“Săn” thú trong công viên quốc gia Yala

25/11/2012

5h30 sáng, chiếc xe jeep kềnh càng chở chúng tôi cùng hai người bạn nước ngoài, bắt đầu chuyến viếng thăm vườn quốc gia lớn nhất vùng đất Srilanka.

Bài và ảnh: Lam Linh

Trời vẫn còn tờ mờ đất khi chúng tôi lên đường. Từ thị trấn nơi chúng tôi nghỉ lại đến cổng công viên phải đi xe mất khoảng nửa tiếng. Tối hôm qua, anh chàng làm việc tại nhà nghỉ đã đưa ra 3 chương trình đi chơi trong công viên quốc gia cho chúng tôi lựa chọn: từ 5h30 đến 10h30, 12h30 và 17h30 chiều. Các bạn làm du lịch tại đây khá chuyên nghiệp, họ hứa nếu chúng tôi chưa nhìn thấy báo hoa mai – loài động vật quý hiếm nhất trong công viên, sẽ tặng miễn phí thêm nửa tiếng đi trong rừng. Cả nhóm chúng tôi chọn chương trình 2, đi từ sáng đến trưa. Còn việc đi sớm như thế này được giải thích là để ngắm được nhiều thú hơn, khi buổi sáng chúng tập trung ra uống nước tại các vùng đầm lầy.

Vùng đất của những “quý cô” báo hoa mai

Trời đã tang tảng sáng, đã có thể nhìn thấy những đàn cò trắng bay rợp trời và những đầm nước hai bên đường. Cổng rừng thực ra chỉ là một cái cổng soát vé đơn giản và khu nhà làm việc, mọi không gian xung quanh đều nối với bên ngoài bìa rừng, một quần thể rộng lớn có diện tích gần 1.000km2. Xe tiến sâu vào trong rừng. Khá xa đã có thể gặp những con trâu nước to tướng, mình đen trũi, đang lội bì bõm, phun nước phì phì qua hai lỗ mũi và cái sừng cong tớn, kiểu cách. Sát mép hồ, một đàn hươu sao đủng đỉnh lại gần, vóc dáng thanh mảnh, quý phái trên những đôi chân dài uyển chuyển và cái đầu ngửng cao. Trong khi đó, đàn lợn lòi lại rụt rè hơn, tìm chỗ xa khuất tận phía bên kia đầm nước, cách xa các loài thú khác, nhất là những con cá sấu với cái mình gồ ghề đang lặng lẽ trườn trên mặt đất ẩm. Xe dừng lại cho đám du khách thỏa thích ngắm nhìn. Tôi giơ máy ảnh lên zoom hết cỡ, cố chụp cho được khung cảnh trọn vẹn của núi rừng. Xa xa, là những cánh rừng bạt ngàn, những dãy núi và những đầm nước vừa được cơn mưa tuần trước đổ đầy.

Xe rời khỏi làn đường lớn, tiến vào con đường nhánh. Nghe nói trong công viên này vẫn còn tập trung khá nhiều các loài động vật hoang dã còn sống sót sau cơn sóng thần khủng khiếp ập vào mảnh đất hình giọt nước này năm 2004. Vì khu rừng quá rộng nên các loài động vật sống tản mát trên nhiều khu vực mà phải đi cả ngày mới hết được. Với kĩ năng của mình, người lái xe nhận ra các con thú nhanh hơn cả chúng tôi dù chục cặp mắt đảo liên hồi tìm tứ phía. Tôi thắc mắc vì không gặp một chú khỉ tinh nghịch nào dù đó là loài động vật vốn dễ thấy nhất trong rừng. Một con vượn bạc má truyền cành trên thân cây giống với cây bao báp Châu Phi, kêu la ầm ĩ khi thấy tiếng xe qua. Người lái xe chỉ cho chúng tôi thấy một chú kỳ nhông khá lớn cũng ngay trên thân cây này. Anh giải thích vì khu rừng quá rộng và phân chia thành nhiều khu vực nên những chú khỉ tinh nghịch sống ở một nhánh khác của khu rừng này. Khá nhiều nai ẩn mình sau những khu rừng rậm rạp mà phải căng mắt bạn mới có thể nhìn thấy. Một đàn voi thu hút hết sự tập trung của tất cả các xe thăm quan trong buổi sáng nay. Những chú voi có vẻ đã quen với việc được du khách ngắm nhìn thích thú nên đủng đỉnh đi qua đường. Tôi rình mãi mới chụp được chú voi con đang lẫm chẫm bước sau lưng mẹ, trong khi cô bạn lại đang tranh thủ chụp chú chim xanh rất đẹp đang dừng lại trên một cành hoa điệp vàng rung rinh.

Một chú thỏ trắng chạy vụt qua đầu xe, theo sau là hai con cáo tinh nhanh. Và trên tảng đá nhô cao khỏi đám cỏ xanh, “nàng” kiêu hãnh vươn thân mình dẻo dai, đôi mắt sáng long lanh dõi theo “bữa sáng” đang chạy vội vàng qua – cô nàng báo gấm xinh đẹp. Loài động vật quý hiếm này chỉ còn 35 con trên toàn khu rừng rộng Yala và không phải du khách nào cũng có thể được tận mắt ngắm vẻ đẹp của loài mèo lớn một cách gần đến thế. Tôi dõi theo từng cử động của con báo hoa mai, quên mất cả giơ máy lên chụp hình. “Rất may mắn!”, anh chàng lái xe cười nói với chúng tôi.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Vùng trời tự do muôn loài chim tung cánh

Trong khu rừng nghe đủ tiếng chim hót véo von. Tôi chỉ nhận ra được tiếng những chú quạ đen, người bạn đồng hành với chúng tôi suốt mấy ngày qua khắp quốc gia này cùng tiếng chim sẻ, chim chìa vôi líu ríu. Hai con đại bàng trắng tuyệt đẹp kiêu hãnh trên ngọn cây đằng xa, tôi đành bằng lòng với việc “ngắm” từ xa. Cò trắng và bồ nông chân xám thì nhiều vô kể. Chim cồng cộc với cái mỏ ngồ ngộ, những đôi chân hạc mảnh khảnh giống với những loài chim ở Việt Nam mà tôi đã gặp. Nhiều nhất có lẽ là những chú công sặc sỡ. Công đực đang mải mê khoe mẽ với con cái, xòe cái đuôi đẹp rực rỡ của mình trước con mắt thích thú của đoàn xe. Một chú công đực cứ một mình lững thững đi trên đường, không chịu nhường cho xe đi qua. Vài chú gà lôi lục tục kiếm ăn, ngẩng đầu lên nhìn đoàn xe rồi lại cặm cụi kiếm mồi. Thi thoảng, lại bắt gặp một chú kỳ nhông to lớn trên cây hay lẫn vào màu đá.

Chúng tôi bắt đầu chơi trò đoán tên các loài chim. Xe đi qua một vùng toàn hoa điệp vàng trước khi tiến sâu vào một khu vực hồ khá rộng. Những chú chim hạc cổ trắng đang lui cui tìm thức ăn, những chú cò lạo Ấn Độ với đôi cánh hồng, đi tốp 2, tốp 3. Cò Á Châu với đôi chân đỏ chót, chim khoắm đầu đen với cái mỏ kỳ lạ và đôi mắt gườm gườm, chim le le nâu giống hệt những con vịt con xấu xí và chim rẽ mỏ to bước dạo thảnh thơi… Các loài chim này đều sống bằng nguồn tôm tép nhỏ và các thủy sản vùng đầm lầy nên tập trung về khu vực này rất đông. 

Tôi để ý đến những chú chim có cái mỏ rất lạ màu đen khá to trên cây. Đó là những chú chim Hornbill, loài chim được liệt trong danh sách bảo tồn của Srilanka. Những chú chim khiến tôi nhầm với loài chim Tucan màu mè. Chim Hornbill mang vóc dáng khá lớn với cái mỏ lạ, di chuyển nhẹ nhàng trên các tán cây và sống bằng hoa quả chín. Chúng chọn những thân cây to lớn làm tổ và có thể dễ dàng phân biệt là con đực hay con cái nhờ vào đôi mắt có quầng đen.

Gần trưa, xe lăn bánh trở về. Những chú chim xanh xinh đẹp bay đuổi theo xe chúng tôi ra đến tận cửa rừng. Xe vượt qua những vùng đầm lầy ngập nước, xa xa, những cánh cò thấp thoáng cuối chân trời.

Thông tin thêm:

Công viên quốc gia Yala nằm ở phía Đông Nam của Sri Lanka có diện tích 1.000km2 là khu vực sống của nhiều loài động vật quý hiếm như báo, gấu, hươu, cá sấu và chim công. Nằm ngay cạnh là công viên quốc gia Bundala, nơi lưu trú chủ yếu của các loài chim.

Từ sân bay đến rừng quốc gia Yala, bạn có thể chọn 2 phương cách: Đi dọc biển vòng quanh đảo hoặc đi xuyên con đường rừng. Thời gian khoảng 16 – 18 tiếng đồng hồ.

Srilanka không phải là một nước phát triển mạnh về du lịch. Các dịch vụ vẫn còn hạn chế, khách sạn từ 3 sao trở lên mới có nước nóng lạnh và điều hòa.

Người thích du lịch văn hóa có thể tìm hiểu các phế tích - di sản của một nền văn hóa lâu đời. Sri Lanka có một khu vực gọi là “Tam giác văn hóa” gồm 3 thành phố cổ Polonnaruwa, Anuradhapura và Kandy. Polonnaruwa là trung tâm của “Tam giác văn hóa”, cách Thủ đô Colombo 216km về phía Tây-Bắc.

Để thuận tiện cho một chuyến tham quan rừng hoang dã, bạn nên đến thị trấn gần công viên ngủ đêm và đi vào sáng sớm hôm sau. Thị trấn Katarahama có các phòng giá từ 5 – 7USD/người. Giá thuê xe jeep là 45 USD/1 nhóm 6 – 8 người. Giá vào cửa công viên 30 USD/ người.

Khí hậu: Thời tiết mát mẻ quanh năm. Vùng đồng bằng có nhiệt độ trung bình 27oC, vùng đồi núi mát mẻ hơn với 14oC.

 Tiền tệ: Đồng Rupi (tỉ giá 100 Rupi = 1 USD)

Ẩm thực: Chế độ ăn hàng ngày gồm gạo và carry, pittu (gạo rang trộn với nước dừa tươi, sau đó được nấu trong ống tre). Với những người khó ăn, nên mang theo mì tôm và các loại thực phẩm khô.

Quà mang về: Đừng quên những hộp chè hảo hạng vì Srilanka là một trong những nhà sản xuất chè lớn nhất thế giới. Ngoài ra, những chiếc mặt nạ màu sắc dân gian cũng là những món quà không thể thiếu trong túi xách của bạn.

 

RELATED ARTICLES