ở Trạm Tấu:
- Tà Xùa: 1 trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, nằm tại xã Bản Công với độ cao 2.865 m
- Tà Chì Nhù: cao 2.979 m, sở hữu địa hình phức tạp, những khu rừng nguyên sinh xanh thẫm, rừng trúc lùn và cả những rừng cây tầng lá thấp với muôn vàn loài hoa
- Bản Cu Vai: một bản làng người H’mông nằm ở xã Xà Hồ với không gian thiên nhiên yên bình đặc trưng của núi đồi phía bắc, luôn ngập chìm trong mây. Bản hiện có khoảng 50 hộ dân sinh sống, với những căn nhà gỗ mộc, cung đường mòn dẫn đi khắp mọi ngõ hẻm.