Vào những năm cuối thế kỷ 19, chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đã thực hiện chuyến đi thực tế đến một số vùng các dân tộc thiểu số ở miền Bắc. Những đoàn xe do thám đầu tiên được đưa đến tỉnh Lào Cai năm 1898. Đến năm 1903, địa danh Sa Pa bắt đầu xuất hiện trên bản đồ Việt Nam.
Tên gọi Sa Pa xuất phát từ “Sa Pả” trong tiếng H'Mông, phiên âm sang tiếng Pháp thành “Chapa". Từ đó, "Chapa" trở thành cái tên mà thực dân Pháp dùng cho thị trấn cao nguyên này trong suốt thời kỳ đô hộ.
Năm 1917, một trung tâm du lịch được thành lập, mở ra một chương mới rực rỡ cho ngành du lịch địa phương. Khách sạn đầu tiên được khánh thành ở Sa Pa là Hotel du Fansipan (Khách sạn Fansipan), được xây dựng trên trục đường chính. Cùng lúc đó, một số khách sạn khác cũng đang được xây dựng. Năm 1920, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đi vào hoạt động, tạo điều kiện để hàng trăm biệt thự nghỉ dưỡng mọc lên khắp thị trấn. Từ những năm 1980, người Kinh ở các thành phố lớn bắt đầu đổ đến thị trấn miền núi này để kinh doanh nông nghiệp và dịch vụ du lịch.
Dưới đây là những bức ảnh đen trắng được người Pháp chụp cách đây gần một thế kỷ, ghi lại những bước đi đầu tiên trong việc biến Sa Pa từ một nơi lặng lẽ, trở thành một điểm du lịch nhộn nhịp như bây giờ.
Ngay từ khi mới đặt chân đến, người Pháp đã bị ấn tượng bởi vẻ đẹp của Sa Pa. Thời điểm đó, có rất nhiều bài nghiên cứu về Sa Pa, đặc biệt là bài “Khu nghỉ dưỡng” của Hautefeuille trên tạp chí Đông Dương năm 1910 có đoạn viết: “Tôi hoàn toàn bị quyến rũ ngay từ chuyến đi Sa Pa lần đầu tiên. Con đường dẫn đến Sa Pa chạy qua khu vực có phong cảnh tuyệt đẹp. Hai phần ba quãng đường xuyên rừng với vẻ đẹp hiếm thấy… Thung lũng giữa dãy Fansipan và cao nguyên Sa Pa (còn gọi là cao nguyên Lồ Suối Tủng) đẹp như thể thung lũng của dãy Pyrenees ở Tây Ban Nha…”.
Sapa nằm ở điểm nút, trung tâm của các hướng bản làng. Là ngã ba của các con đường từ các bản làng thuộc thung lũng phía Bắc như Tả Giàng Phình, Bản Khoang đổ về các bản phía Nam như Bản Hồ, Suối Thầu, Tả Van, Lao Chải đi lên, vì thế nên Sa Pa thường là nơi họp chợ, giao thương của người dân nơi đây.