Từ đại dịch, Nhật Bản học cách biến bia "ế" thành rượu gin

19/10/2021

Mọi thời điểm khó khăn vẫn luôn là thách thức và cả cơ hội. Tại Nhật, khi doanh số bán bia sụt giảm nghiêm trọng vì dịch bệnh, các nhà máy bia thủ công đã tìm ra giải pháp biến lượng bia "ế" thành rượu gin. Không những cứu lấy ngành bar-nhà hàng, giải pháp này còn mở ra cơ hội sản xuất đồ uống một cách bền vững cho thị trường rượu bia ở Nhật.

Sứ mệnh "giải cứu bia"

2020 vốn là một năm trọng đại với đất nước Nhật Bản. Vì Thế Vận hội Olympic được tổ chức tại Tokyo, đảo quốc Mặt trời mọc đã dự kiến sẽ chào đón khoảng 40 triệu du khách. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mùa Thế vận hội bị hoãn đến tận sau một năm mới tổ chức. Như một lẽ tất yếu, nền kinh tế của đất nước này bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo tờ Bloomberg, số lượng các quán bar và nhà hàng kinh doanh giảm sút đáng kể đã khiến doanh số bán bia tại Nhật Bản giảm 26% trong nửa đầu năm 2020. Isamu Yoneda, Trưởng bộ phận Chưng cất tại nhà máy sản xuất đồ uống thủ công Kiuchi Brewery, cho biết đây là một vấn đề lớn đối với các nhà máy bia nhỏ. Vì lượng khách hàng thưa thớt và các đơn hàng xuất khẩu bị huỷ bỏ, Kiuchi Brewery chỉ còn hàng tồn là một đống bia phế phẩm.

Công ty phải tìm ra một giải pháp nào đó - và họ quyết định biến số lượng bia không bán được thành một loại đồ uống có cồn khác.

Nhà hàng kiêm quán bar Tonkatsu Tonki vắng bóng khách trong thời điểm đại dịch (Ảnh: Dan Buyanovsky)

Nhà hàng kiêm quán bar Tonkatsu Tonki vắng bóng khách trong thời điểm đại dịch (Ảnh: Dan Buyanovsky)

Tháng 4 năm 2020, Kiuchi Brewery đã phát động chiến dịch Giải cứu bia (Save Beer Spirits) tại xưởng chưng cất đặt ở thành phố Tokyo, mang đến cho các quán bar và nhà máy bia địa phương một cơ hội để biến số lượng bia "ế" thành rượu gin. Điều đó cũng có nghĩa là: biến một loại đồ uống chỉ có thời hạn sử dụng từ 4 đến 6 tháng, thành một thức uống khác không có hạn sử dụng.

Một chai bia thủ công của hãng Kiuchi Brewery (Ảnh: Internet)

Một chai bia thủ công của hãng Kiuchi Brewery (Ảnh: Internet)

từ bia thủ công đến rượu gin

Vào năm 1994, Nhật Bản nới lỏng những quy định nghiêm ngặt trong sản xuất bia quy mô nhỏ, dẫn đến sự bùng nổ của ngành bia thủ công. Mặc dù tổng doanh số bán bia của cả nước vẫn trì trệ trong suốt thập kỷ qua, nhưng đến năm 2016, thị phần của ngành bia thủ công đã tăng lên gấp ba lần so với 0,5% thị phần vào năm 2007.

Kiuchi Brewery được thành lập vào năm 1823, ban đầu vốn là một nhà sản xuất rượu sake. Sau khi bộ luật về ngành bia được điều chỉnh, công ty này là một trong số nhiều nhà sản xuất đồ uống tham gia vào lĩnh vực bia thủ công, và đến nay đã sản xuất thương hiệu bia Hitachino Nest độc quyền trong suốt 25 năm.

Theo Yoneda, phương pháp biến bia thành rượu mạnh không phải là một phát minh mới. Nhà máy Kiuchi đã dùng bia để làm rượu mận trong nhiều năm, và cũng đã từng thử nghiệm làm rượu gin.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Nhân viên tại xưởng chưng cất của Kuichi Brewery (Ảnh: Sadamu Saito)

Nhân viên tại xưởng chưng cất của Kuichi Brewery (Ảnh: Sadamu Saito)

Hầu hết các loại rượu gin đều được làm từ ngũ cốc như đại mạch, lúa mạch đen hoặc lúa mì, chúng được nghiền nát rồi ngâm đến khi lên men, và được chưng cất thành một loại rượu "trung tính" có nồng độ cao. Thành phẩm sau đó được chưng cất lần thứ hai với quả bách xù và các loại thực vật khác để tăng thêm hương vị. Trong quá trình này, bia sẽ được sử dụng để thay thế công đoạn chế biến rượu trung tính nói trên, bỏ qua quá trình nghiền và lên men ngũ cốc, chuyển thẳng sang công đoạn chưng cất cuối cùng.

"Kiuchi Brewery đã đề nghị các quán bar gửi tối thiểu 20 lít bia cho nhà máy, số này sẽ được gửi lại dưới dạng rượu gin" - Yoneda chia sẻ.

Trung bình mỗi 100 lít bia sản xuất được 8 lít gin, số rượu gin này sẽ được gửi đi bằng những chai gin có dung tích 750 ml thường thấy, hoặc dưới dạng gin cocktail sủi bọt đựng trong lon hoặc trong thùng để phục vụ thực khách muốn uống trực tiếp từ vòi.

