Bước vào Père Lachaise trong một buổi sáng se lạnh, du khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh ai đó dừng chân bên phần mộ của họa sĩ Théodore Géricault - nơi có bức tượng bằng đồng mô phỏng lại tác phẩm nổi tiếng “Le Radeau de la Méduse” (Chiếc bè của Medusa) đặt bên cạnh bia mộ. Đây là một trong những biểu tượng thể hiện cách mà nghệ thuật và ký ức vẫn tiếp tục tồn tại sau cái chết bên trong nghĩa trang đặc biệt này.
Nằm ở quận 20 của thủ đô Paris, nghĩa trang Père Lachaise được xem là một trong những điểm đến đặc biệt của thành phố này. Với diện tích khoảng 44 hecta (440.000 m²), nơi đây không chỉ là nơi yên nghỉ của hơn một triệu người, mà còn được ví như “kho lưu trữ” sống động của lịch sử, nghệ thuật và văn hóa Pháp. Từ các tên tuổi trong giới âm nhạc, hội họa, văn chương đến những câu chuyện tình yêu, bi kịch và truyền thuyết đô thị, Père Lachaise từ lâu đã vượt ra khỏi khái niệm của một nghĩa trang thông thường.
Anthony Schmitt, một người làm trong ngành du lịch cao cấp tại Paris cho biết: “Père Lachaise không chỉ là một nghĩa trang, nó là kho lưu trữ của Paris. Nơi đây lưu giữ lịch sử thành phố thông qua phần mộ của các bộ óc vĩ đại, những khoảnh khắc đấu tranh và sự nghệ thuật của chính các ngôi mộ. Đây là địa điểm mang ý nghĩa văn hóa đối với người Paris”.

Nghĩa trang Père Lachaise ở Paris được ví như một bảo tàng ngoài trời nhờ vào số lượng lớn các tác phẩm điêu khắc và tượng đài hiện diện khắp khuôn viên rộng 44 hecta của nó

Père Lachaise hiện là nghĩa trang được ghé thăm nhiều nhất thế giới

Phần mộ của họa sĩ người Pháp Théodore Géricault (1791-1824)

Bên cạnh Géricault, nơi đây còn là nơi an nghỉ của nhiều nhân vật nổi tiếng như ca sĩ Edith Piaf, nhạc sĩ Frédéric Chopin, danh họa Modigliani, nhà văn Oscar Wilde hay ca sĩ Jim Morrison - thủ lĩnh ban nhạc The Doors
Lịch sử của Père Lachaise
Tên gọi Père Lachaise bắt nguồn từ François de La Chaise - cha xứ và người giải tội cho vua Louis XIV. Ông từng sống tại vùng đất này, vốn được gọi là Mont-Louis, sau một lần nhà vua đến thăm khu vực này trong thời kỳ Paris có nhiều biến động.
Tuy nhiên, khi nghĩa trang mở cửa vào năm 1804, nơi đây không được cư dân Paris đón nhận. Theo lời kể của hướng dẫn viên Alberto Rigettini, một người đã dẫn tour bằng tiếng Anh tại đây từ năm 2010: “Khi đó, người dân Paris thường chôn cất người thân trong sân nhà hoặc khuôn viên nhà thờ. Khu vực này lại xa trung tâm và nằm trong một quận bị coi là có tệ nạn xã hội, nên chẳng ai muốn được chôn ở đó”.

Có khoảng 70.000 phần mộ trong nghĩa trang, nhiều trong số đó được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc tinh xảo, từ tượng bán thân, phù điêu đến các bức tượng toàn thân
Trong năm đầu tiên, chỉ có 13 người được chôn cất tại Père Lachaise. Trước tình hình đó, chính quyền thành phố đã triển khai một chiến lược mang tính biểu tượng: chuyển hài cốt của nhà thơ Jean de La Fontaine và nhà viết kịch Molière về đây, như một cách để tạo dựng hình ảnh. Đến năm 1817, hài cốt của cặp tình nhân nổi tiếng thời Trung Cổ - Héloïse và Abélard - cũng được đưa về đây, tạo nên hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ.
Abélard là một nhà thần học 37 tuổi, còn Héloïse là học trò trẻ tuổi của ông. Họ yêu nhau từ năm 1115, sinh con ngoài giá thú và kết hôn trong bí mật, trước khi bị chia cắt một cách đầy bi kịch. Sau này, cả hai đều đi tu, nhưng vẫn duy trì mối liên lạc qua những bức thư đầy cảm xúc. Họ được tái hợp sau khi qua đời và phần mộ chung của hai người đến nay vẫn là nơi được ghé thăm nhiều nhất tại nghĩa trang.
Nhờ những động thái này, Père Lachaise dần trở nên thu hút. Tới năm 1830, nghĩa trang đã có khoảng 33.000 phần mộ; đến năm 1850, diện tích nơi đây được mở rộng gấp năm lần để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.

