Thăm Đế đô Vijaya xưa

30/10/2012

Nếu lần này không trở lại Quy Nhơn, thành phố chính của vùng đất từng là đế đô của Vương quốc Chămpa xưa, chắc chắn tôi vẫn luôn nghĩ rằng Quy Nhơn là một thành phố buồn, nơi ít khách du lịch và thường chỉ là điểm dừng chân của du khách trước khi đến những điểm được cho là hấp dẫn hơn ở vùng duyên hải miền Trung.

Bài: Bình Khê. Ảnh: Đào Tiến Đạt – Bình Khê

Tôi đến Quy Nhơn vào những ngày giữa hè, nhịp sống êm đềm, chậm rãi ở đây mang lại một cảm giác thư giãn dễ chịu khiến tôi nhanh chóng quên đi không khí ồn ào, náo nhiệt của Sài Gòn mà tôi đã quá quen thuộc mỗi ngày.

Tôi chọn nghỉ tại một resort ở gần bãi tắm Hoàng Hậu, khu vực có nhiều ghềnh đá tuyệt đẹp, nơi vào khoảng những thập niên đầu thế kỷ trước bà hoàng hậu Nam Phương, vợ Vua Bảo Đại, từng chọn làm bãi tắm riêng cho mình vào mỗi dịp đến đây nghỉ dưỡng. Leo lên những ghềnh đá để ngắm một bên là biển một bên là thành phố, tôi tưởng tượng Quy Nhơn giống như một con tàu khổng lồ đang neo đậu bên bờ biển đón đợi những đợt sóng vỗ từ khơi xa.  

Hôm nay, nắng đã quay trở lại thành phố sau ngày mưa bất thường vào hôm trước như báo hiệu một kết quả lạc quan cho những dự định của tôi trong chuyến du lịch này. Nhân viên của resort nói rằng tôi có thể thuê xe máy ở đây (25.000VND mỗi giờ và 150.000VND mỗi ngày) tuy nhiên tôi may mắn được một nhà báo địa phương tình nguyện làm người dẫn đường, đã sẵn sàng với một chiếc xe máy.

Đầu tiên, chúng tôi ghé bước sang khu du lịch Ghềnh Ráng nằm gần khu resort. Tương truyền, từ xa xưa những ngư dân địa phương xem hòn đảo này như một tiêu mốc để định hướng đi. Dọc con đường đất uốn lượn theo triền núi, chúng tôi thỏa sức chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc kỳ dị mà tạo hóa đã tạo ra cho Ghềnh Ráng. Cảnh đẹp nên thơ của Ghềnh Ráng từ lâu đã là ngưồn cảm hứng của thi ca và sau này nó được chọn làm nơi yên nghỉ của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Chính Ghềnh Ráng đã gợi hứng để thi sĩ viết nên những áng thơ bất hủ để lại cho đời. Hàn Mặc Tử qua đời khi còn quá trẻ, lúc ông mới vừa 28 tuổi. Ðể thỏa nguyện mong ước của thi sĩ lúc sinh thời, năm 1969, gia đình và thân hữu đã đưa thi hài Hàn Mặc Tử về an táng ở đây. Ngôi mộ được xây trên một gò cao, lưng tựa vào núi, mặt quay ra biển, là nơi hễ ai yêu thi ca dù chỉ một lần đặt chân đến Ghềnh Ráng cũng đều ghé thăm.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Hành trình khám phá vùng đất võ – thi của chúng tôi tiếp tục khi đến xem bộ sưu tập gốm Gò Sành, dòng gốm do người Chăm làm ra từ nhiều thế kỷ trước tại vùng đất xưa kia là kinh đô Vijaya của Vương quốc Chăm, nay là một phần của tỉnh Bình Định. Nguyễn Vĩnh Hảo, chủ nhân bộ sưu tập, giới thiệu những bức tượng thần trong tín ngưỡng Hindu giáo của người Chăm được làm bằng đất nung mà anh cho là điểm độc đáo nhất của dòng gốm Gò Sành.

Vẻ đẹp kì bí toát lên từ những bức tượng đất nung của Hảo đã gợi cảm hứng cho chúng tôi khởi đầu cuộc hành trình đi tìm những dấu tích trên vùng đất phế đô của Vương quốc Chăm, từng tồn tại trong lịch sử từ khoảng thế kỷ 10 đến 15. Tháp Chăm là một trong những di tích độc đáo còn sót lại đến tận ngày nay. Chúng tôi đến thăm Tháp Đôi, cách trung tâm thành phố chỉ 2 km. Hai ngọn tháp đứng song đôi, một cao 20m và một cao 18m được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 12, hiện ra lừng lững trước mắt tôi. Đã được trùng tu lại nên vẻ đẹp nguyên thuỷ của nó bị tổn thương rất nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi đã bỏ lại phía sau nỗi thất vọng này khi đi thêm chưa đầy 18km nữa để đến Tháp Bánh Ít, một quần thể gồm 4 tháp còn tương đối nguyên vẹn nằm trên một đồi cao lộng gió, nơi mang lại cho bạn cảm xúc hoài cổ bởi sự rêu phong cổ kính trên mỗi viên gạch và vẻ thâm nghiêm, u buồn của nó.

“Đế đô Vijaya xưa vẫn còn rất nhiều di tích hùng vĩ, tráng lệ như vậy nhưng đã bị tàn phá qua thời gian và chiến tranh”, người bạn đồng hành của tôi nói. Cô là một phóng viên tự do, đã viết nhiều về những di tích Chăm trên quê hương mình bằng tất cả niềm tự hào và trắc ẩn để lôi cuốn du khách đến đây. Tuy nhiên, theo cô chính quyền và người dân địa phương vẫn còn nhiều điều phải làm để đạt được mục đích đó. Bởi vì các di tích Chăm tại địa phương trước đây từng nhận được sự bảo vệ bằng những lời kêu gọi suông hơn là hành động thực tiễn khiến cho chúng bị xuống cấp trầm trọng trước khi nhận được sự can thiệp muộn màng.

Cô đã chứng minh điều đó khi đưa tôi đến thăm tháp Cánh Tiên, nằm gần Thành Nội của kinh thành Vijaya xưa, giờ đã khoác “bộ cánh” mới bên cạnh nền tảng cũ. Tôi đứng nhìn từ xa và mặc sức tưởng tượng về dáng vẻ thanh thoát của nó, ngôi cổ tháp từng được cho là đẹp tuyệt trần bởi dáng dấp trông giống những cánh chim đang sải cánh bay lên trời xanh. Tôi chạnh lòng trước sự biến đổi của ngôi tháp này nhưng dù sao nó vẫn còn may mắn hơn những anh em khác mà theo sử liệu ghi nhận có đến vài chục ngôi tháp như vậy vào thời kỳ hoàng kim của Vương quốc Chăm thời Vijaya nay đã bị phá hủy hoàn toàn.

Từ tháp Cánh Tiên, khoảng sau vài phút xe máy, chúng tôi đến một di tích nổi tiếng khác của phế đô Vijaya, khu Thành Nội, xưa kia từng là cung điện nguy nga, tráng lệ của những hoàng đế Chăm. Bây giờ nó chỉ còn lại trơ trọi những bức tường đá, bên trong là một cái hồ cảnh mới được khai quật cách đây ít lâu. Khoảng 100m phía trước cổng thành là tượng hai con voi đá trông sống động như thật mà theo đoán định của các chuyên gia chúng được tạc vào khoảng thế kỷ thứ 12. Người bạn đồng hành của tôi nói từ đây nếu đi khoảng 10km nữa là đến di tích những lò nung gốm Gò Sành, nơi phát tích những đồ gốm cổ của người Chăm mà chúng tôi đã có dịp nhìn thấy. Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi đã quyết định chỉ đi thêm 2km nữa để đến thăm hai bức tượng môn thần (thần giữ cửa) bằng đá sa thạch được thợ điêu khắc Chăm tạc vào thế kỷ 11 tại một ngôi chùa nhỏ có tên Nhạn Sơn Tự.

Chuyến hành hương về vùng đất phế đô Vijaya sẽ thiếu sót nếu tôi không đến thăm những làng võ vì nơi này nổi tiếng là cái nôi võ thuật của cả nước. Vào những năm cuối thế kỷ 18, ba anh em nhà Tây Sơn đã lãnh đạo phong trào khởi nghĩa giúp vua Lê đánh tan 29 vạn quân Thanh ở phía Bắc và 5 vạn quân Xiêm (Thái Lan) ở phía Nam. Tài thao lược của Nguyễn Huệ, vị anh hùng xuất chúng nhất trong ba anh em Tây Sơn, đã khiến cho những vị tướng giỏi của các nước láng giềng phải kinh sợ. 18 ban võ nghệ có từ thời Tây Sơn được lưu truyền trong các làng võ Bình Định đến tận ngày nay.

