Từ những câu chuyện tình yêu gà bông ngọt ngào, trong sáng cho đến những trải nghiệm tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, sôi nổi, các bộ phim Hàn Quốc đã vẽ nên một bức tranh đa sắc màu về thời thanh xuân tươi đẹp. Mỗi thước phim như một trang nhật ký, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, những cung bậc cảm xúc chân thật mà ai cũng từng trải qua một lần trong những năm tháng trưởng thành.
“Our beloved summer”: tinh tế, ý vị, chữa lành và đầy ý vị tuổi trẻ
Tinh tế, chữa lành, ngọt ngào nhưng kém phần day dứt, “Our beloved summer” không sở hữu một cốt truyện quá kịch tính nhưng vẫn thành công từng chút chinh phục người hâm mộ. Thậm chí bộ phim còn được nhận xét là “sâu sắc đến mức tổn thương tim người xem”.
Với sự tham gia của Choi Woo Shik và Kim Da Mi, Our Beloved Summer nhanh chóng trở thành hiện tượng bởi kịch bản thú vị về mối tình tan hợp giữa Choi Woong (Choi Woo Shik thủ vai) và Kook Yeon Soo (Kim Da Mi thủ vai) từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Những tưởng chỉ là một cái tên bình thường nhưng “Our beloved summer” lại chứa đựng nhiều ý vị sâu xa.
Mùa hè không chỉ đơn giản là một thời khắc bình thường, cũng không phải chỉ là một mùa hè mà cả hai có nhau. “Mùa hè yêu dấu” ấy còn là tuổi trẻ nhiệt huyết, là thanh xuân đơn thuần, và còn bởi sự hồn nhiên và trong sáng của họ tựa như mùa hè. Đặc biệt, các tập phim vô cùng tinh tế khi được đặt theo tên những siêu phẩm đình đám được ra mắt vào những mùa hè khác nhau.
“Tuổi hai lăm, hai mốt”, mối tình đầu đầy day dứt
Lấy bối cảnh năm 1998, Tuổi hai lăm, tuổi hai mốt xoay quanh câu chuyện về Na Hee Do (Kim Tae Ri thủ vai) và Baek Yi Jin (Nam Joo Hyuk) phút chốc bị tước đoạt ước mơ do cuộc khủng hoảng kinh tế. Cách mà Baek Yi Jin và Na Hee Do gặp gỡ thơ mộng, hồn nhiên; khi tình yêu chớm nở cũng lãng mạn, trong sáng; nhưng cách mà họ chia tay lại nhiều tổn thương.
Bộ phim đi đến kết thúc với chuyện tình dang dở nhưng đầy day dứt của cặp nhân vật chính. Tình yêu của họ dừng lại ở tuổi 25 và 21. Cả hai trở thành một phần thanh xuân đáng nhớ của nhau. Những ai đã từng trải qua mối tình đầu giống như Baek Yi Jin và Na Hee Do có lẽ sẽ hiểu. Baek Yi Jin và Na Hee Do yêu nhau đẹp đẽ là thế, tưởng chừng có thể ở bên nhau mãi mãi, nhưng cuối cùng vẫn chia tay. Có lẽ bởi khi đó cả hai còn trẻ, tình cảm dành cho nhau là thật, nhưng những bồng bột, cái tôi lớn, chưa thể bao dung sai sót của đối phương cũng là thật.
Một mối tình đầu đẹp như vậy, đã khiến cuộc đời của mỗi người đều thay đổi theo hướng tốt hơn, vì sao lại không thể luyến lưu? Có ai đó từng nói rằng, khi ta nhớ đến một mối tình, có thể ta không nhớ về người ấy mà là nhớ chính ta ở thời điểm đấy.
