Thám hiểm Sơn Đoòng

24/10/2012

Mất hơn một ngày rưỡi băng rừng, lội suối, dầm mưa, chúng tôi đã tới được Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới nằm trong địa phận vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình). Dù mới đi được một phần quãng đường trong lòng hang, nhưng chúng tôi vẫn thỏa ước nguyện và tự hào là một trong những người Việt Nam amateur đầu tiên vào được Sơn Đoòng.


Ngày 22/04/2009, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã công nhận hang Sơn Đoòng thuộc địa phận Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) là hang động tự nhiên có vòm động rộng lớn nhất thế giới. Với chiều rộng 200m, cao hơn 150m, dài ít nhất 6,5km, Sơn Đoòng đã vượt qua hang Deer ở Vườn quốc gia Gunung Mulu của Malaysia để chiếm vị trí hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Trong lần khám phá lại gần một năm sau, các nhà khoa học xác nhận: Sơn Đoòng dài ít nhất 8,5 km, cao 200m, có nơi có thể lên đến 250m.

Bài: Lưu Ly

Đường vào Hang Én

Rừng núi Phong Nha – Kẻ Bàng đón chúng tôi bằng một cơn mưa ngày càng nặng hạt. Con đường mòn xuyên giữa rừng nguyên sinh rậm rạp, ẩm ướt, lá cây đan nhau che kín trên đầu, chẳng có mấy tia sáng mặt trời lọt xuống. Tất cả lầm lũi đi, mũi chân bấm sâu xuống nền đất nhão nhoét, trơn trượt và đầy những con vắt xanh. Sau chừng một tiếng rưỡi vượt rừng là đến suối Rào Thương. Con suối vào mùa khô trơ đá, nước chảy róc rách hiền hòa. Từ đây, đường đi men theo suối, bằng phẳng, dễ dàng hơn.

Đi thêm chừng nửa tiếng nữa, cả đoàn dừng chân ở Bản Đoòng. Ngôi làng nhỏ với 6 nóc nhà người Vân Kiều nằm rải rác, heo hút giữa bốn bề núi cao. Những đứa trẻ mặt mũi lấm lem nép bên mái nhà lợp tranh trống hoác nhìn chúng tôi lạ lẫm. Đi qua Bản Đoòng, chúng tôi lại tiếp tục vượt 3,5km đường rừng để đến hang Én – điểm nghỉ đêm đầu tiên trên đường đến Sơn Đoòng. Đường đi lúc xuyên rừng chuối, lúc vượt trảng cỏ dại mọc đầy rau tàu bay, khoai nước và cây lá han. Chuối rừng mọc rậm rì, chúng tôi phải phạt cây, vạch lá tìm lối đi, chỉ chậm chân một chút là đã mất dấu người đi trước. Cơn mưa ban sáng khiến không khí mát mẻ, đi không mất sức, nhưng lại khiến nền đất trở thành bùn nhão, dính chặt lấy bước chân và nuốt mất dép của chúng tôi không biết bao lần.

Cứ thế, những bước chân mải miết đi, cho đến khi thấy thấp thoáng cửa hang Én hiện ra phía xa. Dòng suối uốn lượn rồi chui vào hang mất hút. Khi còn đang ngó nghiêng vào lòng hang tối thui, thì bỗng đâu một đàn bướm trắng ùa ra, quấn quít lấy những vị khách lạ, khiến chúng tôi cứ đứng ngẩn người, ngỡ như mình đang lạc vào chốn thần tiên trong chuyện cổ tích.

Sau một đêm nổi lửa nấu cơm và dựng lều ngủ trong hang Én, sáng sớm hôm sau chúng tôi tiếp tục hành trình đến với Sơn Đoòng, được dự báo là khó khăn và vất vả hơn và cũng hào hứng hơn. Bởi chỉ trong một ngày hôm nay, chúng tôi sẽ được thám hiểm hai hang động có hai cái nhất: Hang Én có cửa hang to nhất và hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Chúng tôi theo con suối đi sâu vào trong hang Én, leo lên bãi đá đổ xuống từ cửa hang sập, rồi vượt qua những bãi cát phẳng. Chẳng nhớ đã bao nhiêu lần lội suối ì oạp giữa lòng hang, rồi leo lên cao, trèo xuống thấp. Đến khi đã thấm mệt, đang cố gắng vượt lên một dốc đá khá cao, thì bỗng thấy ánh sáng chói lòa phía trước. Đó là cửa lớn của hang Én, cao tới hơn 78m, rộng hơn 70m. Trên trần hang, từng đàn én chao liệng, kêu ríu rít. Phía dưới, những người nhanh chân nhất đã xuống đến cửa hang, thoáng chốc chỉ còn là những chấm đen bé tý trên bãi sỏi lấp lánh ánh nắng.