Tôi tưởng tượng mình đang sống lại trong hào khí một thời đã qua của miền đất võ khi đến các ngôi làng Đập Đá, An Thái, Bình Nghi, một vài trong số rất nhiều làng võ ở Bình Định, tận mắt thưởng thức những bài võ cổ truyền do những lão võ sư ở đó biểu diễn. Tôi đến gặp, trò chuyện cùng võ sư Lý Xuân Hỷ, 70 tuổi, và thưởng thức bài quyền “Miêu tẩy diện”, mô phỏng theo thế mèo, được coi là tuyệt chiêu của ông. Sau đó, tôi đến thăm lão võ sư Phan Thọ, 86 tuổi, người từng hạ con heo rừng trên 150kg vào năm ông đã ngoài 40 tuổi. Ông là lão võ sư hiếm hoi ở Bình Định còn thực tập đầy đủ 18 ban võ của tiền nhân. Tôi tiếp tục đến thăm võ sư Trương Văn Vịnh, 76 tuổi, vì bị thôi thúc bởi nỗi hiếu kỳ muốn được tận mắt xem bài quyền “Ngọc Trản Thần Công”, được cho là do Nguyễn Huệ sáng tạo ra, mà khi nhìn ông biểu diễn tôi có thể cảm nhận được cái hùng của hổ, nét uốn lượn của dáng rồng bay và nhịp điệu uyển chuyển của lá rơi. Cuối cùng, tôi còn được học một vài thế võ từ các lão võ sư đáng kính mà tôi vừa mới làm quen.

Mỗi ngày tôi đều trở về nơi nghỉ của mình vào lúc mọi người sắp sửa đi ngủ. Nhân viên resort nói rằng tôi là một trong những vị khách hiếm hoi đến đây để hưởng thụ những tiện nghi 5 sao chỉ trong khoảng thời gian hạn chế. Tôi nói rằng mình có quá ít thời gian để thực hiện những điều đã dự định cho chuyến đi. Tôi tự nhủ sẽ có ngày quay lại đây để khám phá hết những di tích của phế đô Vijaya. Và tôi tin rằng trong tương lai mảnh đất nhiều trầm tích văn hóa này sẽ không còn là thành phố buồn.

Thông tin thêm:

+ Những điểm nổi bật khác mà du khách nên ghé thăm khi đến thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận thuộc tỉnh Bình Định:

  • Hầm Hô: Thắng cảnh thuộc huyện Tây Sơn, cách Quy Nhơn 45km về phía tây; đây là cả một khúc sông dài gần 3km, hai bên bờ là những khối đá trập trùng, chỗ dựng đứng như thành quách, nơi chồng chất lên nhau, lại có đoạn đá nhọn lởm chởm như những thanh gươm dựng đứng, phong cảnh vô cùng kỳ thú.
  • Bảo tàng Quang Trung: thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, cách Quy Nhơn 42km về hướng tây. Nơi đây trưng bày cả hàng ngàn hiện vật có liên quan đến phong trào khởi nghĩa nông dân và ba Vua Tây Sơn hồi cuối thế kỷ 18. Ở đây có chương trình biểu diễn nhạc võ, trống trận Tây Sơn vô cùng độc đáo.
  • Hồ Núi Một: nằm ở phía tây nam tỉnh Bình Định, trên địa phận hai huyện An Nhơn và Vân Canh. Hồ có diện tích mặt nước rộng đến 12 km2 với dung tích chứa 110 triệu m3 nước này là nguồn nước tưới cho hàng ngàn ha đất canh tác ở nhiều địa phương. Đến đây, du khách tận hưởng cảm giác bình yên, thư giãn tuyệt vời khi lênh đênh giữa hồ nước mênh mông, cảnh quan rừng núi hai bên đẹp như tranh vẽ.
  • Địa chỉ văn hóa ngay tại thành phố Quy Nhơn mà bạn nên đến: Bảo tàng tư nhân gốm Chăm Gò Sành – 173 Lê Hồng Phong, Quy Nhơn

+ Đặc sản: Nên mua nem chợ Huyện, rượu Bầu Đá về làm quà, cả hai đều là “thương hiệu” ẩm thực của đất võ

+ Đi lại: Hiện nay hãng hàng không Air Mekong đã mở tuyến bay hằng ngày HCM đi Quy Nhơn và ngược lại. Giờ bay: xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh lúc 8 giờ 40, xuất phát từ sân bay Phù Cát, Bình Định lúc 10 giờ 15, thời gian bay là 1 giờ.

RELATED ARTICLES