Nơi ở của Nữ hoàng
Người ta kể rằng, vào cuối thế kỷ 19, những di dân người Anh lần đầu đến vùng đất ở đảo Nam của New Zealand định cư đã phải thốt lên: “Lẽ ra nơi này phải là nơi ở của Nữ hoàng”. Cái tên Queenstown bắt nguồn từ đấy chứ không phải vì nơi đây có những tòa lâu đài cổ kính như trong điện ảnh hoặc trong tưởng tượng.
Từ Wanaka đến Queenstown, tôi chọn Crown Range - cung đường trên cao với những cảnh quang hùng vĩ. Góc nhìn từ đỉnh đèo sẽ giúp bạn thu vào tầm mắt cả Queenstown thơ mộng, còn tôi ngây người như gã khờ ngắm trộm mối tình đầu. Đó là lúc tiết trời chuyển dần từ thu sang đông, cũng là lúc thiên nhiên khoác trên mình những sắc màu rực rỡ nhất.
Dọc theo triền núi, là rừng cây lá kim và những đồng cỏ vàng rụm bao phủ, tôi tặc lưỡi, đúng là chỉ có mẹ thiên nhiên mới có khả năng hội họa xuất sắc nhường này, khi vung vẩy vô số màu pha trộn giữa vàng, xanh, đỏ, cam vừa tùy hứng lại vừa hài hòa.
Xe vòng vèo rẽ xuống thung lũng và đi về phía bãi đáp trực thăng, tôi cực kì phấn khích với trải nghiệm đầu tiên ở đây: Ngắm toàn cảnh Queenstown từ đỉnh núi tuyết bằng máy bay trực thăng. Tour kéo dài khoảng 30 phút với 20 phút di chuyển lên xuống và 10 phút để du khách được tận hưởng khung cảnh hùng vĩ trên đỉnh núi. Có lên cao mới thấy được sự đồ sộ của hồ Wakatipu – hồ dài nhất ở New Zealand. Tôi nhớ hôm đó là một ngày nắng đẹp, Wakatipu mềm mại uốn lượn ôm lấy những dãy núi tuyết như dải lụa màu xanh biếc và nắng thì cứ nhảy nhót trên vai.
Ẩm thực của giới thượng lưu
Sau chuyến du ngoạn trên không, tôi trở lại trung tâm thành phố và tìm đến tiệm Fergburger để bổ sung năng lượng. Cửa tiệm nằm khá khiêm tốn trên phố Shotover nhưng là nơi được chuyên trang du lịch CNNGo (Mỹ) bình chọn là cửa tiệm hamburger ngon nhất thế giới.
Phải đến 20 phút xếp hàng và thêm 10 phút chờ đợi thì tôi mới được thưởng thức chiếc burger có kích thước khổng lồ. Vỏ bánh nướng giòn còn thơm mùi than, lớp phô mai vàng óng ánh, thịt bò thơm phức và một chút đậm đà của nước sốt đặc trưng, tất cả hòa quyện trong miệng làm tôi như tan chảy. Nơi tuyệt vời nhất để thưởng thức món bánh này chính là ngồi vắt vẻo ở bờ hồ Wakatipu trong buổi chiều tà, khi thành phố sắp lên đèn và những người nghệ sĩ đường phố bắt đầu tấu lên những khúc hoan ca.
Nhắc đến Queenstown, là phải nhắc đến những trang trại nho với công thức làm rượu vang gia truyền. Tôi có thể gợi ý nhà hàng Amisfield Winery & Bistro, nơi sở hữu một trong những trang trại lớn nhất vùng và cũng là nơi được Công tước và Công nương xứ Cambridge đến và thưởng thức rượu vang thượng hạng trong chuyến công du tháng 4/2014. Nhà hàng có cả khu vực trong nhà và ngoài trời, nếu thời tiết không quá lạnh hãy chọn cho mình chiếc bàn gỗ dưới tán cây và nhìn ngắm phong cảnh tuyệt ngay trước mắt. Bên cạnh hương vị rượu vang tuyệt hảo, mỗi món ăn ở đây đều được chế biến từ nguồn thực phẩm địa phương với khiếu thẩm mỹ tinh tế và tập cho thực khách sự kiên nhẫn để thưởng thức. Vì thế, đừng ngạc nhiên nếu một bữa ăn sẽ kéo dài trong khoảng 2 giờ đồng hồ.
Queenstown - nơi thử thách cảm giác
Nếu Queenstown chỉ đẹp dịu dàng thì tôi đã chẳng mê mệt đến thế. Thiên nhiên ban tặng Queenstown nhiều địa hình đặc biệt với những vách đá cheo leo, những hẻm núi sâu hun hút, những dòng sông khúc khủy, nơi đây được mệnh danh là thiên đường phiêu lưu của thế giới khi sáng tạo ra rất nhiều trò chơi mạo hiểm thú vị theo nhiều cấp độ đau tim. Là một người đam mê mạo hiểm, tôi đã không thể bỏ qua việc trải nghiệm càng nhiều càng tốt những thử thách nơi này.