Thám hiểm Sơn Đoòng

Rời hang Én, con đường đến với Sơn Đoòng lại tiếp tục với suối và rừng, nhưng đường đi ngày càng khó hơn. Suối sâu hơn, nước chảy xiết hơn. Rừng rậm, dốc cao trơn trượt. Những vách đá hẹp hơn, phải khéo léo lắm mới lách người qua được, nhưng chiếc balô to đùng thì mắc kẹt lại. Những con dốc cheo leo trơn trượt đầy bùn, chỉ chênh vênh một chiếc thang khẳng khiu bắc bằng vài ba cây gỗ.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ trầy trật vượt qua những hẻm núi dựng đứng với những vách đá sắc nhọn, chúng tôi đã đến cửa hang. Nó nhỏ hơn so với tưởng tượng của chúng tôi, rêu mốc, âm u và luôn phả ra làn hơi sương mát lạnh. Sau vài phút nghỉ ngơi và chuẩn bị dây, đèn pin…, chúng tôi bắt đầu xuống hang. Cửa hang dốc đứng. Những bước chân đầu tiên bước xuống hang động lớn nhất thế giới thật hồi hộp. Hết đoạn dốc, lòng hang mở ra rộng rãi, những khối thạch nhũ đồ sộ lờ mờ hiện ra dưới ánh đèn pin. Qua một khúc quanh, bỗng nghe tiếng nước chảy vọng lại, ngày càng rõ hơn, ào ạt hơn. Đó là một dòng suối nhỏ chảy rất xiết, nước cuộn bọt trắng xóa chắn ngang lối đi. Không có dây bám, chúng tôi phải nắm tay nhau, bấm chân xuống những hòn đá cuội to trơn nhẫy giữa lòng suối để băng qua.hình

Vượt qua được thử thách đầu tiên này, chúng tôi thở phào sung sướng vì biết chắc mình đã trở thành những kẻ amateur đầu tiên đi sâu được vào Sơn Đoòng. Ánh đèn pin đeo đầu chỉ leo lét như con đom đóm giữa lòng hang tối đen cũng đủ để chúng tôi sững sờ trước sự kỳ vĩ và khổng lồ của Sơn Đoòng. Những vách đá treo từ trên cao đến cả trăm mét thả xuống tận đáy hang tấm thạch nhũ khổng lồ. Những cột nhũ đá sừng sừng như những ngọn núi nhỏ.

Cứ mải miết đi, mải miết ngắm nhìn những kỳ quan do thiên nhiên tạo tác, bỗng có tiếng mấy người đi đầu tiên reo lên: “Thấy doline 1 rồi”. Doline 1 là chỗ trần hang sập đầu tiên, nơi ánh sáng lọt vào hang và cũng là đích đến của chúng tôi trong ngày đầu tiên thám hiểm Sơn Đoòng. Tất cả vội vàng leo lên và nhìn thấy một chấm sáng le lói mờ ảo từ tít đằng xa. Khi doline 1 đã hiện ra rõ mồn một, chúng tôi dừng lại chừng mươi phút, ngồi im trên một vách đá cao, lặng người vì sung sướng ngắm nhìn dòng thác ánh sáng huyền ảo rót xuống giữa lòng hang tối đen.

Ngay dưới chân doline 1 là một bãi cát mịn trải rộng. Dưới ánh sáng chan hòa chiếu xuống từ hố sụt rộng tới hàng chục mét trên trần hang, lòng hang hiện ra rộng mênh mông với những bức tường đá sừng sững, những vách đá chênh vênh bên bờ vực sâu hun hút. Đây chính là nơi mà các nhà thám hiểm người Anh đã viết trên tạp chí National Geographic: “Lòng hang có lẽ rộng tới 100m, trần hang cao tới 240m – đủ chứa một tòa nhà 40 tầng của New York…”.

Tới đây thì chúng tôi phải dừng chân, bởi không có cách gì vượt qua một vực sâu tới cả chục mét. Trong lòng đầy tiếc nuối, chúng tôi hẹn nhau trở về sắm thêm thiết bị, luyện tập đu dây, để nhất định một ngày kia sẽ trở lại Sơn Đoòng, khám phá nốt quãng đường kỳ bí còn lại.

Tạp chí Travellive

RELATED ARTICLES