Từng bị ghẻ lánh vì nằm trong một quận có tệ nạn xã hội, nhờ chiến lược của chính quyền địa phương, nghĩa trang này đã dần được biết đến rộng rãi với nhu cầu chôn cất tại đây ngày càng tăng
Những nhân vật gắn với ký ức tập thể
Một trong những ngôi mộ thu hút lượng lớn khách tham quan là phần mộ của Edith Piaf - nữ ca sĩ nổi tiếng với giọng hát khàn đặc trưng và gắn liền với ca khúc “La Vie en Rose”. Bà sinh ra tại khu Belleville gần đó và qua đời ở Grasse, miền Nam nước Pháp vào năm 1963. Có lời kể cho rằng chồng bà đã lái xe xuyên đêm đưa thi thể về Paris để người hâm mộ tin rằng bà đã trút hơi thở cuối cùng tại nơi bà sinh ra.

Phần mộ của nữ ca sĩ Pháp Edith Piaf (1915-1963)
Bên cạnh đó, các phần mộ của nhạc sĩ Frédéric Chopin và ca sĩ Jim Morrison cũng nằm trong danh sách được ghé thăm nhiều nhất. Đây đều là những biểu tượng văn hóa toàn cầu, góp phần đưa Père Lachaise trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai quan tâm tới nghệ thuật và lịch sử hiện đại.

Phần mộ của nhạc sĩ người Ba Lan Frédéric Chopin (1810-1849)
Một nhân vật khác gắn với truyền thuyết đô thị đặc biệt là Victor Noir, một nhà báo trẻ tuổi bị giết trong một cuộc đấu súng với Pierre Bonaparte - họ hàng của hoàng đế Napoleon III - vào năm 1870. Cái chết của ông đã châm ngòi cho làn sóng phản đối chính quyền và khiến hơn 100.000 người tham gia tang lễ. Từ đó, ông trở thành biểu tượng chính trị và một nhân vật huyền thoại. Mộ của Victor Noir được điêu khắc bởi Jules Dalou, thể hiện ông nằm ngửa trong tư thế ngã xuống nơi bị bắn.

Truyền thuyết đô thị Victor Noir
Theo hướng dẫn viên Thierry Le Roi, người đã làm việc tại nghĩa trang hơn 25 năm, phần môi, đôi ủng và vùng kín của bức tượng là những chỗ bị mòn nhiều nhất do khách viếng thường chạm vào. “Có người tin rằng nếu nằm lên tượng Victor Noir, hướng chân về phía đôi ủng và hôn lên môi hoặc chạm vào phần sinh dục, họ sẽ sớm mang thai”, ông kể. “Truyền thuyết còn nói rằng nếu chạm vào chân phải sẽ sinh con, còn chân trái sẽ sinh đôi”. Dù chính ông chưa từng thử, nhưng ông cho biết: “Tôi có bạn từng cầu nguyện và sau đó sinh được con”.
Một “bảo tàng ngoài trời” mang hồn Paris
Père Lachaise không chỉ mang giá trị lịch sử hay tôn giáo, mà còn là một không gian văn hóa công cộng độc đáo, với hệ thống đường lát đá, những lối đi rợp bóng cây và nhiều tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Các phần mộ ở đây mang đậm dấu ấn cá nhân, nhiều ngôi mộ được thiết kế như một tác phẩm nghệ thuật, phản ánh vị thế, tôn giáo, phong cách sống và thẩm mỹ của người đã khuất.



Việc được chôn cất tại Père Lachaise hiện nay là không hề dễ dàng. Ngoài chi phí cao, diện tích trống tại nghĩa trang cũng gần như không còn. Trong thế kỷ 21, nhu cầu chôn cất vượt xa số lượng ô đất còn trống khiến cho thời gian chờ có thể kéo dài nhiều năm. Tuy vậy, điều này càng làm tăng giá trị biểu tượng của Père Lachaise trong tâm thức người dân Paris. Sau khi đã thăm tháp Eiffel hay dạo quanh các bảo tàng nổi tiếng, nhiều người chọn dừng chân tại đây để bước vào “thành phố của những linh hồn”, nơi mà ký ức, nghệ thuật và tình yêu của những người đã khuất vẫn tiếp tục được giữ gìn.