Theo đó, Dự luật bình đẳng hôn nhân tại Thái Lan đã chính thức trở thành luật, mở ra cánh cửa cho các cặp đôi đồng giới kết hôn hợp pháp. Sau khi được Vua Maha Vajiralongkorn phê chuẩn, luật đã được công bố trên Công báo Hoàng gia và sẽ có hiệu lực sau 120 ngày.
Điều này đồng nghĩa từ tháng 1/2025, các cặp đôi LGBTQ+ có thể chính thức đăng ký kết hôn, giúp Thái Lan trở thành quốc gia/ vùng lãnh thổ thứ 3 ở châu Á, sau Đài Loan (Trung Quốc) và Nepal, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Dự luật mang lại đầy đủ các quyền lợi pháp lý, tài chính và y tế cho các cặp đôi, không phân biệt giới tính. Dự luật đã được thông qua bởi cả Hạ viện và Thượng viện Thái Lan trong các phiên họp vào tháng 4 và tháng 6 năm nay.
Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra có bài viết: "Chúc mừng tình yêu của tất cả mọi người", kèm theo hashtag #LoveWins. Việc thông qua luật hôn nhân bình đẳng là kết quả của hàng thập kỷ đấu tranh, cộng đồng LGBTQ+ cho biết họ vẫn đối mặt với sự kỳ thị trong cuộc sống hàng ngày.
Động thái này được dự đoán sẽ mở ra nhiều cơ hội thu hút thêm khách du lịch từ cộng đồng LGBTQIA+ toàn cầu, mang lại giá trị hơn 200 tỷ USD mỗi năm kể từ thời điểm luật chính thức được ban hành vào ngày 22/1/2025, theo Travel HUB.
Dự kiến trong vòng 2 năm tới, số lượng du khách quốc tế đến quốc gia này sẽ tăng thêm 4 triệu người/năm, theo nghiên cứu Tác động kinh tế của hôn nhân bình đẳng đối với ngành du lịch Thái Lan của nền tảng du lịch kỹ thuật số Agoda hợp tác cùng Access Partnership thực hiện.
Thái Lan dự tính sẽ tăng khoảng 2 tỷ USD doanh thu du lịch mỗi năm. Trong đó, khoảng 700 triệu USD đến từ các dịch vụ lưu trú, 400 triệu USD từ dịch vụ ăn uống và 400 triệu USD từ chi tiêu bán lẻ, 200 triệu USD từ vận tải trong nước, 200 triệu USD từ các lĩnh vực khác bao gồm vui chơi giải trí và dịch vụ y tế. Tạo ra thêm 152.000 việc làm toàn thời gian, với 76.000 việc làm trực tiếp trong ngành du lịch và 76.000 việc làm khác trong nền kinh tế Thái Lan, đồng thời nâng 0,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Dù mới chỉ là thị trường thứ ba tại châu Á hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng giới, Thái Lan đang dần trở thành trung tâm trong khu vực thu hút các cặp đôi LGBTQIA+ từ các nước lân cận tìm kiếm địa điểm tổ chức lễ cưới tại một quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới. Việc thông qua luật hôn nhân đồng giới sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp tiệc cưới tại Thái Lan. Các lĩnh vực liên quan như khách sạn, dịch vụ ăn uống và giải trí cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể từ xu hướng này.
Bà Waaddao Chumaporn, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Naruemit Pride và nhà tổ chức Lễ hội Bangkok Pride 2024, cho biết: "Việc ban hành Đạo luật Bình đẳng hôn nhân đánh dấu một bước tiến to lớn đối với Thái Lan, không chỉ trong việc thúc đẩy quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBTQIA+ mà còn củng cố danh tiếng của quốc gia này như một điểm đến an toàn và hòa nhập. Chúng tôi tin rằng bước đi táo bạo này sẽ tạo nên niềm tin sâu sắc hơn, thu hút nhiều khách hơn và khuyến khích sự tham gia có ý nghĩa vào nền văn hóa sôi động của chúng tôi".
Chính phủ do đảng Pheu Thai lãnh đạo đã cam kết đặt vấn đề bình đẳng hôn nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu. Đảng đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cộng đồng LGBTQ+, đặc biệt trong cuộc diễu hành Bangkok Pride tháng 6 năm nay, thu hút hàng nghìn người tham gia tại trung tâm thành phố.
Từ khi Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên cho phép hôn nhân đồng giới vào năm 2001, hơn 30 quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hóa hôn nhân cho mọi người, bất kể giới tính.