Mở đầu với trò Shotover Jetboat có vẻ nhẹ “đô”: Thử thách tốc độ bằng cano gắn động cơ phản lực Jetboat trên dòng sông Shotover. Du khách sẽ lên thuyền theo nhóm và được trang bị áo khoác chống nước cũng như phao an toàn. Sau màn chào sân là những cú lượn ngay khúc sông êm đềm, ca nô tăng tốc và lao vun vút vào khu vực sông đầy ghềnh đá. Thỉnh thoảng ca nô lại xoay vòng 360 độ hay ngỡ như lao vào vách đá bên cạnh rồi đánh một đường cua tuyệt đẹp qua khúc sông kế tiếp trong vòng 5 giây. Chỉ trong tích tắc nhưng giờ phút đó tim tôi như ngừng đập và không hề dám rời khỏi tay vịn. Tuy nhiên không thể phủ nhận, chỉ cần một lần dám hòa mình vào thứ trò chơi thử thách độ can đảm này, bạn sẽ hiểu được cảm giác sợ hãi nhưng mê đắm là như thế nào. Bạn sẽ cảm thấy “hết sạch năng lượng” sau khoảng 20 phút la hét hết mình trên dòng sông Shotover.
Đến tận bây giờ khi nhớ lại cảm giác đứng ở cầu Kawarau vào buổi sáng hôm đó để chuẩn bị cho Bungy Jumping, trái tim tôi vẫn đập loạn nhịp. Hãy thử tưởng tượng bạn đang đặt chân lên rìa một chiếc cầu không tay vịn, phía dưới là vực sâu thăm thẳm, trái tim đập loạn xạ và tâm trí bạn dường như đã bay đến một xứ sở nào thì đấy chính là cảm giác khi hòa mình vào thế giới của bungy đấy. Rất nhiều người đã đến đây và tham gia trò chơi này như một cách để thử thách chính bản thân mình. Khoảnh khắc cân não nhất chính là giờ phút quyết định: nhảy - hay - không nhảy. Chỉ một bước là cảm giác của bạn hoàn toàn từ đáy vực vọt lên tận đỉnh. Khi bước vào khoảng không, trái tim dường như ngừng đập bỗng tràn trề sinh lực như được giải phóng, cú nhảy lao vút xuống, sau đó lại nảy lên nhiều lần. Bạn sẽ có cảm giác “I can fly – Tôi đang bay” tự do tự tại giữa khung cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên.
Đêm cuối ở Queenstown, tôi tự thưởng cho mình bằng chuyến du ngoạn trên hồ với con tàu Earnslaw huyền thoại. Con tàu hơi nước 105 tuổi ra đời cùng năm với Titanic này được người dân nơi đây trìu mến đặt cho biệt danh là “Tiểu thư hồ Wakatipu”. Sau tiếng còi, tàu nhè nhẹ lướt êm trên mặt nước, xa xa là khung cảnh lung linh của thành phố dưới những ánh đèn rực rỡ. Phía trong khoang tàu, du khách nhộn nhịp với âm nhạc và những cuộc vui như bối cảnh trong bộ phim Mỹ thời 1900. Tôi bước về phía mũi tàu, xuyên qua khoang lái nơi những người thủy thủ đang tất bận bỏ than vào lò và tận hưởng từng cơn gió mơn man, tự dưng lòng buồn man mác như sắp phải xa người yêu từ lúc nào.
Tôi luôn tin rằng mỗi nơi tôi qua, mỗi người tôi gặp đều là một cái duyên, và cái duyên đó đã đưa tôi đến đây. Ngày rời New Zealand, Queenstown đón những bông tuyết đầu tiên báo hiệu thần mùa đông đã đến và tôi biết rằng: Tôi sẽ còn trở lại nơi này để thăm lại vị “nữ hoàng” của lòng tôi.
THÔNG TIN THÊM
- Hành trình: Hàng không là cách duy nhất để bạn từ Việt Nam du lịch đến New Zealand. Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều hãng hàng không có chuyến bay quá cảnh đến New Zealand như: Vietnam Airlines, Jetstar, Qantas, Malaysia Airlines, Singapore Airlines… Đặc biệt, từ 28/6 đến 28/10/2018, du khách có thể bay thẳng từ Sài Gòn đến Auckland bằng Air NewZealand vào thứ 3 và thứ 7.
- Visa: Du khách có thể truy cập vào website của Đại sứ quán New Zealand để biết thêm thông tin chi tiết: www.nzembassy.com.
- Phương tiện:
+ Giao thông ở New Zealand rất thuận lợi và văn minh. Bạn có thể đi lại bằng bất cứ loại phương tiện nào như ô tô, xe máy, xe đạp, xe bus, tàu hỏa... Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn ô tô hoặc xe máy bởi New Zealand có rất nhiều cung đường đẹp, luật giao thông không quá khắt khe.
+ Nếu muốn thuê ô tô tự lái bạn có thể liên hệ với công ty Gorental (http://www.gorentals.co.nz/) chuyên cho thuê các loại xe du lịch từ 4 – 9 chỗ. Mức giá thuê khoảng từ 20 – 90 USD/ngày.
- Lưu trú: Ở New Zealand có rất nhiều hình thức lưu trú cho bạn lựa chọn: nhà trọ (Ký túc xá), farmstay, khách sạn, homestay, cắm trại… Bạn có thể ở theo bất cứ hình thức nào mà bạn thích.
- Ẩm thực: New Zealand có nhiều món ăn đặc trưng bạn chớ nên bỏ qua, đó là các món với thịt mềm, bơ sữa, các loại bánh tráng miệng hải sản, các loại rau quả chín mọng đặc biệt là quả kiwi, rượu vang trắng, muối biển tự nhiên, chocolate, xốt chutney, các loại nước chấm….