Yoneda cho biết, dùng bia để làm rượu gin sẽ có vị đắng, nhưng ngoài quả bách xù, Kiuchi Brewery còn sử dụng hoa tiêu Nhật Bản, chanh và cam Nhật giúp "cân bằng vị đắng" bằng "hương cam quýt".

Các bình chứa lớn được sử dụng để chưng cất bia thủ công thành rượu gin tại xưởng chưng cất của Kiuchi Brewery ở Ishioka, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản (Ảnh: Sadamu Saito)

Các bình chứa lớn được sử dụng để chưng cất bia thủ công thành rượu gin tại xưởng chưng cất của Kiuchi Brewery ở Ishioka, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản (Ảnh: Sadamu Saito)

vì Một thị trường bền vững

Trong chiến dịch Giải cứu bia, các quán bar chỉ cần trả chi phí giao hàng, nhà máy Kiuchi sẽ giúp chưng cất miễn phí. "Trong thời điểm khó khăn này, chúng tôi có trách nhiệm cung cấp dịch vụ cho tất cả mọi người. Quan trọng nhất, chúng tôi muốn giữ cho các nhà máy bia và những quán bar tồn tại" - Yoneda nói.

Kiuchi Brewery không phải nhà sản xuất duy nhất dùng bia để làm rượu gin. Công ty The Ethical Spirits & Co. được thành lập vào tháng 2 năm 2020 với mục đích giúp các xưởng chưng cất rượu sake biến số lượng sake tồn đọng thành những loại rượu mạnh khác. Chikara Ono, người đồng sáng lập của công ty cho biết, khi đại dịch bùng phát và doanh số bán bia giảm mạnh, The Ethical Spirits & Co. đã bắt đầu tìm kiếm các công thức mới để sản xuất rượu gin từ bia.

Tháng 5/202, công ty này nhận được một khoản tài trợ 20.000 lít bia Budweiser sắp hết hạn sử dụng từ gã khổng lồ AB InBev - hãng này cũng đang dư thừa một lượng lớn đồ uống do doanh số bán bia giảm mạnh. Từ số bia tài trợ đó, công ty của Ono đã sản xuất được 4.500 chai rượu gin.

6
Revive gin được làm bằng bia Budweiser, có hương vị của vỏ chanh, gỗ sồi, quế và san'ontō (một loại đường ngọt, sẫm màu) - Ảnh: The Ethical Spirits & Co.

Revive gin được làm bằng bia Budweiser, có hương vị của vỏ chanh, gỗ sồi, quế và san'ontō (một loại đường ngọt, sẫm màu) - Ảnh: The Ethical Spirits & Co.

Takahiro Shimada, Trưởng bộ phận Marketing của AB InBev Nhật Bản cho biết: "Lúc ấy chúng tôi gặp vấn đề về số hàng tồn kho dư thừa, còn Ethical Spirits thì có kiến thức và động lực đúng đắn để tạo ra một sản phẩm mới mà chúng tôi nghĩ là sẽ mang lại những tác động tích cực. Điều này cũng mang đến hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương".

Giữa năm 2020, The Ethical Spirits & Co. vẫn đang trong quá trình xây dựng xưởng chưng cất ở Tokyo. Tháng 12, nhà máy chính thức khai trương và hợp tác với bên sản xuất rượu sake Gekkeikan để chưng cất bia Budweiser. Từ đó, hàng loạt những sáng kiến và công thức mới để sản xuất rượu gin từ bia được khai thác và nhanh chóng trở thành một thị trường mới nổi ở Nhật Bản.

Công ty Beam Suntory đã mua lại nhà sản xuất rượu gin thủ công của Anh là Sipsmith vào năm 2016 và ra mắt Roku - loại rượu gin thủ công đầu tiên của Nhật Bản vào năm 2017 (Ảnh: Beam Suntory)

Công ty Beam Suntory đã mua lại nhà sản xuất rượu gin thủ công của Anh là Sipsmith vào năm 2016 và ra mắt Roku - loại rượu gin thủ công đầu tiên của Nhật Bản vào năm 2017 (Ảnh: Beam Suntory)

Nhà máy chuyên chưng cất rượu gin đầu tiên của Nhật Bản dù mới được Công ty Beam Suntory khai trương cách đây 5 năm ở Kyoto, nhưng ước tính thị trường rượu gin đã có trị giá lên đến 209 triệu USD và dự kiến sẽ tăng 4,4% mỗi năm trong vòng ba năm tiếp theo. Các công ty đồ uống lớn, trong đó bao gồm cả công ty sản xuất rượu whisky nổi tiếng tại Nhật là Suntory và Nikka, đã giúp đưa rượu gin thủ công của Nhật Bản ra thị trường quốc tế.

Theo Ono, xu hướng uống rượu ở Nhật hiện nay đang là gin soda và cocktail đóng hộp, điều này tạo cơ hội cho các nhà sản xuất rượu bia có thể tái sử dụng lượng đồ uống dư thừa một cách bền vững. "Nếu có thể dùng các nguyên liệu tồn kho hoặc không bán được để tạo ra thứ gì đó đặc biệt và cao cấp hơn, thì thật tuyệt vời. Điều đó rất phù hợp với nỗ lực hướng tới một nền kinh tế ổn định và bền vững của chúng tôi" - ông nói.

An - Nguồn: CNN
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES