Sushi qua bàn tay của đệ tử “nghệ nhân sushi"

08/11/2021

Từ lâu, cả thế giới biết đến sushi như một món quốc thực của đất nước mặt trời mọc. Với chúng ta - những người không được nuôi dưỡng trong cái nôi hình thành của món ăn này, sushi có lẽ chỉ là một biểu tượng ẩm thực. Vậy qua đôi bàn tay của một người đầu bếp đã mang văn hoá Nhật đến Mỹ, nghệ thuật và vẻ đẹp của sushi đươc thể hiện như thế nào?

Sushi đã có lịch sử từ thời cổ đại, khi quá trình canh tác lúa có mặt ở Nhật Bản từ 2.000 năm trước. Ban đầu, sushi chỉ là cách người dân thành phố Nara bảo quản cá bằng gạo lên men. Đến thời kỳ Muromachi, người Nhật bắt đầu đầu ăn cơm cùng với cá. Sang thời kỳ Edo, giấm được dùng để thay thế gạo lên men. Ngày nay, sushi đã trở thành một hình thức chế biến món ăn quen thuộc, gắn chặt với văn hoá ẩm thực Nhật Bản.

Theo thời gian, có không ít đầu bếp và người yêu ẩm thực đóng góp vào quá trình lưu giữ, truyền thừa sushi. Dù ở lại Nhật Bản hay lựa chọn mang sushi đến những đất nước khác, họ cũng đều có một sứ mệnh, một niềm đam mê về sushi. Một đầu bếp như thế - Daisuke Nakazawa, chính là người đầu tiên mang omakase sushi đến thành phố Aspen của nước Mỹ.

5

Daisuke Nakazawa sinh năm 1979 tại Nhật Bản, hiện là bếp trưởng của chuỗi nhà hàng Sushi Nakazawa tại thành phố New York, Washington D.C. và Aspen - một trong những thương hiệu nhà hàng sushi nổi tiếng nhất Hoa Kỳ. Nakazawa từng học việc tại nhà hàng Sukiyabashi Jiro trứ danh ở thủ đô Tokyo, và cũng là đệ tử của bếp trưởng sushi huyền thoại Jiro Ono trong suốt một thập kỷ. Ông từng xuất hiện trong bộ phim Nghệ nhân Sushi (Jiro Dreams of Sushi) - một bộ phim tài liệu năm 2011 của đạo diễn David Gelb, kể về câu chuyện của người thầy Jiro với sứ mệnh tiếp tục truyền giữ văn hoá sushi.

Nhà hàng Sushi Nakazawa

Nhà hàng Sushi Nakazawa

Năm 19 tuổi, Daisuke Nakazawa bị sa thải khỏi công việc đầu bếp sushi đầu tiên vì đánh bạc và nghiện rượu. Sau đó, ông đổi sang nhiều nghề khác, từng phải thức khuya dậy sớm tại khu chợ cá Tsukiji ở Tokyo trước khi tới nhà hàng Sukiyabashi Jiro học việc.

Ông nhớ lại, việc luyện tập rèn giũa ở nhà hàng này thực sự rất gian khổ và đòi hỏi các đầu bếp trẻ phải nỗ lực hết mình. Ban đầu, thợ học việc không được đụng vào cá mà chỉ được làm việc vặt ở nhà hàng trong 4 tháng và phải mất 5 năm mới thực sự được phép đứng ở quầy bar, phục vụ sushi cho khách hàng. Nakazawa còn phải làm món trứng cuộn tamagoyaki 200 lần mới đạt yêu cầu của thầy Jiro Ono. Nhưng cũng chính từ những ngày gian khổ luyện tập, ông đã tìm thấy niềm đam mê cháy bỏng với một trong những món ăn cầu kỳ và hoàn mỹ nhất hành tinh.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Đầu bếp Daisuke Nakazawa và miếng tamago sushi

Đầu bếp Daisuke Nakazawa và miếng tamago sushi

"Sushi thực chất không phải là món ăn hoàn hảo tuyệt đối. Cá có thể không phải là loại thượng hạng, tất nhiên thì nó cũng rất ngon. Nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải sử dụng toàn bộ sự nỗ lực của mình để "đối xử" với nó, để tạo nên món ăn không tì vết" - Daisuke Nakazawa từng nói vậy. Với ông, kỹ năng là điều quyết định món sushi đã đạt tới "cảnh giới" hoàn hảo hay chưa. Và đôi khi, thực khách đến nhà hàng không chỉ thưởng thức món ăn mà còn để chiêm ngưỡng tài nghệ biểu diễn của người đầu bếp.

Hiện nay, dù là chủ điều hành chuỗi nhà hàng sushi lớn, hàng ngày Nakazawa vẫn đạp xe vào khu chợ cá để tìm kiếm nguyên liệu. Cũng chính vì vậy, thực đơn sẽ thay đổi hàng ngày, tùy vào chất lượng món ăn, vị đầu bếp tìm được và sẽ từ chối phục vụ một số món nếu hôm đó loại nguyên liệu không tươi như ý muốn. Nhà hàng nhận được rất nhiều lời khen tặng của thực khách và nhiều tờ báo lớn, trong đó có New York Times và Washington Post. Mặc dù năm ngoái, Sushi Nakazawa từng bị tước một sao Michelin (hiện là nhà hàng 3 sao), nhưng đây vẫn được đánh giá là nhà hàng sushi ngon nhất nằm ngoài lãnh thổ Nhật Bản.

Một góc nhà hàng Sushi Nakazawa

Một góc nhà hàng Sushi Nakazawa

BuzzFeed, một trang tin tức, truyền thông và giải trí trực tuyến có trụ sở tại New York (Mỹ) đã phỏng vấn Daisuke Nakazawa và nghe ông chia sẻ suy nghĩ của mình về nghệ thuật làm sushi, về con đường mang sushi từ Nhật Bản đến Hoa Kỳ.

Trong đoạn video dài 2 phút rưỡi, Nakazawa nói:

"Sushi ở Mỹ và sushi của tôi là hai món ăn khác nhau. Khi tôi bắt đầu học việc tại Sukiyabashi Jiro, nhà hàng cũng đã được biết đến rộng rãi, nhưng chưa nổi tiếng như bây giờ. Ba năm đầu tiên, tôi không hề nghĩ rằng sushi sẽ trở thành cuộc sống của mình. Nhưng rồi mỗi ngày qua đi, tôi nhận ra rằng đây sẽ là nghề kiếm sống của bản thân. Tôi bắt đầu yêu thích công việc này, và từ đó trở đi, nó thực sự trở thành cuộc sống của tôi.

Nhưng trong quá trình học việc, tôi đã tự hỏi rằng ở lại Tokyo có phải là lựa chọn tốt nhất. Không hề nói quá khi nói rằng mọi thứ đã thay đổi. Tôi tìm thấy bản thân mình khi đến New York. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có nhiều khách hàng như vậy.

Tôi muốn món sushi mình làm có thể tạo ra một khoảnh khắc, khi thực khách phải thốt lên ngạc nhiên khi đưa miếng sushi vào miệng. Tôi luôn kiếm tìm khoảnh khắc đó, từng ngày”.

6

Hãy cùng chiêm ngưỡng nghệ thuật và vẻ đẹp của sushi qua bàn tay của đầu bếp Nhật Bản Daisuke Nakazawa.

An - Ảnh: Internet
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES