Hai ngày qua, trên mạng xã hội Facebook nhiều tài khoản chia sẻ lại bài đăng ngày 2.1 của một tài khoản có tên Kugan Pillai, đến từ Singapore. Theo bài đăng trên trang Facebook cá nhân, anh Kugan Pillai vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội về Singapore ngày 2.1. Khi qua khu vực cửa khẩu sân bay Nội Bài để làm thủ tục xuất cảnh, một nhân viên an ninh đã để lại lời nhắn trên vé máy bay của anh bằng chữ viết tay có nội dung: "tip" (tiền boa, tiền cho thêm). Khi đó, nhân viên xuất cảnh đang giữ hộ chiếu của Kugan Pillai. Vị khách này đã hỏi nhân viên an ninh cửa khẩu rằng "để làm gì?" nhưng "anh ấy cứ chỉ vào những gì anh ấy viết".
"Tôi không biết phải làm gì hoặc nhờ ai giúp đỡ và tôi cũng đang gấp rút chuẩn bị cho chuyến bay của mình. Cuối cùng, tôi đã nhượng bộ anh ta bằng cách đưa 500.000 đồng. Tôi biết điều này có thể là bình thường ở các quốc gia như vậy nhưng tôi cảm thấy rằng mình có thể đã bị bắt lại, như kiểu nếu không đưa tiền, hộ chiếu của tôi sẽ không được chấp nhận." - Kugan Pillai chia sẻ trên bài đăng. Đáng chú ý, Kugan Pillai cho biết anh đã thông báo cho Bộ Ngoại giao Singapore về sự việc.
Liên hệ với Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, đại diện đơn vị này cho biết đã nắm sự việc. Tuy nhiên, mọi quy trình thuộc khâu kiểm tra an ninh khu vực xuất nhập cảnh do lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh (thuộc Bộ Công an) chịu trách nhiệm, Cảng không có quyền can thiệp nên hiện Cảng Nội Bài đã chuyển thông tin cho cơ quan trực tiếp quản lý tiếp nhận và xử lý.
Lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết đơn vị đã tạm đình chỉ cán bộ cửa khẩu Nội Bài liên quan để xác minh làm rõ thông tin bị tố vòi tiền tip. Cũng theo đơn vị này, động thái trên diễn ra sau khi Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận được báo cáo của Công an cửa khẩu Nội Bài. Ngay sau đó, cơ quan này có chỉ đạo quyết liệt nhằm xác minh làm rõ, xử lý nghiêm minh theo quy định của ngành và của pháp luật.
Đề cập nội dung tường trình của cán bộ công an vừa bị đình chỉ, đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho hay sự việc đang trong giai đoạn xác minh nên chưa cung cấp thêm thông tin. Song, lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh cam kết sẽ xử lý nghiêm cán bộ nếu có sai phạm.
Tiêu cực ở sân bay - vấn đề không mới
Bên dưới bài đăng của Kugan Pillai có rất nhiều bình luận đã kể lại tình huống tương tự khi bị hải quan "làm tiền" của họ.
Mai Phương (25 tuổi), một du học sinh chia sẻ: "Mình du học tại Nhật đã được hơn 5 năm, đã về nước 2 lần, và đều gặp khó khăn từ phía hải quan. Lần đầu tiên, mình về thì được chỉ dẫn là phải kẹp một ít tiền vào hộ chiếu để mọi chuyện được êm xuôi hơn. Mình đã làm như thế nhưng vì chỉ kẹp vài đồng tiền lẻ (loại 1 USD) nên một hải quan bảo mình phải ra phía sau xếp hàng lại. Sau đó, tôi kẹp 5 USD thì mọi chuyện diễn ra tốt đẹp."
Đối tượng thường bị hải quan "làm tiền" khác đó là kiều bào Việt Nam. Ông Trần Minh (45 tuổi) là người Việt Nam sinh sống tại Mỹ chia sẻ với Travellive: "Cũng như mọi người Việt Nam ở nước ngoài, tôi có thói quen là đem nhiều quà biếu bà con, họ hàng. Đó chính là lý do khiến tôi bị hải quan "xin tiền tip". Tôi khai vào tờ khai hàng hóa đem vào Việt Nam một cặp loa và ampli trị giá dưới 300 USD. Nhân viên hải quan bảo đóng thuế, và mở cuốn sổ dày với hàng nghìn chữ bên trong lật đi lật lại tìm xem trang nào quy định mức thuế cho hàng hóa của tôi. Anh ta cứ loay hoay khoảng 5 phút, suy nghĩ thoáng một loáng tôi biết anh ta muốn gì. Tôi bỏ một tờ 20 USD vào giữa cuốn sổ, thì anh ta ngồi xuống và nói: "Được rồi, đi đi". Điều này giống như là anh ta vừa tha thứ cho một kẻ làm điều xấu vậy. Tôi đưa tiền là vì chuyến bay đã trễ gần 2 tiếng và người thân của tôi đang đợi ở bên ngoài. Về đến Mỹ, mỗi lần nghĩ lại tôi cảm thấy buồn là tại sao ở Việt Nam lại có trình trạng như thế kéo dài, và không biết chừng nào mới có thể chấm dứt."
Có thể thấy tình trạng tiêu cực tại sân bay là một vấn đề đã tồn tại từ rất lâu những vẫn chưa có biện pháp, chế tài đủ mạnh và kiến nghị giải quyết để hạn chế những việc gây nhũng nhiễu này.