“Family By Choice”, bản tình ca về tình cảm gia đình, tình yêu tuổi trẻ
“Family By Choice” là phim truyền hình Hàn Quốc được làm lại từ bộ phim Trung Quốc nổi tiếng “Lấy danh nghĩa người nhà” (2020). Tác phẩm lấy mốc thời gian bắt đầu năm 2003, xoay quanh cuộc sống của cô bé Yoon Joo Won cùng người bố đơn thân - một chủ tiệm mì. Yoon Joo Won luôn mơ ước sẽ có anh trai trong gia đình. Và rồi bỗng dưng, định mệnh sắp đặt cho cô bé có những hai người anh.
So với “Lấy danh nghĩa người nhà” của Trung Quốc, “Family By Choice” tập trung hơn vào câu chuyện gia đình của ba nhân vật chính, thay vì phát triển chuyện tình cảm của hai người anh với nữ chính Joo Won. Phim truyền tải thông điệp về cách ta định nghĩa gia đình thực sự. Gia đình có thể là những người xa lạ, tìm thấy điểm chung rồi cùng giúp đỡ, nương tựa lẫn nhau. Gia đình được xây dựng trên cách con người đối xử với con người, chứ không phải chỉ là tờ giấy chứng minh cùng một huyết thống.
“Dưa hấu lấp lánh”, tuổi trẻ qua muôn dáng hình âm thanh
“Dưa hấu lấp lánh” bắt đầu với câu chuyện của chàng trai trẻ Ha Eun Gyeol, người duy nhất có khả năng giao tiếp trong một gia đình câm điếc. Từ nhỏ, chàng trai này đã đam mê âm nhạc. Thế nhưng, cậu phải gạt bỏ niềm vui khiến trái tim mình thổn thức để đóng vai một học sinh ngoan như bố mẹ hằng mong muốn.
Cho đến khi bùng nổ tranh cãi gay gắt với bố, Eun Gyeol tình cờ phát hiện một cửa hàng âm nhạc kỳ lạ và bất ngờ vượt thời gian trở về năm 1995. Tại mốc thời gian này, cậu gặp bố Ha Lee Chan khi ông ấy đương tuổi học trò và phát hiện ra rằng hóa ra bố không phải là người khiếm thính bẩm sinh, rằng ông ấy đã từng là một thiếu niên dương quang rực rỡ, có thể nói, có thể hát.
Từ đây, câu chuyện không còn là những gì Eun Gyeol thấy, mà trở nên khách quan hơn bằng góc nhìn của Lee Chan, của Cheong A, của những người trưởng thành từ thanh xuân đó. Những nhầm lẫn, những mối quan hệ tình bạn, tình yêu chồng chéo tạo nên vô số câu chuyện “dở khóc dở cười”, dẫn dắt người xem trải nghiệm cảm xúc song song, vừa vui vẻ tận hưởng cảm giác hoài niệm thanh xuân vườn trường nhẹ nhàng, vừa không khỏi lo lắng những bất hạnh sắp xảy đến với những cô cậu thiếu niên ngây ngô này.
Không chỉ là câu chuyện của tuổi trẻ, “Dưa hấu lấp lánh” còn khéo léo phơi bày những tổn thương âm ỉ bên dưới sự yên bình, phẳng lặng. Những nỗi đau đều không được kể thành lời, mà ngân vang qua những đôi tay – đôi tay thể hiện ngôn ngữ ký hiệu và đôi tay gảy lên dây đàn. Trong cuộc đời của mỗi người, tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất. Đôi khi chúng ta không cần phải làm điều đó quá lớn lao, chỉ cần chúng ta dám thể hiện bản thân, thử một lần mãnh liệt theo đuổi đam mê cũng đủ tạo ra một hồi ức vô cùng đáng nhớ.
Vẽ nên một bức tranh thanh xuân tươi sáng, vui có, buồn có, nơi cả tình bạn và tình yêu cùng nở rộ rực rỡ nhất, những bộ phim Hàn này đã thay nhau khiến trái tim người xem bồi hồi, thổn thức suốt 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông.